Con voi cô độc trên núi
Theo thông tin từ người dân địa phương và từ Trung tâm Thiên nhiên và con người (PanNature), tại Sơn La (tỉnh duy nhất tại Tây Bắc) còn cá thể voi rừng sinh sống.
Qua tìm hiểu, PV được biết cá thể voi này đang trú tại địa bàn huyện Sông Mã. Kiểm lâm địa phương khẳng định, đây là con voi rừng duy nhất còn tồn tại ở miền Bắc.
Hiện, cá thể voi này đang khẩn thiết kêu cứu khi môi trường thiên nhiên ngày một thu hẹp lại, những kẻ săn bắt luôn chực chờ, phần nào nữa là những chiếc bẫy tàn khốc được dân bản dựng lên khi nó từ trên núi trở về tàn phá nương rẫy…
|
Một lần voi rừng xuất hiện được người dân chụp lại.
|
Không ai biết về nguồn gốc của cá thể này xuất phát từ đâu, mọi việc chỉ được bắt đầu từ năm 2014, khi một người dân trên nương rẫy thuộc khu vực xã Chiềng Khoong (Sông Mã, Sơn La) lúc chuẩn bị về nhà thì bỗng nghe thấy có tiếng rú, rồi một con voi to lớn trên đỉnh núi xộc xuống. Hoảng hồn, 3 chân 4 cẳng anh ta vứt hết quang gánh, lao ùm xuống dòng sông bơi qua, hốt hoảng trở về nhà.
Cũng từ đây, người ta bắt đầu chú ý hơn đến nó và những câu chuyện xung quanh con voi này. Nhất là tầm tháng 6, tháng 7 khi mùa ngô vào vụ thu hoạch, voi hay xuất hiện ở các nương rẫy.
Câu chuyện về sự xuất hiện của con voi rừng này cũng rất nhiều. Một cán bộ kiểm lâm Hạt Sông Mã cho biết, dân bản kể lại trước đây đàn gồm 3 con, bố, mẹ, và 1 voi con, về sinh sống ở khu vực xã Chiềng Khoong, Nà Ngịu từ rất lâu.
Về sau, dân bản và những kẻ đi săn đánh bẫy, voi bố và con chết, còn lại voi mẹ cô độc 1 mình, Cũng từ lúc đó, hàng năm con voi mẹ đều tìm về địa điểm con nó bị đánh bẫy, cực kỳ hung dữ và sẵn sàng tấn công dân bản hay bất cứ con vật nào nó nhìn thấy trên đường đi.
Cũng có một câu chuyện khác, theo như ông Lường Văn Nguyên, Phó chủ tịch xã Chiềng Khoong kể lại, thì ở xã trước có 2 cá thể voi, sau voi mẹ chết già, voi con không còn nhớ đường trở về rừng già nữa, nên chỉ sống quanh quẩn trên những ngọn núi thuộc địa phận xã. Cũng có lúc, nó vượt sông sang tận những xã lân cận như Phiêng Cằm, Chiềng Cang để kiếm ăn.
|
Nhiều người dân từng tận mắt thấy con voi rừng khổng lồ. |
Có một thực tế, thời gian gần đây, đường biên được xây sửa nhiều cùng với diện tích rừng ngày một thu hẹp lại, voi không còn rừng để về, cũng không đi sang Lào nữa mà làm quen với sinh cảnh và chỉ loanh quanh ở vùng này đang "kêu cứu".
“Thỉnh thoảng nó về nó phá hăng rồi lại đi” – ông Nguyên kể.
Ông Đỗ Văn Ánh, Phó chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Sơn La cũng xác nhận sự tồn tại của cá thể voi ở huyện Sông Mã.
Voi khổng lồ đạp chết trâu nhà, chạm trán dân bản
Hỏi thăm từ những người dân bản địa, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Hưng, 53 tuổi, trú tại xã Quyết Tiến, huyện Sông Mã – người đàn ông vẫn hay được người dân nơi đây gọi là Hưng “voi” – biệt danh của ông sau cuộc chạm trán với loài động vật này.
Theo lời kể của ông Hưng, ông vẫn nhớ rõ cách đây mấy năm, ông sang xã trên (xã Chiềng Khoong, bản C4) để gọi cậu em với ý định nhờ sang sửa cái xe tải với khoang ngô thì thấy cậu em kể chuyện vừa đi xem voi về: “Voi to lắm anh ạ, khoảng 4 tấn”.
Bản thân cũng tò mò muốn xem voi ngoài đời thực trông ra sao, ông Hưng liền bảo: “Tao lai mày xuống cho tao xem với, voi tivi thì thấy rồi nhưng thực tế thì chưa”.
Xuống đến nơi, chưa kịp nhìn thấy con voi to nhỏ thế nào thì ông đã nghe người dân xung quanh hô hoán: “Voi đuổi người kìa”. Trước mặt có một con suối nhỏ, ông Hưng định túm vào cây tre bông để nhảy qua con suối nhưng chưa kịp nhảy thì voi đã xuất hiện trước mặt. Nó cuốn tròn rồi giật lại, nâng lên đặt ông xuống vài lần rồi lẳng đi.
|
Ông Hưng với vết thương trên trán và tay sau khi bị quật. |
Ông Hưng bị nó lẳng vào một khe đá, gãy xương sườn, nằm cấp cứu Hồi sức Bệnh viện Việt Đức 21 ngày, di chứng đến 2-3 năm sau vẫn không lao động được gì. Đến giờ, ông vẫn không hiểu vì sao mình vẫn còn sống và kể lại mọi chuyện cho PV.
