Vì sao giải thể Cục Quản lý Đường bộ cao tốc?

Google News

(Kiến Thức) - Theo Quyết định 35/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Quản lý đường bộ cao tốc trực sẽ được giải thể sau khoảng 5 năm thành lập.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 35/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Giao thông vận tải, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công về giao thông vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Đường bộ có nhiệm vụ xây dựng các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, dự án pháp lệnh, chiến lược, quy hoạch, đề án phát triển giao thông vận tải đường bộ trong phạm vi cả nước... để Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền; xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và định mức kinh tế - kỹ thuật chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ, trình Bộ trưởng ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ trưởng đề nghị cơ quan có thẩm quyền thẩm định, công bố; tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở chuyên ngành giao thông vận tải đường bộ.
Vi sao giai the Cuc Quan ly Duong bo cao toc?
 Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Đồng thời, chỉ đạo, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án về giao thông vận tải đường bộ sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc ban hành.
Tổng cục Đường bộ có nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng, khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; quản lý đường bộ cao tốc; quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (trừ phương tiện và người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh); quản lý vận tải đường bộ; an toàn giao thông đường bộ...
Theo quyết định mới của Thủ tướng, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nhiều thay đổi như hợp nhập Vụ Tổ chức cán bộ với Văn phòng Tổng cục thành Vụ Tổ chức - Hành chính; giải thể Cục Quản lý Đường bộ cao tốc; thành lập Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập.
Như vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ còn 5 Cục, gồm: Cục Quản lý xây dựng đường bộ, Cục Quản lý đường bộ I, Cục Quản lý đường bộ II, Cục Quản lý đường bộ III, Cục Quản lý đường bộ IV.
Cục Quản lý Đường bộ cao tốc được thành lập năm 2013, có chức năng tham mưu cho Tổng cục trưởng thực thi nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành về đường bộ cao tốc.
Trước đó, theo đề xuất của Bộ Giao thông vận tải, bộ này sẽ chuyển chức năng, nhiệm vụ của Cục Quản lý đường bộ cao tốc sang các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục có chức năng, nhiệm vụ tương ứng.
Cục Quản lý Đường bộ cao tốc có nhiệm vụ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tham mưu xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc; tham mưu chính sách huy động các nguồn vốn đầu tư, quản lý các dự án đầu tư xây dựng; quản lý khai thác hệ thống đường bộ ...
Đồng thời, cơ quan này được giao thực hiện chức năng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc theo hình thức hợp đồng BOT, BTO, BT và các hình thức đầu tư PPP khác theo phân cấp, ủy quyền của Bộ Giao thông vận tải; xây dựng kế hoạch bảo trì các tuyến đường bộ cao tốc, chủ trì xây dựng giá sản phẩm, dịch vụ công ích về quản lý, bảo trì và khai thác đường bộ cao tốc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện nhiều chức năng khác...
Cơ cấu tổ chức Tổng cục Đường bộ Việt Nam:
Tổng cục Đường bộ gồm có các đơn vị sau: Vụ Kế hoạch - Đầu tư; Vụ Tài chính; Vụ An toàn giao thông; Vụ Quản lý, bảo trì đường bộ; Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế; Vụ Vận tải; Vụ Quản lý phương tiện và người lái; Vụ Tổ chức - Hành chính; Vụ Pháp chế - Thanh tra; Vụ Quản lý xây dựng đường bộ; Cục Quản lý đường bộ I, Cục Quản lý đường bộ II, Cục Quản lý đường bộ III, Cục Quản lý đường bộ IV; Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Bắc; Trường Trung cấp Giao thông vận tải miền Nam; Trường Trung cấp Cơ giới đường bộ; Trường Trung cấp Giao thông vận tải Thăng Long; Trung tâm Truyền thông và Thông tin đường bộ; Trung tâm Kỹ thuật đường bộ.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)