Nhà anh Luân nằm heo hút trong kênh Sáu Thọ (ấp Bình Lợi, xã Long Bình, TX.Long Mỹ, Hậu Giang). Tìm đến quán nước gần đó chúng tôi thấy rất đông người dân đang ngồi bàn tán xôn xao về việc anh vừa mới được lên Facebook
Từng là… “thần bài” của xóm
Nữ chủ quán cho biết: “Luân bị cha mẹ nhốt trong nhà khoảng 14 năm nay. Người thân hay hàng xóm đến hỏi nó vẫn biết tên từng người chứ không phải mất trí hoàn toàn. Thấy xót nhiều người vận động mẹ nó đưa đi chữa trị nhưng bị từ chối”.
Sau khi clip thanh niên “trần như nhộng” bị nhốt trong căn nhà khóa ngoài cùng chú chó đã thu hút hàng ngàn lượt bình luận, chia sẻ. Liên hệ với chủ nhân đoạn clip, anh này cho biết: “Thấy em nó bị nhốt trong căn nhà dơ bẩn khiến chúng tôi hết sức bất bình nên quyết định quay lại và đưa lên mạng”.
|
Nhiều người mang đồ ăn cho anh Luân. |
Có nhà gần đó và biết khá rõ sự tình, ông Trần Văn Út nói: “Gia đình nhốt con trước đây nghèo nhưng giờ kinh tế có phần ổn định hơn. Hồi lúc nó mới mắc bệnh tôi cùng một số người hùn tiền để gia đình đưa đi chạy chữa thuốc thang. Sau một thời gian đưa đi bệnh viện ở Biên Hòa nó được cha mẹ chở về nhà chăm sóc. Một lần đó nó ra ngoài được gặp tôi hỏi: “Ông Út ơi vịt đẻ được bao nhiêu hột, giá cao không?”. Nghe nó nói chuyện mình biết nó đã bình thường. Lúc đó đi đánh bài, chơi bida… không ai sánh kịp”.
Theo lời nhiều người dân, trước đây thanh niên này bị mẹ trói dây xích vào cột nhà. Mỗi lần thoát ra được chạy lại hàng xóm xin nước uống trong cảnh “mình không” nên mọi người lấy đồ cho mặc. Dù ra khỏi nhà nhưng chỉ loanh quanh gần đó và không hề quậy phá ai. Thấy cảnh thanh niên bị mẹ nhốt trong căn nhà khổ hơn ở tù họ vận động gia đình đưa đi chữa bệnh đều không thành, thậm chí bị chửi nặng nhẹ. Lý do người mẹ không đưa con trai đến bệnh viện chữa trị vì… quá thương con.
“Điên” vì tivi phát nổ và mất cơ hội làm… triệu phú
Nuốt từng giọt nước mắt, bà Lương Thị Phượng (57 tuổi, mẹ Luân) chia sẻ: “Tôi không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhốt nó, đến giờ cũng đã hơn 10 năm rồi”.
Để có cái ăn hàng ngày, bà Phượng cất chòi mở quán giao bia (cách nơi nhốt con hơn cây số) cho người dân trong xã. Không đủ sức trông coi đứa con “ tâm thần ” bà Phượng đành lòng nhốt anh này trong một căn phòng tối tăm với 4 bức tường xi-măng. Tránh con thoát ra ngoài căn nhà được rào chắn bởi 2 lớp cửa. Những lúc mưa gió, mùa đông lạnh giá nhưng chàng thanh niên này đều không có quần áo mặc, bởi mỗi lần người thân đưa vật dụng gì vào cũng đều bị xé nát.
Bà Phượng kể, khi mới sinh ra con trai bà vẫn lành lặn, bình thường như bao đứa trẻ khác. Đến năm 21 tuổi, sau nhiều biến cố bất ngờ bỗng nhiên anh này trở nên điên dại. Biết con có vấn đề về thần kinh, bà và chồng đưa con đi một số nơi chữa trị. Tuy nhiên do kinh tế khánh kiệt và nhớ con bà đành đưa về nhà tự chăm sóc.
“Khi nó nổi cơn là thủ võ tìm cách tấn công người thân, hàng xóm. Do vậy lúc cho ăn là một tay giữ cửa, tay còn lại đưa cơm vào. Cho ăn trong cái thau nhôm vì ăn xong đập móp méo bên này hôm sau mình đập lại”, bà Phượng cho biết.
Kể về lý do con trai phát bệnh, bà Phượng nhới lại: Luân học đến lớp 5 vì kinh tế gia đình khó khăn bỏ ngang đi bán vé số tiếp cha mẹ nuôi 2 em. Năm 21 tuổi, sau khi lãnh vé số bán anh này giữ lại 2 tờ với hy vọng đổi đời. Thế nhưng đang tung tăng về nhà lại gặp một người dân trong xóm nài nỉ mua lại. Đến chiều 2 tờ vé số đó trúng giải đặc biệt. Sau cú sốc đó, anh Luân ngồi xem tivi trong nhà bất ngờ thiết bị này phát nổ dù trời không có xảy ra sấm sét.
“Đó có thể là những nguyên nhân khiến con trai tôi bị tâm thần. Sau khi đưa vào bệnh viện ở Biên Hòa điều trị hơn 1 tháng tôi rước về vì… quá nhớ. Theo lời bác sĩ hàng tháng tôi có mua thuốc điều trị cho con tại nhà. Mình cứ nghĩ là trị 5 – 6 năm sẽ khỏi bệnh ai ngờ đến nay hơn 10 năm mà vẫn vậy. Nhiều lần lên cơn nó lao vào đánh người hoặc ra lộ giật xe, giật túi xách khiến cả nhà ai cũng hoảng loạn”, bà Phượng trần tình. Theo lời bà Phượng, việc bà nhốt và không đưa đi chữa trị vì không muốn xa con, sợ đi không được chăm sóc chu đáo...
Ông Dương Quốc Cảnh, Chủ tịch UBND xã Long Bình cho biết: “Con bà Phượng mắc bệnh về thần kinh nhiều năm nay. Mỗi tháng, gia đình bà này lãnh hơn 800 ngàn đồng tiền trợ cấp cho đứa con. Chúng tôi có biết việc mẹ nhốt con trong phòng tối nhưng không thấy ngược đãi gì. Từ ngày xảy ra sự việc xôn xao địa phương có đến động viên gia đình đưa con vào một cơ sở ở tỉnh chữa trị và họ đã đồng ý”.