Những sai phạm gây thất thoát lớn từ quá trình chống dịch Covid-19 vừa qua là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập khi thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chiều 2/6.
Chia sẻ muốn có cái nhìn toàn cảnh về vụ Việt Á, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh), cho rằng vụ án này không chỉ dừng lại ở làm thất thoát, lãng phí tài sản công, mà còn làm thất thoát, lãng phí loại tài sản khác có giá trị quý giá, quan trọng hơn, đó là “niềm tin của nhân dân”.
“Có niềm tin là có tất cả, mất niềm tin thì nguy hại khôn lường”, ông nói.
|
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Quốc hội.
|
Vị đại biểu khái quát tác động nặng nề của đại dịch với Việt Nam khi khiến hơn 43.000 người tử vong, gần 4.500 trẻ em phải chịu cảnh mồ côi.
Đó là những nỗi đau được khắc ghi, song theo ông Tuấn, nỗi đau lớn hơn là khi chứng kiến một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất đến cùng cực.
“Họ vô cảm trước mất mát, trước nỗi mất mát của đồng bào mình. Họ biến mình thành con thiêu thân lao vào đống lửa đầy tiền. Trong số đó, có cả những người có học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ”, ông nói trước nghị trường.
Trong mắt vị đại biểu, có những người vừa được tôn vinh nhưng chỉ qua cơn đại dịch, họ liền trở thành phạm nhân từ những đồng tiền lót tay đầy tinh vi của Việt Á.
Nhấn mạnh những người làm sai phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, đại biểu Tuấn đồng thời đề nghị làm rõ hai vấn đề.
Một là có phải quy định của pháp luật còn lỏng lẻo, dễ bị lợi dụng hay quy định pháp luật thiếu tính răn đe khiến hàng loạt cán bộ ngành y sai phạm.
“Họ ở nhiều địa phương khác nhau, có cả ở bộ ngành Trung ương nhưng sai phạm giống nhau. Nếu thực sự như thế, còn bao nhiêu Việt Á đã và đang len lỏi sâu trong các gói thầu của các ngành khác?”, ông đặt câu hỏi.
Vấn đề thứ hai đại biểu này cho rằng cần phải làm rõ là: “Công ty Việt Á là ai? Tại sao lại có quyền lực chi phối lớn đến như vậy?”.
Ông Tuấn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, khẩn trương chỉ đạo rà soát chỉnh sửa hoàn thiện quy định của pháp luật để vừa bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, vừa bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Cũng nhắc đến đại dịch, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (đoàn Tiền Giang) phản ánh tình trạng kit test Covid-19 không đạt chuẩn được lưu hành và sử dụng, gây ra sự lãng phí to lớn cho xã hội, làm thất thoát nghiêm trọng ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
|
Đại biểu Quốc hội cho rằng yêu cầu về giấy đi đường liên tục thay đổi trong quá trình chống dịch, cũng là biểu hiện của lãng phí.
|
“Theo cơ quan cảnh sát điều tra, sau 17 tháng được Bộ Y tế cấp phép, từ tháng 4/2020 đến hết 2021, Công ty Việt Á chỉ bán kit test cho các CDC và cơ sở y tế cũng đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng”, ông Sơn dẫn chứng.
Đại biểu Sơn cho rằng việc bắt buộc xét nghiệm trên diện rộng, đưa yêu cầu về kit test âm tính là một trong những điều kiện để đi lại (tại một số thời điểm, đặc biệt là giai đoạn cuối năm 2021), là chưa thuyết phục, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội, gây áp lực cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc áp dụng biện pháp cách ly, phong tỏa, hạn chế di chuyển ở một số địa phương trong một số giai đoạn quá cứng nhắc, nghiêm ngặt, nặng về thủ tục hành chính cấp phép xin - cho với hình thức giấy đi đường liên tục được thay đổi, ban hành mới… cũng là biểu hiện của lãng phí.