Cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam - Lê Quang Thung cùng 4 bị can khác vừa bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự.
|
Năm 2014, TTCP đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại VRG và nhiều đơn vị thành viên. Ảnh minh họa. |
Trước đó, ngày 1/12, Văn phòng Chính phủ có công văn số 12873/VPCP-V.I truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xử lý, thực hiện kết luận thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG).
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an báo cáo trước ngày 1/1/2018 kết quả điều tra, xử lý các sai phạm có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại một số đơn vị thành viên VRG do Thanh tra Chính phủ (TTCP) chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra.
Thủ tướng giao TTCP kiểm tra, tổng hợp kết quả xử lý sau thanh tra theo kết luận thanh tra ngày 2/10/2014, báo cáo trước 1/2/2018.
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/7/2018 việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, đất đai tại doanh nghiệp và các đơn vị thành viên trong thời gian từ 2012 đến 2017.
Tháng 10/2014, TTCP đã ban hành Kết luận thanh tra số 2341/KL-TTCP về việc chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Tập đoàn công nghiệp cao su VN (VRG) (thời kỳ thanh tra từ 2006 đến 2011) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng tại VRG và nhiều đơn vị thành viên.
Kết luận Thanh tra chỉ rõ, VRG đã có nhiều sai phạm trong quản lý, điều hành, sử dụng vốn và tài sản. TTCP đã yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền trên trên 8.366 tỷ đồng và kiến nghị kiểm điểm hàng loạt tập thể, cá nhân thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và VRG.
Theo đó, tính đến 31/1/2011, VRG đã đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính hơn 2.420 tỷ đồng, chiếm 13,03% vốn điều lệ và chiếm 13,25% tổng vốn đầu tư tài chính, chủ yếu lấy từ nguồn vốn điều lệ do Nhà nước đầu tư.
Đầu tư ngoài ngành của VRG lên đến hàng nghìn tỷ đồng tập trung vào các công ty hoạt động trong các lĩnh vực thủy điện, xi măng, kinh doanh khách sạn, thép, chứng khoán… song hầu như trong nhiều năm liên tục không có lợi nhuận được chia. VRG đầu tư hơn 390 tỷ đồng vào Công ty cổ phần đầu tư thủy điện VRG Phú Yên, Công ty cổ phần xi măng FICO Tây Ninh, Tổng công ty xây dựng miền Trung nhưng trong 5 năm liên tục (từ 2006 - 2011) không có lãi.
Quá trình thanh tra cũng phát hiện, một số lãnh đạo VRG tham gia góp vốn cá nhân, gia đình để sáng lập và lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động Công ty cổ phần chế biến và xuất nhập khẩu thủy sản Đồng Tháp (DSEC). Một số công ty “thành viên” của VRG cũng tham gia góp vốn vào DSEC khi chưa được tập đoàn đồng ý, cá biệt có đơn vị dùng cả quỹ phúc lợi để đầu tư, góp vốn.
Ngày 12/12, Bộ Công an cho biết, ngày 7/12/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét và áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật đối với 5 bị can gồm:Lê Quang Thung - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Cao su Việt Nam; Nguyễn Thành Châu - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Văn Minh - nguyên Kế toán trưởng Công ty Cao su Đồng Nai; Nguyễn Hồng Phú - nguyên Giám đốc Công ty Cao su Phú Riềng; Hoàng Văn Sơn - Kế toán trưởng Công ty Cao su Phú Riềng.
5 bị can trên bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 165 - Bộ luật Hình sự.
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các Quyết định và Lệnh trên, ngày 12/12/2017 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định Khởi tố bị can và thi hành các Lệnh đối với 05 bị can nêu trên theo đúng quy định của pháp luật.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung lực lượng điều tra mở rộng vụ án và thu hồi tài sản cho Nhà nước.