Cách mạng Tháng Tám thành công. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Nhân dân được hưởng nền độc lập chưa bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại lăm le cướp nước ta một lần nữa. Chính quyền cách mạng non trẻ cùng quân đội và nhân dân tạm rời Thủ đô Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc. Biết bao nhiêu khó khăn, thiếu thốn đến với chính quyền và quân đội trong khoảng thời gian này, trong khi Pháp tăng cường lực lượng.
Từ năm 1946 đến đầu năm 1950, thế và lực của ta là cầm cự và phòng ngự. Đây là giai đoạn quân đội thiếu lương thực, thuốc men, đạn dược... Tuy nhiên, chính trong giai đoạn nóng bỏng này, trong quân đội lại xuất hiện những sĩ quan biến chất, tham nhũng, sống phè phỡn, xa hoa trong khi những người lính ngoài mặt trận phải ăn đói, mặc rách; những chiến sĩ bị thương thiếu cả thuốc men chữa trị. Một số sĩ quan có chức có quyền ấy đã bị đưa ra trước vành móng ngựa.
|
Ảnh minh họa. |
Nổi bật trong số ấy là Trần Dụ Châu. Trần Dụ Châu sinh năm 1906 tại Nghệ An. Châu bước vào đời bằng đi làm thư ký toà sứ Pháp. Thấy Châu vừa đi làm, vừa viết báo “Thanh – Nghệ – Tĩnh”, e lộ chuyện công sở, toà sứ cho Châu thôi việc. Châu chuyển sang làm nhân viên quận Hoả xa Bắc Trung Kỳ. Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương tháng 3/1945, Châu được cử làm Trưởng phòng Kế toán Hoả xa Bắc Trung Kỳ. Nhờ quen biết người Nhật Bản, Châu lấy được một kho vải ở huyện Đức Phong, bán đi có tiền tậu một biệt thự ở Đà Lạt.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 bùng nổ, Châu hiến cho Nhà nước một phần tài sản của mình, rồi hoạt động trong Uỷ ban Công sở Nha Hoả xa Việt Nam và Hội Công nhân Cứu quốc Hoả xa. Ngày toàn quốc kháng chiến, Châu ra Bắc, được giao việc chạy một kho hàng lớn hơn ngàn tấn gạo, muối ở Vân Đình, Hà Đông, đưa lên Việt Bắc cho bộ đội.
Không lâu sau, Châu được vào làm ở Cục Quân Nhu. Vì thời gian làm tốt việc cung cấp lương thực, trang bị cho bộ đội, Châu được phong tặng quân hàm Đại tá, làm Giám đốc Nha Quân Nhu. Lúc đó, Cục Quân Nhu chỉ phụ trách việc quản lý, quản trị, còn Nha Quân Nhu mới có nhiệm vụ trực tiếp sản xuất quân trang, quân dụng. Có địa vị cao, quyền hành rộng, nắm trong tay hàng trăm triệu đồng, cơ chế kiểm tra, kiểm soát lại lỏng lẻo, không biết tự kiềm chế, Châu đi dần vào con đường sa ngã.
Châu lấy cắp của công quỹ một số tiền lớn: 57.959 đồng Việt Nam, 149 đôla Mỹ, các tài sản khác trị giá 143.900 đồng Việt Nam. Giá gạo ở Thái Nguyên – Bắc Cạn năm 1950 là 50 đồng/một kg, còn chiến sĩ ta mỗi ngày chỉ được cấp vài lạng gạo và hơn 10 đồng tiền thức ăn. Ngoài ra, Châu còn nhận hối lộ khá nhiều tiền, chuyên quyền, độc đoán, sống sa đoạ, đồi truỵ. Uỷ ban Tiếp liệu Thu - Đông 49, các kho số 1, 4, 10 thường xuyên nộp cho Châu tiền tiêu, rượu, đồ hộp, hải sản khô, thuốc lá, quần áo, chăn len... Châu còn tuyển người, thải người theo sở thích cá nhân, vung tiền bao gái.
Tay chân đắc lực nhất của Châu là Lê Sỹ Cửu, sinh tại một tỉnh miền Trung, kém Châu 10 tuổi. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cửu trở về miền Trung, vào làm công an, nhưng được ít lâu thì bị đuổi, liền quay ra Bắc. Sau khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Cửu gặp và được Châu giới thiệu vào làm ở Ban Vận tải quân giới. Tháng 8/1947, gặp lại Châu, Cửu được Châu đưa vào Cục Quân Nhu, làm nhân viên tiếp liệu ở Cao Bằng. Được Châu che chở, Cửu lộng hành làm bậy, lấy cắp tiền công, ăn tiêu bừa bãi, thường xuyên lui tới các nhà hàng, tiệm hút vùng Cao Bằng.
Tiếng tăm ăn chơi của Châu nổi như cồn ở Hanh Cù, Phú Thọ, một thị trấn sầm uất, tối đến cả đường phố dài rực sáng ánh đèn măng sông, với nhiều hiệu ăn sang trọng và cửa hàng đầy ắp hàng tiêu dùng nước ngoài. Chính từ thị trấn Hanh Cù, đã bắt đầu có những bức thư tố cáo Trần Dụ Châu gửi đến các cơ quan có liên quan.
Chính vì lẽ đó, ngày 05/9/1950, tại thị xã Thái Nguyên, Toà án binh tối cao mở phiên toà đặc biệt xử vụ án tham nhũng của Trần Dụ Châu. Tại phiên tòa, Trần Dụ Châu bị tuyên án tử hình vì tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, phá hoại công cuộc kháng chiến và bị tịch thu ba phần tư tài sản. Đây cũng chính là bản án tử hình đầu tiên về tội tham nhũng tại Việt Nam.
*Tiêu đề đã được BTV đặt lại