Sáng 12/9, bão số 5 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ngay trên vùng biển từ Đà Nẵng đến Bình Định. Sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9. Hình thái này ít di chuyển trong những giờ qua.
Theo ghi nhận của Zing, đến sáng nay, từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi tiếp tục mưa to. Gần 30 ngôi nhà bị tốc mái, 2 tàu cá bị nạn ngoài khơi.
Cảnh sát biển cứu ngư dân bị nạn
Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 cho biết cán bộ, chiến sĩ thuộc biên chế tàu 8002 đang đưa 5 thuyền viên của tàu cá QNg-95058TS và 13 thuyền viên của tàu ĐNa-0494 về bờ.
Tàu ĐNa 0494 do ông Nguyễn Dũng (57 tuổi, trú quận Sơn Trà, Đà Nẵng) làm thuyền trưởng. Khi tàu đang neo tránh trú bão ở biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thì bị lưới quấn chân vịt, không hoạt động được.
Sóng lớn nên tàu bị trôi dạt về hướng nam, cách đảo Lý Sơn 17 hải lý. Các thuyền viên không khắc phục được sự cố nên liên lạc với cơ quan chức năng đề nghị hỗ trợ.
|
Cảnh sát biển cứu ngư dân bị nạn. Ảnh: Cảnh sát biển.
|
Nhận được tin báo, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 đã điều động cán bộ, chiến sĩ tàu 8002 vượt sóng ra khơi thực hiện nhiệm vụ.
Sau gần 6 giờ tìm kiếm, các chiến sĩ tàu 8002 đã tiếp cận tàu ĐNa 0494 và 13 thuyền viên lúc 1h30 sáng nay. Tất cả thuyền viên được chăm sóc sức khỏe, tình trạng ổn định.
Trước đó, lúc 13h ngày 11/9, tàu cá QNg 95058TS của ông Dương Văn Thạch (trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang trên đường về tránh bão số 5 thì bị phá nước, hỏng máy.
Nhận được tin báo, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2 đã chỉ đạo tàu cảnh sát biển 8002 vượt sóng ra khơi, tiếp cận vị trí cứu hộ, cứu nạn người và phương tiện.
Đến 18h15 ngày 11/9, tàu 8002 tiếp cận tàu bị nạn. Cán bộ, chiến sĩ tàu 8002 đã cứu hộ thành công. Hiện 4 thuyền viên sức khỏe bình thường, một người cần được theo dõi, chăm sóc sức khỏe.
Nhiều người bị cô lập
Tại Đà Nẵng, trung úy Nguyễn Trung Chính, cán bộ Công an xã Hòa BắcTại (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), cho biết có 8 người dân, trong đó có 2 em nhỏ đang bị mắc kẹt trong trang trại ở rừng sâu từ hôm qua.
Khu vực những người này mắc kẹt cách xa trung tâm xã, chỉ có một con đường duy nhất để vào nhưng bị chia cắt bởi nước chảy xiết. Sau nhiều giờ tiếp cận, sáng nay, lực lượng cức năng xã mới đưa 8 người dân về vùng an toàn.
|
Tỉnh lộ 11B qua xã Phong Xuân (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) ngập sâu 70 cm. Ảnh: Đ.B.
|
Ông Hồ Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn, Quảng Nam), cũng thông tin địa phương đang cử lực lượng tìm kiếm 2 nông dân bị mất tích khi đi làm rẫy. Ngoài ra, hiện có 4 người ở địa phương đi làm rừng bị cô lập, chưa về được.
"4 người này đã liên lạc được với gia đình. Họ thông báo đang có lương thực, thực phẩm trong thời gian 5 ngày. Theo thông tin từ gia đình, những người này đang chờ nước lũ rút mới vượt suối về nhà", ông Huy thông tin.
29 ngôi nhà bị tốc mái, nhiều nơi có nguy cơ sạt lở
Ghi nhận tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế), tuyến tỉnh lộ 11B qua xã Phong Xuân ngập sâu 70 cm kéo dài hơn 2 km. Sáng nay, mưa lớn khiến hệ thống giao thông bị chia cắt cục bộ, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Cũng tại địa phương này, nhiều xã thấp trũng như Phong Hòa, Phong Bình cũng ngập sâu. Theo thống kê, có 29 ngôi nhà ở huyện Phong Điền và Quảng Điền bị tốc mái, hư hỏng do ảnh hưởng của bão số 5.
|
Đoạn tràn Ba Nga nối xã Jơ Ngây với Kà Dăng (huyện Đông Giang) bị nước lũ ngập sâu khoảng 1 m. Ảnh: A.N.
|
Còn tại Đà Nẵng, người dân xã Hoà Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) lo lắng vì nhiều khu vực có nguy cơ sạt lở.
Đơn cử như khu vực sạt lở đồi Lệ Mỹ, thôn Quan Nam 3, có chiều dài khoảng 600 m, độ chênh cao 35-50 m so với mặt đường ĐT601, đe dọa 17 hộ dân với 54 nhân khẩu.
Trên địa bàn huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) đang mưa như trút nước. Nhiều con đường độc đạo dẫn vào xã Lăng và đỉnh Quế bị ngập, nước chảy xiết. Tương tự, tại huyện Đông Giang, nước sông Kon bắt đầu dâng cao.
Nhiều đoạn cầu, đường trên địa bàn xã Kà Dăng, huyện Đông Giang, bị ngập sâu, hư hỏng. Công an xã Kà Dăng đã phát đi thông báo đề nghị người dân không qua lại khu vực này để tránh nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.