Trẻ bị bạo hành nhiều, vì sao?

Google News

Vì sao ở Việt Nam vẫn xảy ra các vụ bạo hành trẻ em, nhiều vụ chỉ được phát hiện khi đã tạo hậu quả nghiêm trọng?

Vừa qua, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích" để điều tra vụ bạo hành bé trai gần 1 tuổi, hiện đang được Bệnh viện Nhi trung ương chăm sóc.
Sự bàng quan, thờ ơ
Đây là một trong nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê từ Văn phòng Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề bạo lực với trẻ em, tại Việt Nam, ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần được bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực. Con số này chiếm khoảng 12% số trẻ em ở Việt Nam.
Phân tích nguyên nhân, bà Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề về xã hội của Quốc hội, cho rằng chúng ta có đầy đủ tổ chức, hội, quỹ… nhưng trong hoạt động chỉ chú trọng đến một nhóm trẻ em - những trẻ được gia đình nuôi nấng kỹ càng, quan tâm đầy đủ mà chưa bắt đầu từ nhóm trẻ em yếu thế. Đó là những trẻ mồ côi, trẻ lang thang, trẻ có cha mẹ bị tù tội, trẻ đi làm mướn, giúp việc để kiếm ăn…
Tre bi bao hanh nhieu, vi sao?
Trẻ bị buộc đi ăn xin, một trong những hình thức bạo hành trẻ em nhan nhản trên phố. (Ảnh chụp trên đường Út Tịch, quận Tân Bình, TP HCM). 
Ngoài ra, phải kể đến đạo đức xã hội xuống cấp, nhiều người sinh con ra rồi không chăm sóc, thậm chí vứt bỏ cho "rảnh nợ", con sống ra sao, ăn uống thế nào thì mặc kệ. Trong khi đó, nhiều người lớn thấy trẻ bị hành hạ nhưng không lên tiếng vì sợ bị vạ lây, một bộ phận dân chúng sống với tư tưởng "đèn nhà ai nấy sáng".
Đồng quan điểm, bà Vũ Xuân Nhuệ - Viện trưởng VKSND quận 3, TP HCM - nêu thực tế hiện nay có nhiều người bàng quan, biết sự việc trẻ bị bạo hành nhưng không can thiệp, không trình báo do tâm lý ngại đụng chạm, không muốn liên quan, dính dáng đến các cơ quan pháp luật. Các thành viên trong gia đình có người bị bạo hành cũng giấu giếm, không muốn cho ai biết vì sợ bị xử lý.
Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền nếu không dựa vào tai mắt của dân thì cũng không thể nào có đủ lực lượng, phương tiện để phát hiện sự việc, thu thập và xử lý.
Luật chưa nghiêm, thiếu cơ quan chuyên biệt
"Ở các nước văn minh, trẻ em được ưu tiên hàng đầu. Chỉ cần một người nhìn thấy trẻ bị đánh đập, họ sẽ gọi cảnh sát và chính quyền nhanh chóng vào cuộc, bảo vệ trẻ rất nghiêm ngặt. Còn ở ta, chuyện đó vẫn còn bị bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, pháp luật chưa thật sự nghiêm, có nhiều vụ việc có xử lý được hay không vẫn là một câu chuyện rất dài chưa hồi kết" - bà Nguyễn Thị Hoài Thu thẳng thắn nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Bùi Việt Thành, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng mấu chốt của vấn đề chính là hệ thống cơ quan có trách nhiệm bảo vệ trẻ em rất đa dạng (có khoảng 15 cơ quan thực hiện công việc này) nhưng thiếu một đơn vị chuyên trách can thiệp mạnh mẽ, được tòa án trao quyền can thiệp khẩn cấp trong mọi tình huống. Đường dây nóng phòng chống xâm hại trẻ em cũng hoạt động chưa thực sự hiệu quả.
"Đặc biệt, khi phát hiện trẻ bị xâm hại, bạo hành, người dân bị buộc cung cấp chứng cứ trong khi họ thiếu kiến thức về thu thập hay bảo quản chứng cứ nên trong nhiều vụ việc, kẻ thủ ác vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật khiến người dân mất niềm tin. Đáng lý ra, những tình huống như vậy cần được ưu tiên điều tra, cần sự vào cuộc nhanh nhất có thể của chuyên gia tâm lý, điều tra viên của công an và VKSND. Thiếu kiến thức về các hành động xâm hại, không biết mức độ ảnh hưởng đến trẻ em bị xâm hại, nhiều gia đình âm thầm chịu đựng, không khai báo và thậm chí không biết nên đến cơ quan nào giải quyết là tình hình chung hiện nay" - ông Bùi Việt Thành nhận định.
Theo Phạm Dũng/Người lao động

>> xem thêm

Bình luận(0)