|
Toàn cảnh xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát trong ngày 5/3 (Ảnh: TTBC) |
Ngày 5/3, Tòa án Nhân dân TP Hồ Chí Minh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 85 bị cáo khác về những sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các tổ chức có liên quan. Phiên xử thuộc giai đoạn 1 của vụ án Vạn Thịnh Phát và tòa tập trung xét xử các sai phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng để thu hồi tài sản, làm tiền đề xử lý những vi phạm khác của giai đoạn 2 như tội rửa tiền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc phát hành trái phiếu...
Từ vụ đại án trên, đã có nhiều bài học lớn được rút ra. Trả lời trên báo Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, việc xử lý bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm là lời răn đe, cảnh tỉnh "cả vùng, cả lĩnh vực". Đây là bài học không của riêng ai. Các doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là các doanh nghiệp đồng sở hữu tổ chức tín dụng, cần xem đây là tấm gương để tự soi, tự sửa.
Những con số thiệt hại trong vụ đại án này là quá lớn, để lại hậu quả quá nặng nề. Cùng với đó, dư luận lại tiếp tục đặt ra câu hỏi mà không ít lần đã từng đặt ra, phải chăng ma lực của đồng tiền quá lớn, những cám dỗ vật chất nó mua chuộc được cả sự liêm chính?
Cần nhìn lại, theo kết luận điều tra, năm 2017 - 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Thanh tra Ngân hàng, NHNN tiến hành thanh tra toàn diện với SCB. Đoàn thanh tra do Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng chủ trì, phối hợp Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tiến hành.
|
Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra, bị cáo buộc nhận hối lộ 5,2 triệu USD) Ảnh: HOÀNG GIANG |
Đáng tiếc thay, rất nhiều thành viên Đoàn thanh tra cùng một số lãnh đạo Thanh tra Ngân hàng đã “gục ngã” trước ma lực của những đồng tiền “lót tay” của “bà chủ” Vạn Thịnh Phát, SCB. Nhiều người trong số này là lãnh đạo cấp Vụ, Cục, Tổng cục.
Đoàn thanh tra là đại diện của cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện, kiến nghị xử lý tội phạm, đặc biệt đây là lực lượng nòng cốt chuyên trách phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vậy mà họ đã gục ngã, bán rẻ sự liêm chính và chấp nhận “đầu hàng”. Từ những người nhân danh cho pháp luật, họ đã trở thành những công cụ của chính những người vi phạm pháp luật. Trong quá trình thanh kiểm tra, nếu những cán bộ này làm đúng quy định, đúng trách nhiệm của mình, thì có lẽ sai phạm đã không lớn như hôm nay…
Đây là vụ việc điển hình, nóng hổi nhất về sự sa ngã của một số cán bộ quyền hạn khi thực hiện nhiệm vụ. Họ đã không giữ được chữ “Liêm” cho chính mình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, thực hành chữ "Liêm" là việc mỗi công chức, viên chức-những đầy tớ của dân-phải thường xuyên chú trọng, phải tự mình đề phòng và vượt qua nguy cơ thoái hóa, hư hỏng. Người cảnh tỉnh: “Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, đồng thời cảnh báo nguy cơ rơi vào bất liêm: “Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục Nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu”.
Người còn nói đến trách nhiệm của dân trong việc giữ chữ "Liêm" cho cán bộ: “Quan tham vì dân dại”. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không Liêm, cũng phải hóa ra Liêm. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ Liêm".
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng căn dặn, đáng lưu ý là ở chỗ, ai cũng cần rèn luyện để thành liêm và ai cũng đứng trước nguy cơ rơi vào bất liêm, không chỉ cán bộ mà cả mỗi người dân, nếu không chịu khó tự tu dưỡng, tự đấu tranh với chính mình.
Giữ liêm chính không chỉ bằng động viên, khuyến khích, học hành, văn hóa liêm chính còn phải được bảo đảm bằng “lồng luật pháp”. Chính vì thế, mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán.
Từ vụ đại án Vạn Thịnh Phát, cũng như từ các vụ án tham ô, tham nhũng được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây, mỗi chúng ta cần rút ra bài học cho chính bản thân mình, nhất là những cán bộ có chức có quyền- hãy sống liêm chính, luôn là những công bộc tốt của dân, hết lòng vì Nhân dân. Đồng thời, công tác cán bộ cũng cần phải được chú trọng hơn nữa để chọn đúng người có nhân cách, có trình độ thật sự, góp phần xây dựng đất nước phồn vinh, Nhân dân hạnh phúc và ấm no. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật cũng cần đủ sức răn đe, trừng trị thích đáng đối với những vi phạm để mục tiêu 4 không trong phòng chống tham nhũng ( không thể, không dám, không muốn và không cần) đạt được hiệu quả hơn nữa trong thực tiễn và để tự thân mỗi người cán bộ, sự liêm chính luôn thắng mọi cám dỗ.
Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan cũng chi một số tiền khá lớn cho quan chức để che giấu sai phạm tại SCB. Cụ thể, cáo trạng thể hiện bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II - Cục II thuộc Ngân hàng Nhà nước) được xác định đã nhận hối lộ 5,2 triệu USD. 16 quan chức khác tại Ngân hàng Nhà nước cũng được xác định nhận của bà Lan từ 100 triệu đồng đến gần 10 tỉ đồng.