Từ vụ bốc thăm vào trường công lập: Trách nhiệm của địa phương?

Google News

Vụ việc xảy ra tại các trường công mầm non công lập cho thấy, cần phải có giải pháp tích cực để định hướng phát triển giáo dục sao cho cơ hội học tập của học sinh là như nhau.

Mới đây, Trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đã tổ chức bốc thăm tuyển sinh trẻ lớp 3 tuổi (sinh năm 2019) đăng ký xin học tại cơ sở Tứ Kỳ.
Câu chuyện phụ huynh phải bốc thăm để cho con được vào học trường mầm non công lập này gây ra những phản ứng trái chiều dư luận trong những ngày qua.
Tu vu boc tham vao truong cong lap: Trach nhiem cua dia phuong?
Phụ huynh bốc thăm để giành suất cho con vào trường mầm non công lập. 
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, TS. luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam cho hay, bên cạnh quyền sống thì quyền được học tập là một trong những quyền rất cơ bản của công dân, được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận. 
Điều 39 (Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013) quy định: "Mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập".
Tu vu boc tham vao truong cong lap: Trach nhiem cua dia phuong?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Ủy viên Ban chấp hành Hội bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam. 
Như vậy, học tập không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ đối với công dân, đặc biệt là trẻ em. Pháp luật cũng có những quy định cụ thể để quyền trẻ em, trong đó có quyền học tập được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Điều 14 (Luật Giáo dục 2019) quy định: "Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc".
Trong những năm qua hoạt động giáo dục ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ, ngoài hệ thống giáo dục công dân, do nhà nước đầu tư và quản lý thì giáo dục ngoài công lập, giáo dục tư cũng ngày càng phát triển đa dạng để đáp ứng nhu cầu học tập của công dân.
Nhiều người cho rằng, nếu không có cơ hội học trường công lập thì có thể cho con học trường tư thục, có sao đâu. Có thể đó là những suy nghĩ của người có tiền và xem nhẹ quyền được học tập của trẻ em, chưa nhận thức đầy đủ về yếu tố công bằng, bình đẳng trong giáo dục. Nếu cán bộ quản lý, người có trách nhiệm trong việc đảm bảo quyền học tập của trẻ em mà có suy nghĩ và nhận thức như vậy thì cần phải xem xét lại tư duy và đạo đức nghề nghiệp.
Đành rằng, trong xã hội nếu học sinh không học trường này thì học trường khác, không học hệ này thì học hệ khác, không học ở gần thì có thể học ở xa. Tuy nhiên pháp luật thì luôn hướng đến sự bình đẳng với mọi đối tượng, đặc biệt là với trẻ em nghèo, trẻ em yếu thế thì càng phải được quan tâm đặc biệt. Những năm qua, Nhà nước ta rất quan tâm đến giáo dục, tạo mọi điều kiện cho trẻ em được đến trường, được bình đẳng trong việc tiếp cận hoạt động giáo dục công lập.
Chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí đã và đang thực hiện tốt, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo nhân dân. Chỉ có những gia đình có điều kiện, kinh tế khá giả mới có khả năng và điều kiện cho con theo học các trường tư thục, trường quốc tế bởi mức học phí khá cao, bằng cả tháng lương của người lao động.
"Nếu phải nộp học phí cao để học trường tư thục thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, tâm lý và có thể là còn ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Bởi vậy, nhiều phụ huynh luôn tìm mọi cách để cho con vào trường công lập. Thậm chí có những người còn chấp nhận chi phí không chính thức, chấp nhận đưa con đi xa hơn để được học trường công lập nhằm giảm bớt gánh nặng kinh tế gia đình. Chính vì vậy khát khao cho con vào trường công ở nhiều thành phố lớn là nguyện vọng, nhu cầu chính đáng của các bậc phụ huynh", luật sư Cường chia sẻ.
Cũng theo TS Đặng Văn Cường, khi pháp luật đã quy định mọi trẻ em đều được quyền đến trường, quyền học tập, được giáo dục; Nhà nước tạo mọi điều kiện để trẻ em được đến trường thì tình trạng thiếu trường, thiếu lớp công lập còn có phần trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Do đó, nếu địa phương nào để thiếu trường, thiếu lớp, còn tình trạng phụ huynh chen lấn, xô đẩy để mua hồ sơ, còn tình trạng phải bốc phiếu để tìm kiếm cơ hội cho con học tập thì cần phải xem xét trách nhiệm trong công tác quy hoạch, phát triển giáo dục của địa phương. Chính những quy định về việc trẻ em có hộ khẩu ở đâu thì phải học ở đó cũng là quy định bất cập dẫn đến khó khăn cho việc cơ hội học tập của trẻ em khi mà quyền tự do cư trú, không phân biệt tạm trú và thường trú như hiện nay.
Qua vụ việc xảy ra tại các trường công mầm non công lập trên địa bàn phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho thấy, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần phải có giải pháp tích cực để định hướng phát triển giáo dục sao cho cơ hội học tập của học sinh là như nhau. Đặc biệt chú ý đến trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn, những trẻ em yếu thế, dễ bị tổn thương. Có những thống kê chính xác về phát triển nhà ở, về mật độ dân cư, về dân số và trẻ em; có tính toán khoa học, hợp lý là những yếu tố quan trọng để phát triển giáo dục, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trong giai đoạn hiện nay.
>>> Xem thêm video: Hàng trăm phụ huynh phải bốc thăm để giành suất vào mầm non công lập

Nguồn: VTV 24.

Gia Đạt

>> xem thêm

Bình luận(0)