Thế nhưng, do sự phát triển của xã hội, do tính truyền miệng, không được nghiên cứu, ghi chép cụ thể để lưu giữ muôn đời, thứ ngôn ngữ ấy đang ngày càng mai một đi, khi thế hệ những cụ bô lão thông thạo tiếng “lóng” không còn nhiều, thế hệ trẻ lại ít học hỏi và thích nghi.
Ngôn ngữ độc đáo
Đường vào làng Đa Chất (Phú Xuyên, Hà Nội) dọc theo triền đê Nhuệ Giang ngoằn ngoèo nhưng đầy thơ mộng. Làng cổ Đa Chất nằm ẩn khuất sau những lùm cây cổ thụ xanh mướt mát dường như vẫn giữ được nguyên vẹn nét đẹp thanh bình, cổ xưa vốn có. Vẫn mái đình cổ cong vút, cổng làng bề thế… và cả sự hồn hậu trong mỗi con người. Nhưng độc đáo hơn cả là một thứ ngôn ngữ vừa lạ, vừa quen, mà ngay nhiều người cũng không thể mường tượng ở giữa thủ đô lại có một thứ tiếng độc đáo như tiếng nước ngoài như vậy.
|
Ông Nguyễn Văn Tuyên (ngoài cùng bên phải) chia sẻ về thứ ngôn ngữ độc đáo của làng.
|
Người làng Đa Chất vẫn gọi thứ ngôn ngữ độc đáo đó là “Tõi Xưỡn”. Có về Đa Chất, được trực tiếp nghe các cụ cao niên trong làng nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ cổ xưa, với những âm điệu thánh thót, vui tươi, mới thực sự thấy được sự thú vị về ngôn ngữ thứ hai của ngôi làng cổ này.
Dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng quanh làng, cụ Nguyễn Văn Đoán năm nay đã ngoài 80 tuổi, là một trong những bô lão duy nhất của làng còn thông thạo tiếng lóng cho biết: “Tiếng cổ của làng chúng tôi giờ chủ yếu chỉ được sử dụng trong trường hợp nhà có khách lạ. Ví dụ gặp các cô cậu đây là người lạ, tôi và người làng muốn nói chuyện riêng với nhau mà không để khách biết thì dùng tiếng cổ xưa. Chứ giờ lớp trẻ cũng ít dùng lắm. Thi thoảng ngồi nói chuyện tếu táo thì dùng tiếng lóng cho vui”.
Để minh chứng cho thứ tiếng cổ độc đáo ấy, cụ Đoán vừa rót trà vừa nói: “Thít mận” (Mời uống trà), mà nghe mãi chúng tôi mới đọc được theo đúng từ. Khi chúng tôi hỏi tếu táo, nếu khen cụ bà xinh đẹp thì cụ nói bằng tiếng lóng thế nào, cụ cười tươi bảo: “Nhát choáng đế” (Bà đẹp thế).
Rồi thủng thẳng, cụ Đoán kể: Không ai biết rõ mật ngữ này ra đời từ bao giờ, chỉ biết trước đây, thôn Đa Chất có nghề đóng cối xay thóc truyền thống. Trước kia, dân làng nghèo nên các thợ đóng cối làng phải ra ngoài tìm kiếm việc làm. Họ thường đi làm xa và ở luôn tại nhà chủ cho tiện việc đi lại. Để phục vụ cho việc sinh hoạt và giữ bí quyết nghề với khách hàng nên họ đã hình thành và hiểu với nhau trong một hệ thống ngôn ngữ riêng. Những tiếng lóng đầu tiên chủ yếu được các thợ cối sử dụng để nhắc nhở nhau trong cách sinh hoạt, ăn mặc, trong việc giữ gìn đồ đạc, tiết kiệm nguyên liệu và bàn bạc nhanh về giá cả, công xá làm việc: “xảo vụ sởn xấn vụ đây” (thợ cối đi đóng cối đây), “cái bệt dạc, dừa êm, đen tanh thôi” (cái nhà này nghèo, bụng nó tốt, chỉ lấy 3 đồng thôi), “xảo bờm” (trộm đấy)… Khi thợ chính muốn người thợ giúp việc lấy cho con dao, họ sẽ nói tránh thành “xảo tớp hộ cái xí lừa”; “mày đi chặt tre bổ củi đi” được thay bằng “xảo sởn quần ớt, quất ông lông đi”. Khi thấy người thợ phụ làm sai, thợ cả sẽ nhắc “mày xấn táo rồi, bệt ngáo kìa” (mày làm lỗi rồi, nhà chủ họ trông thấy kia kìa).
