Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên giao Đảng đoàn HĐND tỉnh Phú Yên khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định trường hợp ông Lê Xuân Hà, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên đi xem đất, vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Chiều 10/8, tổ tuần tra xử lý vi phạm phòng, chống dịch COVID-19 xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa kiểm tra xe ô tô 78A-090.98 đỗ dưới lòng đường Nguyễn Văn Huyên, bên cạnh là xe đạp điện. Lái xe là ông Lê Xuân Hà xuất trình giấy đi đường do Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Phú Yên cấp và nói rằng “đi xem đất”. Ông Hà sau đó bị xử phạt 2 triệu đồng do “Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế”.
|
Ông Lê Xuân Hà - Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên xuất trình giấy đi đường do cơ quan cấp, nhưng lại nói lý do ra đường "Để xem đất" |
Tuy nhiên, thời điểm đó, trên xe có một người phụ nữ không nói được lý do ra đường, không xuất trình giấy tờ cá nhân, mà chỉ khai báo tên là Nguyễn Thị Quỳnh Nga (SN 1983, trú ở khu phố Ninh Tịnh 3, phường 9, TP Tuy Hòa). Bà Nga cũng bị xử phạt cùng hành vi trên. Đáng chú ý, Nguyễn Thị Quỳnh Nga chỉ là họ tên giả mạo để che giấu danh phận công chức, người phụ nữ này tên thật là Đào Thị Lý Len (SN 1978, hiện là Phó Chánh Văn phòng Sở TN&MT tỉnh Phú Yên.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, việc xử phạt 2 triệu đồng đối với các cán bộ vi phạm về phòng chống dịch bệnh là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, chưa đủ sức răn đe.
Theo quy định của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng, khi thực hiện giãn cách xã hội, cấm tập trung đông người ngoài nơi công cộng quá 2 người và những người có lý do chính đáng mới được ra đường, người ra đường phải tuân thủ các biện pháp bảo vệ cá nhân, các biện pháp phòng chống dịch bệnh do địa phương ban hành.
Đối với hành vi ra đường không thuộc trường hợp cần thiết sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1, điều 12 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP.
Theo cơ quan chức năng, việc bà Đào Thị Lý Len khai tên họ tên giả mạo để che giấu danh phận công chức cũng phải xem xét xử lý nghiêm minh, nếu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 240 BLHS năm 2015.
|
Bà Đào Thị Lý Len (áo đen) khai tên giả là Nguyễn Thị Quỳnh Nga với tổ tuần tra. |
Theo thông tin vụ việc, thời điểm kiểm tra vi phạm, trên ngực áo của ông Lê Xuân Hà còn mang phù hiệu đại biểu HĐND tỉnh Phú Yên, vì vị cán bộ này vừa rời khỏi ngày họp đầu tiên (10/8) tại kỳ họp thứ 3 HĐND tỉnh Phú Yên khóa VIII. Do đó cũng cần làm rõ, ông Hà có bớt xén thời gian làm việc hay không.
“Khi những người này vẫn được trả công để họ thực hiện những nhiệm vụ, phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước nhưng họ đã đánh cắp thời gian của nhà nước để mưu lợi cá nhân, vun vén cho lợi ích cá nhân thì đó là hành vi vụ lợi, hành vi tham nhũng. Hành vi tham nhũng thời gian làm việc để sử dụng vào mục đích cá nhân có thể làm suy thoái đạo đức cán bộ, gây ra một tình trạng trì trệ, thiếu trách nhiệm, thiếu ý thức trong việc thực hiện công vụ, nhiệm vụ, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền”, luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Cường, dịch bệnh COVID-19 hiện đang diễn biến phức tạp. Trong khi Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống COVID-19, lãnh đạo các địa phương đều hết sức lo lắng, liên tục bám sát tình hình dịch bệnh và đưa ra những quy định về phòng chống dịch bệnh ở các mức độ khác nhau với mỗi địa phương, lẽ ra là cán bộ Đảng viên, công chức, viên chức cần phải gương mẫu chấp hành.
Tuy nhiên, Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Phú Yên được cấp giấy đi đường để thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, được hưởng phụ cấp về phòng chống dịch bệnh ngoài tiền công tiền lương theo quy định nhưng vị này đã sử dụng quỹ thời gian đó vào mục đích cá nhân. Bên cạnh đó, còn không trung thực trong việc kê khai thông tin của những người tham gia cùng gây bức xúc trong dư luận, có thể dẫn đến nguy cơ làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, ảnh hưởng đến ý thức chấp hành pháp luật, làm suy giảm niềm tin của người dân đối với các cấp chính quyền. Do đó, cần phải có hình thức xử lý kỷ luật về mặt đảng và kỷ luật công chức nghiêm khắc.
|
Chiếc xe đạp điện của bà Len dựng cạnh xe ô tô của ông Hà khi "xem đất".
|
Hiện nay, nhiều địa phương đã tiến hành xử lý kỷ luật ở mức cao nhất là cách chức đối với những cán bộ lơ là trong phòng chống dịch bệnh. Những biện pháp xử lý này được dư luận xã hội rất hoan nghênh, cho thấy quyết tâm của đảng và nhà nước ta trong phòng chống dịch bệnh. Đối với vụ việc trên, cũng cần phải xử lý ở mức độ cao nhất về kỷ luật công chức là cách chức đối với vị cán bộ này để làm gương cho người khác. Đồng thời xem xét xử lý kỷ luật Đảng có thể ở mức độ cảnh cáo để răn đe.
Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét việc xử lý vi phạm trong trường hợp này có bao che, dung túng cho sai phạm hay không, nếu có thì cũng sẽ xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ đã xử lý vi phạm không đúng quy định.
“Có xử lý nghiêm minh những trường hợp cán bộ vi phạm như thế này mới có thể yêu cầu người dân phải tuân thủ, chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh, mới đạt hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn rất cấp bách hiện nay”, luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Những điều cần lưu ý khi tổ chức đám cưới mùa dịch Covid-19:
Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.