Tại cuộc họp báo ngày 26/3, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng trước thông tin trên báo chí Trung Quốc cho biết Trung Quốc đã triển khai hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một lần nữa khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh, mọi hoạt động tại hai quần đảo này phải được sự cho phép của Việt Nam.
“Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, không có các hành động gia tăng căng thẳng, làm phức tạp tình hình và ảnh hưởng tới hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực cũng như nỗ lực của các nước trong tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”, bà Lê Thị Thu Hằng nói.
Mới đây, tờ Tân Hoa xã đưa tin, Trung Quốc thiết lập hai trạm nghiên cứu trên đá Chữ Thập và Xu Bi. Đây là các bãi đá mà Trung Quốc đang chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Tân Hoa Xã nói rằng, 2 cơ sở mới có phòng thí nghiệm về sinh thái, địa chất và môi trường, nhằm hỗ trợ điều tra thực địa và nghiên cứu khoa học của nước này ở quần đảo Trường Sa.
|
Đá Chữ Thập ở Trường Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: People’s Daily. |
Tuy nhiên dư luận quốc tế cho rằng đây là động thái cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm mục tiêu chiếm trọn Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế.
Tờ Philippine Daily Inquier, chuyên gia quốc phòng Swee Lean Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore) nhận định rằng, việc Trung Quốc lập 2 trạm nghiên cứu mới ở hai đá Chữ Thập và Vành Khăn vào thời điểm này là diễn biến đáng chú ý.
Theo ông Koh, có người có thể nghĩ đại dịch Covid-19 có lẽ đã khiến Bắc Kinh không quan tâm nhiều tới những điểm nóng trên biển này. Sự thật không phải thế. Đồng thời lưu ý lợi dung chiêu bài “khoa học dân sự” là một trong những cách để Trung Quốc củng cố tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Chuyên gia quốc phòng Swee Lean Collin Koh tin rằng Trung Quốc vẫn tiến hành các hoạt động ở Biển Đông, nhưng vì đại dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn cầu, cộng đồng quốc tế giảm chú ý tới những hành động của Bắc Kinh ở khu vực.
Việc triển khai hai trạm nghiên cứu trên Đá Chữ Thập và Đá Xu-bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam không phải là lần đầu tiên Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Trước đó, nước này đã ngang nhiên tiến hành nhiều hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Theo Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế quốc gia quần đảo, nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Trong khi đó, quần đảo Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo này.
Tuy nhiên, trong suốt thời gian dài, Trung Quốc đã dùng vũ lực và rất nhiều thủ đoạn. luận điệu xảo trá để xâm chiếm và tạo ra tình trạng tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cụ thể, vào các năm 1974 và 1988, với những hành động bị luật quốc tế nghiêm cấm, phía Trung Quốc đã dùng vũ lực chiếm đóng một số đảo và thực thể (đảo đá, bãi cạn) trong khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Từ đó đến nay, Trung Quốc đã từng bước xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hoá một cách bất hợp pháp một số đảo đá và bãi cạn, rạn san hô thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong đó, đá Vành Khăn, Chữ Thập và Subi bị biến thành 3 đảo nổi, 3 căn cứ quân sự quy mô lớn với sân bay và cảng nước sâu.
Đồng thời, Trung Quốc cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tạo để phục vụ mục đích quân sự, dân sự, bao gồm nhà để máy bay, nhà chứa tên lửa, kho chứa vũ khí, nhiên liệu, hải cảng, radar, thiết bị thu thập thông tin tình báo…
Thậm chí từ cuối 2017 đến nay, Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông với việc triển khai các trang thiết bị, vũ khí hiện đại ra các đảo nhân tạo bồi đắp phi pháp, bao gồm đưa máy bay quân sự ra đá Subi và Vành Khăn, hạ cánh lên đá Chữ Thập các máy bay vận tải và tuần tra biển, đưa tên lửa hành trình, thiết lập các thiết bị phá sóng… trên các đảo nổi nhân tạo.
Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định tại biển Đông và trong khu vực.
Thời gian gần đây, từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 10/2019, Trung Quốc tiếp tục tái diễn những hành vi vi phạm khi đưa nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc nhiều lần mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác lập phù hợp với các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã nhiều lần cho biết có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Đồng thời, cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến trên Biển Đông. Quan điểm của Việt Nam về các vấn đề trên biển là nhất quán và rõ ràng. Các hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia ven biển.
Việt Nam nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm tại vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông bằng các biện pháp luật pháp quốc tế cho phép.