Tuy nhiên, các vị cao niên trong làng cũng không biết rõ nguồn gốc và lịch sử của nghề đóng cối. Cả làng cũng không còn biết ông tổ nghề là ai mà chỉ “cha truyền con nối”. Cũng là một trong những thợ cối lành nghề nhất hiện nay còn sống, nhưng cụ Đoán bảo cả làng hiện chỉ còn lưu giữ một chiếc cối xay ở nhà ông Nguyễn Văn Nghinh làm kỉ vật trưng bày mỗi khi làng có khách đến thăm. Còn lại là mất hoặc làng tặng lại đoàn khách ở nơi khác đến tham quan.
Cũng có ý kiến cho rằng, ngôn ngữ “Tõi Xưỡn” có thể xuất phát từ khi hình thành làng Đa Chất. Theo những tài liệu, thần phả của làng Đa Chất thì đình Đa Chất chính là nơi thờ tự Trung Thành Đại Vương. Trung Thành Đại Vương còn được gọi là Thổ Lệnh Trưởng - là tướng chỉ huy Thủy quân thời Vua Hùng.
Ngài là con thứ 3 của một hào trưởng vùng Hồng Giang (sông Hồng) có tên là Đào Công Bột. Trong cuộc chiến giữa nhà Thục và vua Hùng, sau khi đánh trận thắng trở về qua, ngài đã hóa tại vùng đất này. Nhiều chuyên gia cho rằng đây có thể là gốc tích của ngôn ngữ lạ Đa Chất. Nếu như vậy ngôn ngữ này ắt hẳn có niên đại gần 1 nghìn năm.
Có ý kiến lại phân tích rằng, chính trong ngôn ngữ phổ thông lại có nhiều từ tương đồng với ngôn ngữ Đa Chất, ví dụ từ "chóp bu" để chỉ người cao nhất. Trong ngôn ngữ phổ thông cũng hay dùng từ này để chỉ những quan chức chóp bu hay người đướng đầu tổ chức nào đó.
Anh Nguyễn Văn Hanh không còn sinh sống ở làng Đa Chất, nhưng thi thoảng anh vẫn về thăm bố mẹ ở quê. Ngôn ngữ “Tõi Xưỡn” tuy không biết nhiều nhưng anh vẫn thích thú và cùng bạn bè thanh niên tán gẫu mỗi khi về quê. “Ví dụ như "tớp nhát" là tán gái, trai làng khác mà sang tán gái làng mình, anh em sẽ hô nhau bảo “Đóp cho quến xì” (đánh chết đi)”. Tất nhiên, bây giờ thế là trêu nhau thôi..." - anh Hanh tươi cười chia sẻ.
Bài toán gìn giữ, bảo tồn và phát huy?
Tiếng cổ xưa của làng Đa Chất hiện nay đang dần mai một. Trong khi thế hệ các cụ cao niên còn thông thạo tiếng cổ đang ngày càng ít đi vì tuổi cao sức yếu thì thế hệ thanh niên trẻ cũng không còn mặn mà với tiếng cổ nữa.
