Đính chính tiêu đề bài viết
Ngày 7/1, báo Kiến Thức đăng tải bài viết với tiêu đề: "Huyền Như bị tuyên án chung thân, Vietinbank phải trả hơn 1.000 tỷ". Ở đây có chi tiết "Vietinbank phải trả hơn 1.000 tỷ" là chưa chính xác. Báo Kiến Thức xin đính chính: "Vietinbank phải có trách nhiệm với 1000 tỷ Huyền Như chiếm đoạt".
Ban biên tập Báo Kiến Thức xin cáo lỗi với Ngân hàng Vietinbank cùng bạn đọc!
Sau giờ nghị án, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên án Huỳnh Thị Huyền Như bản án chung thân, các bị cáo có liên quan đến vụ án đều bị phạt tù. Đồng thời, cấp phúc thẩm buộc ngân hàng Vietinbank phải có trách nhiệm với hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty SBBS, An Lộc, Toàn Cầu, Phương Đông, Hưng Yên.
Tại phiên xử sáng nay, HĐXX cấp phúc thẩm đã sửa một phần bản án sơ thẩm đối với bị cáo Huyền Như về tội lừa đảo 5 công ty Phương Đông, Hưng Yên, SBBS, An Lộc … để điều tra lại. Giao hồ sơ cho VKSND tối cao chuyển cho CQĐT truy tố lại. Hủy một phần bản án sơ thẩm đối với bị cáo Võ Anh Tuấn về hành vi lừa đảo công ty Hưng Yên.
Về phần bồi thường thiệt hại, HĐXX không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên đối với các trường hợp: buộc Huyền Như trả lại tiền cho Zenplaza, Navibank, VIB, ACB, bà Giã Thị Mai Hiên, Lê Thị Kim Tuyến, ông Phạm Anh Huấn, … Hủy một phần bản án sơ thẩm đối với trường hợp buộc Huyền Như trả tiền cho Phương Đông, SBBS ,An Lộc, Hưng Yên, Bảo hiểm Toàn Cầu để điều tra lại. Tiếp tục duy trì lệnh kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án đối với Huỳnh Thị Huyền Như.
Tòa phúc thẩm kiến nghị VKSND tối cao khởi tố, điều tra thêm nhiều cá nhân như Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương, nguyên PGD Vietinbank TP HCM. Kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi của Vũ Hồng Hạnh, nguyên Giám đốc công ty Phương Đông, xem xét trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Sẽ, nguyên Giám đốc Vietinbank TP HCM.
|
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm sáng nay (7/1/2015). |
Về một số vấn đề sơ hở trong quản lý kinh doanh, tiền tệ của ngân hàng, tòa phúc thẩm kiến nghị ngân hàng Nhà nước hủy bỏ quy định lãi suất vượt trần, hủy bỏ quy định ủy thác đầu tư vốn. Yêu cầu Vietinbank xem xét lại quy định trưởng phòng có quyền ký giao dịch 50 tỷ đồng mà không có cơ chế giám sát. Kiến nghị cơ quan điều tra xem xét làm rõ trách nhiệm của những sai phạm xảy ra kéo dài tại Vietinbank, xem xét trách niệm lãnh đạo Navibank.
Trước đó, trong phần luận tội, HĐXX cấp phúc thẩm xác định, Ngân hàng TMCP Á Châu - ACB thực tế không giao dịch với Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - Vietinbank nên ACB không thể là nguyên đơn dân sự và Vietinbank là bị đơn dân sự trong vụ án này. Theo đó, kháng cáo của ACB và 19 nhân viên ACB là không có cơ sở. Việc làm của một số thành viên HĐQT ACB là cố ý làm trái và đã bị xử lý. Sự thiếu trách nhiệm của nhóm nhân viên ACB (được ủy quyền gửi tiền của ACB) không đúng quy định ngân hàng, không mở tài khoản mà lập lệnh chuyển tiền nên không nhận được thông tin từ ngân hàng. Lợi dụng sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo ACB, tắc trách của nhân viên ACB, Huyền Như chiếm đoạt toàn bộ số tiền của ACB. HĐXX xác định lỗi hoàn toàn thuộc ACB và nhân viên. Cấp sơ thẩm đáng lẽ phải buộc Huyền Như liên đới bồi thường cho nhân viên ACB và nhân viên ACB hoàn lại cho ACB nhưng cấp sơ thẩm đã tuyên buộc Huyền Như trả tiền cho ACB là phù hợp. Vì vậy, kháng cáo của ACB và nhân viên là không có cơ sở chấp nhận.
|
Bị cáo Huyền Như tiều tụy đi nhiều sau hơn nửa tháng xét xử phúc thẩm. |
Tại tòa phúc thẩm, ngân hàng Navibank cùng 4 nhân viên kháng cáo yêu cầu Vietinbank trả 200 tỷ đồng chứ không phải là Huyền Như trả như cấp sơ thẩm đã tuyên. Tuy nhiên, HĐXX cấp phúc thẩm xác định Navibank tương tự như ACB là cho nhân viên đem tiền của ngân hàng gửi ngân hàng khác để hưởng lãi suất chênh lệch. Đây là ủy thác đầu tư trái pháp luật.
