Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) cơ sở Sala (quận 2, TP HCM) bị phụ huynh tố cắt xén khẩu phần ăn trưa của học sinh khi thu phí tiền ăn cao “ngất trời” lên đến 143.000 đồng/ngày/học sinh tiểu học mà suất ăn “èo uột” đang khiến phụ huynh trong trường và dư luận bất bình.
Liên quan vụ việc trên PV Kiến Thức đã có cuộc phỏng vấn với Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.
|
Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) cơ sở Sala (quận 2, TP HCM). (Ảnh:GDTĐ). |
Phí tiền ăn thu cao... liệu có cần làm rõ suất ăn bị cắt xén?
Vừa qua phụ huynh Trường Dân lập Quốc tế Việt Úc (VAS) cơ sở Sala (quận 2, TP HCM) lên mạng xã hội tố trường cắt xén khẩu phần ăn trưa của học sinh khi thu phí lên đến 143.000 đồng với học sinh tiểu học cho ba bữa sáng, trưa và xế nhưng thực tế bữa trưa chỉ có 2 miếng gà kho, 2 miếng cá tẩm bột chiên, ít susu xào, canh bắp cải và miếng dưa hấu. Thu phí cao ngất mà bữa ăn èo uột như vậy có cần làm rõ suất ăn bị cắt xén chi phí bao nhiêu/ suất hay không?
- Vấn đề này cần phải làm rõ bởi nó ảnh hưởng đến hình ảnh của trường, đến niềm tin của các phụ huynh và hơn nữa nó ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các cháu. Thật khó tưởng tượng nỗi nếu các cháu phát hiện ra ngôi trường mình đang theo học lại bị cát xén khẩu phần ăn của các cháu thì sự tôn trọng dành cho nhà trường sẽ không còn. Do đó, cần phải làm rõ một suất ăn có giá trị bao nhiêu bao gồm các chi phí như nguyên liệu và công sức sản xuất ra suất ăn đó.
Ăn bớt suất ăn của học sinh có vi phạm pháp luật?
Nếu có việc trường Quốc tế Việt Úc “ăn bớt” ở mỗi suất ăn học sinh có được xem là vi phạm pháp luật, coi là biển thủ, tham nhũng không?
Nếu thực sự có việc ăn bớt này thì đây là một hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Với 9.500 học sinh đang theo học tại trường, tiền ăn mỗi ngày là 160.000 đồng còn gấp đôi tiền ăn của cá nhân tôi thì thử hỏi số tiền trên lệch là bao nhiêu? Có thể thấy hành vi này có dấu hiệu của Tội tham ô tài sản.
Như vậy, có thể xem cắt xén suất ăn là sai phạm có tổ chức ở Trường Quốc tế Việt Úc, ai chịu trách nhiệm? Xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?
- Theo quy định tại Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015, sữa đổi bổ sung năm 2017 thì đây rõ ràng là hành vi tham ô tài sản. Đây là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà người phạm tội quản lý.
Hành vi chiếm đoạt tài sản đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của người phạm tội, nếu người phạm tội không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó hoặc không thể thực hiện được hành vi chiếm đoạt tài sản. Chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện việc chiếm đoạt tài sản một cách dễ dàng.
|
Bữa cơm trưa của học sinh trường Dân lập Quốc tế Việt Úc. |
Hành vi này đã xâm phạm những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức trong nhà nước và của cả các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; làm cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này bị suy yếu.
Đáng lưu ý là người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử ý theo quy định tại Điều này. Hình phạt cao nhất của tội này là tử hình.
Không thể xử lý …qua loa
Để hạn chế những tình trạng tương tự tái diễn, ngành giáo dục và các cơ quan chức năng có cần phải vào cuộc, xử lý, chấn chỉnh?
- Có thể thấy tình trạng cắt bớt khẩu phần ăn của học sinh trong các trường công lập diễn ra rất nhiều mà báo chí phản ánh và giờ thì đến trường tư thục. Các hành vi này vi phạm pháp luật nhưng họ đều được xử lý kỷ luật một cách qua loa.
|
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật. |
Nếu tôi nhớ không lầm thì hôm vừa rổi tôi có đọc báo ở tỉnh Sơn La có trường hợp từ hiệu trưởng cách chức xuống làm hiệu phó ở một trường không có hiệu phó. Điều này rất buồn cười cho dư luận. Mỗi cá nhân đều chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Thầy cô luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo.
Nếu ngay từ nhỏ các học sinh đã tiếp xúc, đã thấy thầy cô của mình thế này thì quả thật ảnh hưởng đến các cháu. Luật có rồi, đạo đức chuẩn mực nghề giáo viên có hết rồi thế nhưng vì lòng tham họ có tuân theo đâu. Vấn đề này tôi nghĩ Bộ trưởng Bộ giáo dục sẽ có các giải pháp thiết thực để chấn chỉnh.
Xin cảm ơn Luật sư!