Vừa qua, Tiền Phong có bài phản ánh tình trạng một số trường đại học (ĐH) xác định số thí sinh trúng tuyển vượt rất xa chỉ tiêu đã được công bố trong đề án tuyển sinh. Ví dụ, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM có ngành vượt đến trên 1.400%.
Liên quan vấn đề này, Bộ GD&ĐT thông tin, theo Luật Giáo dục ĐH 2018 và các quy định tuyển sinh hiện hành, các cơ sở giáo dục ĐH được quyền tự chủ quyết định và có trách nhiệm giải trình trong công tác xét tuyển.
Cụ thể, có thể lựa chọn thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển; được tổ chức xét tuyển nhiều lần trong năm, xét tuyển theo các phương thức khác nhau… Điều này dẫn đến một thí sinh có thể trúng tuyển vào nhiều trường.
Trong quá trình tuyển sinh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THTP đợt 1, một số trường lập danh sách thí sinh trúng tuyển vượt chỉ tiêu của ngành, nhưng đây chưa phải là số lượng sinh viên tuyển được thực tế.
Theo phân tích thống kê của Bộ GD&ĐT, kết quả tuyển sinh hằng năm, chỉ có các trường thuộc khối ngành Công an, Quân đội là đảm bảo số thí sinh trúng tuyển sẽ nhập học 100%; còn lại đa số các trường sẽ có một tỷ lệ nhất định thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, nhiều trường xét tuyển bằng các phương thức khác không đạt được chỉ tiêu như đã xác định, nên đã xem xét điều chỉnh chỉ tiêu sang xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Có trường có thể thông báo số thí sinh trúng tuyển gấp 3-4 lần chỉ tiêu đã xác định, nhưng khi kết thúc tuyển sinh cũng chỉ đạt được 30% chỉ tiêu tuyển sinh; nhiều ngành không có thí sinh hoặc rất ít thí sinh trúng tuyển, nhập học.
Theo quy định, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo khối ngành. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế, đồng thời để tạo thuận lợi cho việc chọn ngành của thí sinh, đa số các trường thường xác định chỉ tiêu và tuyển sinh theo ngành (trừ nhóm ngành đào tạo giáo viên).
Trong trường hợp một số ngành không tuyển sinh được, các trường thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh, có thể sắp xếp điều chỉnh lại chỉ tiêu sang các ngành khác trong khối ngành, trong lĩnh vực, theo quy định nhưng không vượt quá năng lực đào tạo. Ngoài ra, cũng không loại trừ khả năng một số trường thực hiện sai.
Bảo đảm quyền lợi của thí sinh
Nhằm tránh xảy ra sai sót, nhầm lẫn làm ảnh hưởng quyền lợi của thí sinh, các trường nếu chưa có đủ thông tin chắc chắn sẽ không nhập thông tin thí sinh trúng tuyển ở các phương thức khác lên hệ thống để loại thí sinh khỏi danh sách xét tuyển trước khi lọc ảo.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng thí sinh ảo, do vậy các trường phải cân nhắc quyết định để tăng thêm số thí sinh khi xác định điểm trúng tuyển và số lượng trúng tuyển.
Bộ GD&ĐT khẳng định, đến thời điểm này, số thí sinh chính thức nhập học trên toàn hệ thống chưa tới 62% tổng chỉ tiêu. Vì vậy, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, hiện tại chưa thể kết luận những trường có số lượng thí sinh thông báo được trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu là đã tuyển vượt quá chỉ tiêu theo quy định. Thực tế, số lượng thí sinh có thể “ảo” khá nhiều. Một số thí sinh dù đã nhập học cũng có thể sẽ du học khi dịch bệnh được kiểm soát.
Theo quy chế tuyển sinh, các trường tuyển sinh nhiều đợt trong năm, công tác tuyển sinh năm 2021 sẽ được báo cáo đầy đủ vào ngày 31/12 với số lượng thí sinh nhập học chính thức.
Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý sai phạm nếu có. Trong trường hợp sau khi thí sinh nhập học, nếu các trường thật sự tuyển vượt quá chỉ tiêu và chịu các chế tài xử lý thì thí sinh vẫn được đảm bảo về quyền lợi trúng tuyển đại học của mình.
Mặt khác, Bộ GD&ĐT nói rằng, phần mềm lọc ảo của Bộ giúp giảm thiểu tình trạng thí sinh “ảo”, và đảm bảo mỗi thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng vào 1 ngành của một trường ở mức tốt nhất theo năng lực của thí sinh lựa chọn, chứ không giải quyết hết mọi vấn đề “ảo” của các trường, bởi thí sinh có quyền nhập học hoặc từ chối nhập học.