Bà Song, một người dân ở Chiềng Khoong chia sẻ, có lần voi mò xuống tận bản, người dân hoảng hốt mang xô chậu gõ ầm ỹ. Con voi sợ quá chạy dạt sang trường học gần đấy, giáo viên và học sinh cũng chạy tán loạn. Người dân, rồi hò nhau đánh trống, khua nồi niêu song chảo, con voi khổng lồ lần ấy chạy ngược lên núi.
Đêm hôm ấy, nó lặng lẽ về bản, mọi người chỉ nghe thấy tiếng chó sủa. Sáng hôm sau, nương rẫy bị phá nát, mấy con trâu bò bị quật và dẫm chết bên cạnh những vết chân voi to tướng.
|
Ảnh con trâu bị dẫm chết…
|
Mới đây nhất, ngày 5/11/2020, trong buổi làm việc tại xã Chiềng Khoong, ông Lường Văn Nguyên, Phó chủ tịch xã xác nhận, 8h sáng cùng ngày có một hộ dân đã lên UBND xã trình báo về việc đêm qua có voi qua nhà. Không chút chần chừ, cùng với sự trợ giúp từ phía chính quyền xã, chúng tôi lập tức đến ngôi nhà có voi đi qua cách UBND xã khoảng 500 mét. Từ đường lớn đi vào, chúng tôi phải đi bộ qua cầu để vào bản Cang, đi khoảng 10 phút sẽ đến một ngôi nhà có khu vườn liền kề với con sông Mã, chính là gia đình ông Trần Văn Tuyền.
Trên đường dẫn cả đoàn xuống vườn nhà mình, ông Tuyền cho biết, khoảng 11 rưỡi đêm 3/11, gia đình ông nghe thấy tiếng chó sủa lớn, khi phát hiện ra dấu vết thì con voi đã đi rồi. Voi đến nhà ông Tuyền ăn vài ba cây mía rồi quay về bằng đường cũ ven sông.
Các thành viên trong gia đình ông Tuyền nhận xét: “Đây là lần đầu tiên voi đi xa đến thế, khả năng là nguồn thức ăn của nó cũng dần cạn kiệt”. Trước đây, mặc dù đã rất nhiều lần lui tới những nơi con người sinh sống nhưng điểm dừng của con voi thường là cánh đồng phía trên.
|
Ảnh dấu vết chân voi tại nhà ông Tuyền.
|
Dấu vết hiện trường chỉ còn lại là một loạt dấu chân voi ven bờ sông và những luống cây bị dẫm nát.
Cần thiết có một dự án bảo tồn
Câu chuyện ven bờ sông Mã ở huyện vùng cao Sơn La này tồn tại đã nhiều năm, người dân coi như đã quen việc sống chung với "lũ". Nhiều người còn kể lại, thanh niên bản có những lần lên đặt bẫy, nhưng hình như giống loài này có linh tính, nên nó trốn thoát được. Thậm chí, sự việc còn kích động thêm bản năng hung dữ, voi lại càng tàn phá nương rẫy hơn.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong câu chuyện này, nhất là việc con voi đang sinh sống ở đâu trong những đỉnh núi cao chót vót quanh khu vưc này? Đó là loài voi nào? Khả năng còn tồn tại những con voi khác hay không? Con voi này đã bao nhiêu tuổi?...
Nhưng một thực tế đặt ra, với tốc độ tàn phá thiên nhiên như hiện nay, môi trường sống của nó sẽ ngày càng bị thu hẹp lại. Và, đến lúc nào thì miền Bắc Việt Nam hoàn toàn vắng bóng của loài voi?
Trong khi, Việc voi bị mất sinh cảnh, nguồn thức ăn và hành lang di chuyển làm nảy sinh những xung đột nghiêm trọng, thậm chí nguy hiểm giữa voi và con người.
Nếu không có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hữu hiệu hơn, có lẽ trong thời gian không xa, hình ảnh con voi sẽ chỉ còn trong tiềm thức.
"Giám sát chưa tốt nên sinh cảnh cho voi mới bị phá, tình trạng buôn bán ngà và các sản phẩm từ voi vẫn tràn lan như báo chí nêu mà không thấy ai chịu trách nhiệm. Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu các địa phương có voi với việc để mất voi" - GS.TS Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam từng khẳng định.
Nhận xét về số lượng voi hoang dã còn lại ở Việt Nam, ông Barney Long – thành viên Quỹ động vật hoang dã Thế giới (WWF) chia sẻ: “Đàn voi ở Việt Nam đang rơi vào một cuộc khủng hoảng thầm lặng. Việt Nam có thể sẽ là nước đầu tiên ở châu Á đánh mất hết đàn voi hoang dã của mình.”
Theo ấn phẩm mới nhất của Trung tâm Thiên nhiên và con người (PanNature), Sơn La là tỉnh duy nhất tại Tây Bắc còn cá thể voi rừng sinh sống, cùng với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai và Bình Phước.
Tình hình trước mắt cho thấy, nếu chúng ta không sớm hành động, đưa ra những biện pháp và kế hoạch di rời, bảo vệ cá thể voi duy nhất ở Tây Bắcvào thời điểm hiện tại, chúng ta sẽ sớm chỉ còn lại đàn voi đang trên bờ vực của sự suy giảm mạnh ở Tây Nguyên. Những tín hiệu tích cực từ chính phủ, các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn động vật cùng chung tay vì quyền lợi của loài voi sẽ đóng vai trò lớn trong hoạt động nỗ lực bảo tồn vì giống loài này.
Nguồn Đài Truyền hình Tây Ninh