Navibank không giao dịch gửi tiền với Vietinbank nên Navibank không thể là nguyên đơn dân sự và Vietinbank là bị đơn dân sự trong vụ án này. Như đã dẫn dụ lãi suất vượt trần để chiếm đoạt 200 tỷ đồng của Navibank. Lỗi là của Navibank nên cấp phúc thẩm bác kháng cáo của Navibank.
Xét kháng cáo của ngân hàng TMCP Quốc tế VIB chi nhánh TP HCM, VKS nhận định bản án sơ thẩm xác định đúng quy định của pháp luật. HĐXX xét thấy yêu cầu kháng cáo của VIB là không có cơ sở chấp nhận.
Cấp phúc thẩm buộc ngân hàng Vietinbank phải có trách nhiệm với hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty SBBS, An Lộc, Toàn Cầu, Phương Đông, Hưng Yên. Sau khi xét đơn kháng cáo của 5 công ty này, HĐXX xác định việc mở tài khoản của 5 công ty này tại ngân hàng Vietinbank là phù hợp, số tiền chuyển hợp pháp và được Vietinbank theo dõi, hạch toán vào sổ sách. Huyền Như đã lợi dụng chức vụ, làm giả con dấu, giả lệnh chi để chiếm đoạt tài sản của 5 đơn vị này với số tiền 1.085 tỷ đồng. Vì vậy, Vietinbank là đơn vị giữ tiền nhưng để nhân viên là Như chiếm đoạt thì Vietinbannk phải có trách nhệm bồi thường. Tòa sơ thẩm xác định sai về về tội danh, sai về tư cách tố tụng nên thiệt hại nghiêm trọng đến 5 công ty này.
Cấp phúc thẩm xác định Huỳnh Thị Huyền Như được bổ nhiệm có nhiệm vụ, quyền kiểm soát và ký xác nhận trên các giấy tờ giao dịch, có quyền ký hồ sơ vay vốn, cầm cố sổ tiết kiệm, thực hiện xác nhận số dư thẻ tiết kiệm. Cho thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Huyền Như làm hoàn toàn trái với quy trình. HĐXX có cơ sở khẳng định Huyền Như là người có chức vụ, quyền hạn. Lợi dụng chức vụ quyền hạn để thực hiện các giao dịch giả trên các tài khoản thật để chiếm đoạt tiền. Vì vậy, ý kiến của VKS về Như có dấu hiệu tội tham ô, Vietinbank là nguyên đơn dân sự, 5 công ty trên là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bản án sơ thẩm đã xác định sai tư cách tố tụng nên đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của 5 công ty.
|
Tòa phúc thẩm kiến nghị VKSND tối cao khởi tố, điều tra thêm nhiều cá nhân.
|
Trước đó, cấp tòa sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như án tù Chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hai tội, buộc bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như phải chấp hành hình phạt chung là: Tù chung thân. Tại tòa phúc thẩm, tuy Huyền Như không kháng cáo nhưng vì có kháng cáo liên quan đến trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm bồi thường của Vietinbank… Huyền Như đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, dùng thủ đoạn gian dối để lừa đảo. Do xác định sai tội danh sai của Huyền Như dẫn đến xác định sai tư cách tham gia tố tụng của các đương sự gây ảnh hưởng đến quyền lợi ích của họ.
|
Bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo bản án sơ thẩm mà chỉ thỉnh cầu xin lại căn biệt thự ở Quảng Nam.
|
Tại phiên xử phúc thẩm sáng nay, HĐXX cũng đã bác kháng cáo của mẹ Huyền Như là bà Nguyễn Thị Lang về việc xin trả lại lại căn biệt thự tại khu The Nam Hải (xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). HĐXX xác định bà Lang không thể chứng minh được tài sản trên là thuộc quyền sở hữu của mình nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà.
|
Rất đông người theo dõi phiên xử cuối cùng của phiên tòa phúc thẩm Huyền Như qua màn hình tivi.
|
Theo cấp xét xử phúc thẩm, từ đầu năm 2007, Huỳnh Thị Huyền Như, lúc đó là cán bộ tín dụng Vietinbank, Chi nhánh TP HCM đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TP HCM, Đà Nẵng, Bà Rịa Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, An Giang.
Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao nên Huyền Như mất khả năng thanh toán. Để có tiền trả nợ, từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã giả danh Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Chi nhánh TP HCM để huy động tiền của các cá nhân và đơn vị để chiếm đoạt.