Vụ việc bà Dương Thị Ánh (36 tuổi, trú tại TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vợ ông Trần Tuấn Anh, thanh tra viên Sở Xây dựng tỉnh này thản nhiên thi công công trình trái phép tại phường 11, TP Vũng Tàu đang khiến dư luận địa phương quan tâm.
Đáng chú ý, dù phường 11 đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu ngừng thi công công trình trên nhưng bà Ánh vẫn cố tình vi phạm, không chấp hành. Thậm chí bà Ánh còn có lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, xúi giục người khác chống đối lực lượng chức năng.
Mới đây, trả lời trên Thanh Niên. ông Trần Tuấn Anh cho biết, việc vợ ông thi công công trình trái phép và bị UBND phường 11 lập biên bản không liên quan đến ông.
“Vợ tôi hợp tác với nhiều người khác và có hợp đồng với Công ty Khang Linh mua một số lô đất, tôi không liên quan. Khi vụ việc bị phường lập biên bản, tôi cũng yêu cầu vợ mình làm gì thì làm, đừng để ảnh hưởng đến tôi”, ông Trần Tuấn Anh nói.
|
Công trình do bà Ánh thi công trái phép trong đất dự án. Ảnh: Thanh Niên.
|
Dư luận đặt câu hỏi việc bà Dương Thị Ánh xây dựng công trình trái phép, xúc phạm lực lượng chức năng có phải là do … dựa hơi của chồng để làm càn? Và vợ vi phạm như vậy, ông Trần Tuấn Anh có bị liên đới trách nhiệm hay không?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hiện này có đầy đủ căn cứ pháp lý để xử lý đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng bằng hình thức xử phạt hành chính vào buộc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.
Thậm chí, trong trường hợp chủ đầu tư cố tình vi phạm, có thể khởi tố hình sự về tội vi phạm quy định về trật tự xây dựng.
Như vậy, có đầy đủ căn cứ và các chế tài để xử lý với công trình vi phạm của bà Dương Thị Ánh.
Nói về việc bà Dương Thị Ánh có dựa hơi chồng để làm càn hay không? Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, một cán bộ thanh tra viên Sở xây dựng tỉnh Bà Rịa – Vùng Tàu như ông Trần Tuấn Anh thì không có đủ thẩm quyền, không có khả năng để ngăn cản việc xử lý của chính quyền địa phương đối với hành vi vi phạm này.
Do vậy, việc xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để là do người có thẩm quyền chưa quyết liệt, chưa thực hiện hết chịu trách nhiệm vụ chứ không phải do chồng của người vi phạm là thanh tra viên.
Luật sư Cường phân tích, với ông Trần Tuấn Anh, nếu trong quá trình giải quyết mà có căn cứ xác định ông này đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi vi phạm trật tự xây dựng thì cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Hành vi này sẽ bị kỷ luật, thậm chí có thể xem xét xử lý về hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ nếu có đủ căn cứ, khi đó có thể áp dụng chế tài hình sự chứ không chỉ đơn thuần là kỷ luật đã xong.
Nói về việc xử lý công trình xây dựng trái phép trên, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, việc xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng sẽ căn cứ vào Luật xây dựng, Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng… và Thông tư 03/2018/TT-BXD quy định chi tiết Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng…
Theo đó, chính quyền địa phương có quyền áp dụng quy định tại điều 4 của thông tư số 03/2018/TT-BCD để thực hiện thủ tục cưỡng chế tháo dỡ như sau:
Về áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng quy định tại điểm d khoản 11 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
Cụ thể, khi người có thẩm quyền phát hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại khoản 2, khoản 4 hoặc khoản 5 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP, mà hành vi này đã kết thúc, thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; Công trình, phần công trình xây dựng vi phạm phải được tháo dỡ theo phương án, giải pháp phá dỡ được phê duyệt cho đến khi phần còn lại của công trình đảm bảo an toàn chịu lực khi đưa vào sử dụng;
Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập, thẩm tra, phê duyệt và thực hiện phương án, giải pháp phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều này. Phương án, giải pháp phá dỡ phải đảm bảo an toàn công trình xây dựng sau khi phá dỡ phần vi phạm, tính mạng, sức khỏe, công trình xây dựng lân cận và đảm bảo vệ sinh, môi trường; Trường hợp chủ đầu tư không tự giác chấp hành biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm thì bị cưỡng chế thi hành. Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thuê tổ chức tư vấn lập phương án, giải pháp phá dỡ, giao cơ quan chuyên môn về xây dựng cùng cấp thẩm định trước khi quyết định phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ. Chủ đầu tư có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến việc cưỡng chế tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm: lập, thẩm định, phê duyệt phương án, giải pháp phá dỡ và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.
Bên cạnh đó, hành vi xây dựng không có giấy phép sẽ bị xử phạt hành chính theo khoản năm của điều 15, Nghị định số 39/2017/NĐ-CP như sau:
Phạt tiền đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng như sau:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử - văn hóa hoặc xây dựng công trình khác không thuộc các trường hợp quy định tại điểm b, điểm c khoản này;
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ tại đô thị; Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc lập dự án đầu tư xây dựng.
Ngoài ra, nghị định cũng quy định rõ biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này; Buộc bổ sung phương tiện che chắn theo quy định và khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này; Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và bồi thường thiệt hại đối với hành vi quy định tại khoản 3 Điều này;
Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.
Đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì xử lý như sau: Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình; Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng;
Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính được quy định rõ tại điều 69 nghị định trên.
Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74, Điều 76, Điều 77 và Điều 78 Nghị định này. Công chức, viên chức thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được giao nhiệm vụ kiểm tra, phát hiện vi phạm hành chính trong những lĩnh vực quy định tại Nghị định này.
Công chức, viên chức, thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra nhà nước ngành Xây dựng được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra chuyên ngành độc lập hoặc thanh tra theo đoàn thanh tra.
Công chức, viên chức được phân công thực hiện nhiệm vụ kiểm tra trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước về: Hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở. Người có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 75 Nghị định này được lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điều 6 Nghị định này.
Theo quy định tại điều 70 về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định ttại Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74, Điều 76, Điều 77 và Điều 78 Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của tổ chức; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt cá nhân bằng 1/2 thẩm quyền xử phạt tổ chức.
Cụ thể, thanh tra viên xây dựng, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Sở Xây dựng, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Thanh tra Bộ Xây dựng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, Chánh thanh tra Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện…đều có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
Ngày 27/9, UBND phường 11 đã kiểm tra, phát hiện tại lô đất LK7 - 07 thuộc dự án khu nhà ở thấp tầng phường 11 của Công ty Khang Linh đang có thợ thi công đào rãnh móng, chân đế, hố ga. Đến ngày 30/9, khi tái kiểm tra phát hiện công trình trên đã thi công xong phần móng bằng đá, đổ chân đế..., Phường đã lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ tang vật nhưng tối cùng ngày công trình trên vẫn được đổ thêm 10 cột bê tông cốt thép và xây thêm tường gạch cao gần 1 m. Đến ngày 1/10, khi phường tiến hành biện pháp ngăn chặn thì bà Ánh nhận là chủ công trình,liên tục có lời lẽ xúc phạm, lăng mạ, xúi giục người khác chống đối lực lượng. Ngày 28/10, bà Ánh tiếp tục cho người thi công xây dựng tại công trình vi phạm này.