Chưa đầy một tuần sau khi rời khỏi vùng biển Việt Nam, tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại hoạt động ở gần khu vực Tư Chính - Vũng Mây. Khu vực này nằm trọn vẹn trong phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở (các điểm cơ sở số 3, 4 và 5 ở Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) tức là hoàn toàn thuộc đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà chính Trung Quốc đã ký kết.
Trước đó, vào tháng 7/2019, tàu Địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống có vũ trang của hải cảnh Trung Quốc tiến vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía Đông Nam Việt Nam. Lý giải cho hành động này, Trung Quốc tuyên bố khu vực này nằm trong “đường chín đoạn” về chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông. Đến ngày 8/8, trong buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng xác nhận nhóm tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa phía đông nam Việt Nam chiều ngày 7/8.
|
Tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 và 9 cập cảng tại Nhà máy đóng tàu Thượng Hải (Trung Quốc). Ảnh: China Daily. |
Động thái quay trở lại vùng biển của Việt Nam lần này của tàu Địa chất Hải dương 8 được giới chuyên gia nhận định nằm trong âm mưu "tranh chấp để lấn chiếm" của chính quyền Bắc Kinh nhằm độc chiếm biển Đông.
Trong thời gian qua, Trung Quốc thực hiện chiến thuật “gặm nhấm” đối với các thực thể địa lý là những bãi ngầm, rạn san hô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông như ở Đá Vành Khăn năm 1995, bãi cạn Scarborough 2012, bãi Cỏ Mây…
Không những vậy, Trung Quốc đã và đang mở rộng các hoạt động phi pháp nhằm độc chiếm biển Đông bằng cách huy động lực lượng tàu thuyền đến hoạt động tại khu vực bãi cạn James cách bờ biển Malaysia chỉ 80 km, bãi Cỏ Rong ở phía đông quần đảo Trường Sa, cách Philippines dưới 200 hải lý và khu vực Tư Chính - Vũng Mây.
Trung Quốc xem bãi Tư Chính là một phần của "quần đảo Nam Sa" (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa của Việt Nam) thuộc "chủ quyền bất khả xâm phạm" của nước này. Thế nhưng, tuyên bố này của Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với những quy định của UNCLOS 1982, đặc biệt bị phán quyết Tòa Trọng tài quốc tế The Haye năm 2016 (được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS 1982) bác bỏ.
Theo Công ước Luật biển, bãi Tư Chính hay bãi ngầm Tư Chính nằm trong thềm lục địa Việt Nam. Việt Nam tuyên bố không cố ý biến các bãi ngầm ở thềm lục địa phía nam (trong đó có bãi Tư Chính) thành đảo nổi và không gán ghép chúng vào quần đảo Trường Sa, đồng thời bác bỏ sự gán ghép này.
Do vậy, với động thái mới đây, Trung Quốc đang âm mưu biến khu vực bãi Tư Chính thuộc thềm lục địa Việt Nam thành khu vực tranh chấp ở quần đảo Trường Sa.
Video: Hải quân Việt Nam săn tàu ngầm ở Biển Đông (nguồn: QPVN)
Để thực hiện chủ trương độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc triển khai các hoạt động vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven Biển Đông. Trong số này có việc Trung Quốc cùng lúc gây hấn cả ba nước Việt Nam, Philippines và Malaysia trong khu vực biển Đông.
Phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Philippines (AFP), Chuẩn tướng Edgard Arevalo từng thông tin với báo chí về 5 tàu chiến Trung Quốc được nhìn thấy ở eo biển Sibuti và Tawi-Tawi vào tháng 7 và tháng 8/2019.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) còn công bố thông tin tàu hải cảnh Haijing 35111 của Trung Quốc từ ngày 10 - 27/5 vừa qua thực hiện tuần tra xung quanh cụm bãi cạn Luconia ở biển Đông, nơi có lô dầu khí SK 308 mà Công ty Sarawak Shell có trụ ở Kuala Lumpur, Malaysia được cấp phép thăm dò.
Trước những hành động phi pháp của Trung Quốc, vào ngày 15/8, chính quyền Philippines cho biết sẽ yêu cầu Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa giải thích về sự hiện diện của tàu chiến nước này tại vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines mà không thông báo.
Một số chuyên gia nhận định Trung Quốc thực hiện những hành động trên nhằm thử sự kiên định của những nước đang có tranh chấp ở biển Đông, trong đó có Việt Nam trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của mỗi quốc gia. Khi Trung Quốc đẩy tranh chấp lên đến đỉnh điểm thì được dự đoán sẽ sử dụng kế sách quen thuộc "rút củi đáy nồi" thực hiện ở biển Đông suốt nhiều năm qua như nói với các nước xảy ra tranh chấp gác lại xung đột để cùng khai thác.