Liên quan đến vụ tấm bia đá cổ ở chùa Thổ Hà, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị vỡ thành nhiều phần khi tu bổ, ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang cho biết, đơn vị này đang tập trung công tác khắc phục, chưa xem xét trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức. Sở cũng đã có văn bản xin ý kiến của Cục di sản, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch để có phương án hàn, gắn lại bia đá.
|
Bia đá 342 năm bị vỡ khi đang di chuyển. (Ảnh: Tiền Phong)
|
Tìm hiểu của PV, ngày 8/9, đơn vị thi công tổ chức dịch chuyển bia đá (tại vị trí sân phía trước tòa Tam Bảo) ra vị trí bảo quản, nhằm tạo mặt bằng cho việc nâng cốt nền khuôn viên chùa Thổ Hà. Tuy nhiên, khi tiến hành nâng thì thân bia bị tách rời thành nhiều mảng.
Ngay lập tức, Sở VHTT&DL Bắc Giang đã yêu cầu Chủ đầu tư dừng việc dịch chuyển bia đá, dùng lạt bó buộc thân và đế bia, bảo quản các mảnh vỡ, đóng cọc căng dây tạo hành lang bảo vệ, tạo mái che tạm thời.
Theo ông Hà, tấm bia bị vỡ là loại bia tứ diện (có chữ khắc 4 mặt), bằng đá xanh, hoàn thành ở niên hiệu Vịnh Trị (năm 1679, đến nay đã 342 năm). Bia ghi tên những người công đức và quá trình xây dựng gác chuông chùa Thổ Hà. Trước đây, bia được đặt trong gác chuông. Năm 1954, dân quân địa phương đã đốt gác chuông để lấy chuông đúc súng đạn phục vụ kháng chiến. Do tác động của nhiệt do đốt, bia đá bị rạn nứt nhiều vị trí.
Theo ông Hà, trong hồ sơ thỏa thuận tu bổ chùa Thổ Hà với Bộ VHTT&DL không có hạng mục di chuyển bia này nhưng do nền thấp, cần nâng cốt nền nên địa phương nhờ nhà thầu làm.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên (Chủ đầu tư dự án tu bổ chùa Thổ Hà) cũng cho biết đang tập trung vào công tác khắc phục và sẽ làm rõ trách nhiệm về sự cố này.
Luật sư Hoàng Tùng, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, việc tu bổ, tôn tạo di tích hiện nay đều được người dân và các ban ngành quan tâm. Bởi những di tích này gắn liền với chiều dài lịch sử từng giai đoạn, là tín ngưỡng tôn giáo của một bộ phận người dân. Đặc biệt, những di vật mang tính lịch sử cần được giữ gìn, bảo quản thật tốt bởi giá trị liên thành của nó.
Đối với vụ việc nêu trên, khối bia cổ 342 năm ở chùa Thổ Hà trong quá trình di chuyển bị vỡ thành nhiều mảnh về phần lớn là một tai nạn đáng tiếc mà không ai mong muốn. Do đó, việc phục chế, khắc phục là điều cần thiết và cần làm ngay lúc này.
Ngoài ra, cũng cần phải xác định trách nhiệm của các bên. Theo hạng mục trong dự án thì không có việc dịch chuyển bia đá nêu trên, tuy nhiên theo thông tin thì việc dịch chuyển là sự cần thiết phát sinh trong thực tế thi công. Việc dịch chuyển được giao cho nhà thầu dự án phụ trách, vì thế trách nhiệm bia đá bị vỡ có một phần trách nhiệm của nhà thầu và đơn vị thi công.
"Các cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguyên nhân bia đá bị vỡ, quy trình vận chuyển đã được tính toán rủi ro và được các ban ngành chấp thuận hay chưa? Có thiệt hại xảy ra hay không? Thiệt hại là bao nhiêu... để đưa ra kết luận chính thức về vụ việc" - luật sư Hoàng Tùng nói.
Ông Trần Minh Hà, Giám đốc Sở VHTT&DL Bắc Giang cũng cho rằng, trách nhiệm chính vẫn thuộc về chủ đầu tư.
Nguồn: Truyền hình Nhân dân