Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền chủ trì giao ban trực tuyến.
Báo cáo tại giao ban, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, tính đến 14h ngày 12/9, trên địa bàn thành phố ghi nhận 19 F0, trong đó có 4 ca ngoài cộng đồng. Trong ngày cũng phát sinh 16 điểm tạm thời phong tỏa, nâng tổng số điểm phong tỏa để cách ly y tế là 100 điểm. Trong khi đó, các đơn vị lấy được hơn 2,1 triệu mẫu xét nghiệm Covid-19, qua đó phát hiện 7 F0.
“Thành phố được phân bổ 4,6 triệu liều vắc xin, các đơn vị đã tiêm được 4,3 triệu liều và trong sáng 13/9 sẽ tiêm xong số vắc xin này. Theo dự kiến, Bộ Y tế tiếp tục cung cấp cho Hà Nội 1,5 triệu liều vắc xin để bảo đảm đến ngày 15-9 sẽ hoàn thành việc tiêm mũi 1 cho người dân. Tính đến nay, một số đơn vị cơ bản hoàn thành kế hoạch tiêm vắc xin mũi 1 cho người dân như: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Thường Tín, Hoài Đức, Bắc Từ Liêm”, ông Trần Văn Chung thông tin.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung báo cáo tại giao ban trực tuyến.
Trên cơ sở báo cáo cũng như kiểm tra thực tế, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm cũng như xây dựng phương án thành lập các trạm y tế lưu động để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Trước mắt cần hoàn thành xây dựng thí điểm trạm y tế lưu động tại các “vùng đỏ” trước ngày 15-9, trong đó chú trọng bảo đảm cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực phục vụ tại đây.
Báo cáo tại giao ban, đại diện các sở, ngành, quận, huyện, thị xã cho biết đang đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành việc lấy mẫu cũng như tiêm mũi 1 vắc xin phòng Covid-19 cho người dân. Đại diện quận Ba Đình cho biết, ngày 12-9 quận tổ chức 45 dây chuyền tiêm, trong đó số mũi 1 đạt 105,7% kế hoạch, đạt hơn 130 nghìn mũi 1. Đến nay, quận đã xét nghiệm được hơn 202 nghìn mẫu, bảo đảm lấy 100% mẫu ở vùng có nguy cơ cao, số còn lại đại diện mỗi hộ gia đình 1 người.
Trong khi đó, đại diện huyện Sóc Sơn cho biết, đơn vị đã lấy được gần 90 nghìn mẫu, đạt 104,6% kế hoạch, trong đó 61% kết quả âm tính và số còn lại đang chờ kết quả. Cùng với đó, huyện đã chủ động phương án thành lập các trạm y tế lưu động.
Đại diện Công an thành phố Hà Nội báo cáo tại giao ban trực tuyến.
Kết luận phiên giao ban, cho rằng thành phố đã triển khai tốt việc tiêm chủng nhưng vấn đề xét nghiệm vẫn còn một số khó khăn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu cấp ủy, chính quyền các địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để chỉ đạo làm tốt nhiệm vụ này. Trong đó, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn để người dân phối hợp tốt với lực lượng y tế trong lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt tại các khu vực nguy cơ cao và nguy cơ.
“Trong quá trình triển khai mời người dân xét nghiệm, các địa phương phải xem xét cụ thể các đối tượng cho phù hợp, bởi hiện vẫn có thông tin phản ánh có nơi mời các cháu nhỏ tuổi ra xét nghiệm. Kiên quyết không bỏ sót các trường hợp nguy cơ trong cộng đồng nhưng cũng không tạo bức xúc trong dư luận”, Phó Chủ tịch UBND thành phố lưu ý.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền cũng biểu dương các địa phương, trong đó có lực lượng y tế đã rất nỗ lực để bảo đảm hoàn thành tiến độ tiêm vắc xin và xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng. Do đó, các địa phương tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về cơ sở vật chất, sinh hoạt hằng ngày để lực lượng tuyến đầu tập trung hoàn thành hai nhiệm vụ này như kế hoạch đề ra của thành phố. Cùng với đó, Công an thành phố tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt lượng người ra đường, bảo đảm an ninh trật tự, nhất là tại những điểm xét nghiệm và tiêm chủng.
Đại diện quận Hoàn Kiếm báo cáo tại giao ban trực tuyến.
Nêu việc nguồn vắc xin phụ thuộc vào Bộ Y tế và thành phố Hà Nội đã được Trung ương quan tâm phân bổ, Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo: “Các địa bàn đã tiêm hết lượng vắc xin được cấp thì tập trung đẩy nhanh công tác xét nghiệm. Ngay sau khi nhận được nguồn vắc xin, Sở Y tế cần chủ động phương án để phân bổ kịp thời cho các địa phương”.
Phó Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy thành phố lưu ý các địa phương thuộc vùng 2, vùng 3 cần tạo điều kiện cho người dân sản xuất kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn. “Chúng ta không thể thực hiện giãn cách xã hội mãi, khi dịch bệnh được kiểm soát thì phải nới lỏng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, các địa phương, đơn vị cần chủ động sẵn sàng các phương án để ngay sau khi thành phố nới lỏng giãn cách có thể bắt tay ngay vào công việc”, đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền lưu ý.