Theo ông Nguyễn Văn Tuyên, trưởng thôn Đa Chất, hiện ở làng chỉ còn cụ Nguyễn Văn Đoán tuổi cao là còn thông thạo tiếng “lóng” của làng. Cụ Đoán được coi là cuốn từ điển tiếng lóng sống vì còn khá tinh tường, minh mẫn, trong khi các cụ cao niên biết tiếng cổ đều đã về với tổ tiên hoặc đã không còn minh mẫn. Hiện nay, lớp trẻ trong làng Đa Chất ngày càng ít tìm hiểu và sử dụng mật ngữ riêng này. Thanh niên làng giao tiếp bằng tiếng cổ khá khó khăn, một phần do không để ý nhiều, không có người truyền dạy, phần khác do đi làm ăn xa quê, nên chỉ biết một số từ ngữ thông dụng.
Tiếng “lóng” Đa Chất được truyền dạy, học hỏi qua các tình huống ứng xử cụ thể của những người thợ đóng cối chứ không phải qua chữ viết. Nghề đóng cối mất đi đồng nghĩa với việc tiếng lóng không còn “môi trường” để tồn tại, phát triển.
“Thỉnh thoảng ngồi uống với nhau chén trà, ôn lại chuyện xưa cũ, những người già làng còn lại mới dùng tiếng cổ, hoặc số ít gia đình hiện nay sử dụng trong lúc gia đình có khách. Khi bố mẹ muốn nhắc nhở con cái việc cơm nước, dọn dẹp, ăn uống từ tốn lịch sự, hoặc muốn bảo người nhà làm cơm mời khách thì nói tiếng “lóng” để khách không ngại mà từ chối thẳng thừng.
Có khi nói chuyện xong đã thấy mâm cơm bê lên đầy đủ, mà khách không thể từ chối được và cũng không biết chủ nhà bảo vợ con làm cơm lúc nào. Hoặc khi lên tàu xe có kẻ nhăm nhe móc túi, chúng tôi sẽ thông báo cho người làng biết là “ón, ón mẹ móm nó tớp hách” (này, này cẩn thận kẻo nó móc túi đấy)”, ông Đỗ Duy Cư, năm nay đã 71 tuổi, là người dân trong làng cho biết.
Ngoài những từ cổ, người làng Đa Chất còn sáng tạo ra những tiếng lóng hiện đại để chỉ như “sưỡn mố” (ô tô, xe đạp, xe máy), “bệt” (tàu thủy), “sưỡn nhật” (đồng hồ)…
Hiện nay duy nhất chỉ có cuốn sách có tên “Văn hóa dân gian làng Đa Chất” của tác giả Chu Huy - Nguyễn Dấn là ghi lại cách phát âm được phiên âm của hơn 200 từ “lóng” thông dụng của người làng Đa Chất.
“Chúng tôi vẫn mong các cấp chính quyền, các cơ quan báo chí tuyên truyền, quan tâm tạo điều kiện để làng chúng tôi có nguồn kinh phí bảo tồn, giữ gìn và phát huy ngôn ngữ cổ độc đáo này, bởi hiện nay số các cụ thông thạo tiếng cổ này còn rất ít. Tầm tuổi ngoài 60 như chúng tôi giờ chỉ còn nói được 50-60% thôi. Trong khi đây là thứ ngôn ngữ truyền miệng, nếu không được lưu giữ sẽ có ngày bị mai một”, ông Tuyên cho biết thêm.
Ông Dương Ngọc Hổ, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Xuyên cho biết: Xã đã xin ý kiến lãnh đạo cấp huyện, tỉnh và Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch xây dựng các tour du lịch tham quan nghề làm cối xay lúa bằng tre ở thôn Đa Chất, trong đó có lồng ghép sử dụng mật ngữ này như một phần của sản phẩm du lịch để thu hút du khách thập phương. Đây là cách để di sản văn hóa phi vật thể tiếng lóng Đa Chất có thể duy trì và phát huy giá trị trong cuộc sống hiện tại.
Tiếng lóng Đa Chất nếu được bảo tồn và phát huy sẽ làm phong phú thêm văn hóa và ngôn ngữ dân gian làng xã Việt Nam, thể hiện sự tôn trọng và ý thức hướng về cội nguồn của người dân nơi đây.