Việt Nam cũng nhiều lần khẳng định hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế, đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình.
Đồng thời khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế.
Trước hành động, âm mưu thôn tính biển Đông của Trung Quốc, cộng đồng quốc tế đã tỏ ra quyết liệt và mạnh mẽ hơn để nhằm chặn đứng tham vọng nguy hiểm đối với tự do hàng hải, hàng không cũng như hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực này.
Mới đây, tờ AFP ngày 11/3 dẫn lời phát ngôn viên Hạm đội 7, bà Reann Mommsen cho biết, những tuyên bố (của Trung Quốc) mang tính bao quát và phi pháp ở Biển Đông đặt ra mối đe dọa chưa có tiền lệ đối với tự do lưu thông ở vùng biển này.
“Bằng cách thực hiện hoạt động này, Mỹ cho thấy những vùng biển này vượt ra ngoài khu vực mà Trung Quốc có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của họ và rằng những đường cơ sở thẳng Trung Quốc tuyên bố xung quanh Hoàng Sa là không phù hợp với luật pháp quốc tế”, bà Reann Mommsen nói.
Tại hội thảo quốc tế liên quan đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã diễn ra tại Viện Nghiên cứu Hudson ở Thủ đô Washington D.C (Mỹ) cuối tháng 11/2019, các học giả đến từ Đông Nam Á, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ nêu ra những quan điểm, đánh giá hành động, chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, nhằm chống lại tham vọng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tại diễn đàn An ninh quốc tế Halifax (Canada) ngày 23/11/2019, Đô đốc Hải quân Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Mỹ) đã chỉ trích trực diện hành vi quân sự hóa trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Đồng thời, khẳng định cam kết tự do hàng hải của Washington tại khu vực này.
Đồng thời cảnh báo, nhiều năm qua, Trung Quốc đã quân sự hóa các đảo, thực thể tại Biển Đông và tăng cường năng lực quân sự tại đây. Trung Quốc với sự trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng của mình đang nuôi tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu, trong đó trước hết là độc chiếm Biển Đông theo yêu sách phi lý, phi pháp “đường lưỡi bò 9 đoạn”. Tham vọng này đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chủ quyền hợp pháp của các quốc gia liên quan, cũng như hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông.
Đô đốc Philip Davidson khi đó nói rằng, Canada, New Zealand, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ đều đã đưa tàu chiến qua Biển Đông tham gia vào các cuộc diễn tập quân sự trong sứ mệnh đảm bảo tự do hàng hải, hàng không cũng như duy trì hòa bình, an ninh và ổn định. Đồng thời khẳng định, Mỹ sẽ tăng cường hoạt động tại Biển Đông.
Trước đó, thời điểm nhóm tàu Địa chất hải dương 8 vẫn chưa rời khỏi vùng biển của Việt Nam bất chấp hành vi ngang ngược này vi phạm nghiêm trọng luật pháp Việt Nam lẫn luật pháp quốc tế, ngày 29/8/2019, Bộ Ngoại giao Anh phát đi tuyên bố chung Anh, Pháp và Đức, khẳng định sự quan ngại về tình hình căng thẳng ở biển Đông. Theo đó, cả ba nước lo rằng tình thế hiện nay có thể dẫn tới “mất an ninh và ổn định trong khu vực”.
Một ngày trước đó, người phát ngôn ngoại giao EU khẳng định: “Các hành động đơn phương trong những tuần qua tại biển Đông đã dẫn tới những căng thẳng gia tăng và sự suy thoái môi trường an ninh hàng hải”.
Ngày 27/8/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono cho biết “cộng đồng quốc tế trong đó có Nhật Bản quan tâm sâu sắc tới tình hình trên biển Đông. Nhật Bản phản đối bất cứ hành động của nước nào làm gia tăng căng thẳng trên biển Đông”.
Những điều trên cho thấy, bất kỳ hành động phi pháp nào của Trung Quốc tại biển Đông sẽ bị cộng đồng quốc tế, cụ thể ASEAN và các quốc gia bên ngoài, đặc biệt là Mỹ chỉ trích mạnh. Đồng thời cho thấy, cộng đồng quốc tế nhận thức được rủi ro từ các hành vi ngang ngược đầy nguy hiểm của Bắc Kinh, vốn nhằm vào việc chiếm cứ vùng biển và tài nguyên nằm bên trong đường chín đoạn phi pháp.
>>> Mời độc giả xem thêm video Hình ảnh chân thực nhất về Đảo Trường Sa