Như VietNamNet đã đưa, Trưởng Trạm Y tế phường Trại Cau (quận Lê Chân, Hải Phòng) bị tố đòi 1,5 triệu đồng mới ký giấy cho F0, sức khỏe yếu đi viện.
Đến ngày 5/3, sau khi truyền thông lên tiếng, Trưởng trạm Y tế phường Trại Cau Nguyễn Sỹ Hùng đã mang 1,5 triệu đi trả.
Trao đổi với VietNamNet, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, đây là sự việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế và có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cơ quan chức năng có thể tạm đình chỉ công tác với Trưởng Trạm Y tế, đồng thời đề nghị CQĐT vào cuộc xác minh làm rõ.
|
Lãnh đạo phường Trại Cau bức xúc vì cán bộ y tế sách nhiễu bệnh nhân nhiễm Covid-19 |
Theo luật sư, điều trị Covid-19 được thực hiện miễn phí theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các văn bản dưới luật có liên quan. Người bệnh không phải nộp bất cứ một khoản chi phí nào khi khám chữa phải điều trị Covid-19 tại Việt Nam.
Pháp luật cũng nghiêm cấm bác sĩ, nhân viên y tế nhận tiền của người nhà bệnh nhân và bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh.
Hành vi vòi vĩnh nhận quà khi đang thực hiện hoạt động khám chữa bệnh, đang thực hiện các thủ tục y tế liên quan đến khám chữa bệnh là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Thậm chí có thể còn là hành vi cưỡng đoạt tài sản nếu như có những lời lẽ có tính chất đe dọa, khiến cho người nhà nạn nhân lo sợ phải đưa tiền...
Vẫn theo luật sư, CQĐT sẽ làm rõ diễn biến hành vi của các bên, làm rõ yêu cầu đưa tiền là của cán bộ y tế hay gia đình nạn nhân chủ động đưa tiền?
CQĐT cũng sẽ làm rõ số tiền là bao nhiêu và mục đích để làm gì?, trên cơ sở đó xác định hành vi là đưa nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn, lạm quyền hay hành vi cưỡng đoạt tài sản để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, kết luận sự việc phải căn cứ vào chứng cứ, căn cứ vào quá trình xác minh của cơ quan chức năng.
Trường hợp sự việc đúng như phản ánh trên Facebook của người nhà nạn nhân thì sẽ kỷ luật bác sĩ và những người có liên quan, đồng thời có thể xem xét xử lý hình sự nếu như hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Các dấu hiệu cấu thành tội phạm
Tiến sĩ Đặng Văn Cường phân tích: Trường hợp kết quả xác minh cho thấy cán bộ y tế đã có những lời lẽ, hành vi có tính chất đe dọa, uy hiếp tinh thần của người nhà bệnh nhân (như từ chối điều trị nếu như không đưa tiền, nói ra tình trạng nguy hiểm của bệnh nhân) để yêu cầu người nhà đưa tiền, khiến người nhà bệnh nhân sợ hãi phải đưa tiền thì đây được xác định là hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Dù số tiền chiếm đoạt dưới 2 triệu đồng, người đe dọa uy hiếp tinh thần của người nhà nạn nhân để lấy tiền sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cưỡng đoạt tài sản, theo điều 170 BLHS năm 2015 với chế tài là phạt tù từ 1-5 năm.
Trường hợp kết quả xác minh chưa đủ căn cứ để xử lý về tội Cưỡng đoạt tài sản, nhưng có căn cứ cho thấy cán bộ y tế đã có hành vi ép buộc người nhà bệnh nhân phải đưa 2 triệu đồng mới cho phép chuyển viện, cấp cứu cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 thì đây là hành vi ép buộc đưa hối lộ.
Hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Nhận hối lộ theo điều 354, BLHS năm 2015 (cho dù số tiền thực tế nhận là chưa đến 2 triệu đồng).
Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, người nhận số tiền là nhận hối lộ chưa đến 2 triệu đồng, chưa từng bị kết án, chưa từng bị phạt hành chính về hành vi này thì có thể sẽ bị phạt hành chính mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu trường hợp mới nhận số tiền chưa đến 2 triệu đồng nhưng mong muốn sẽ nhận đủ số tiền từ 2 triệu đồng trở lên và tiếp tục vòi vĩnh gia đình nạn nhân thì sẽ xử lý hình sự về tội Nhận hối lộ.
Theo luật sư, đây là sự việc rất đáng tiếc và đáng buồn cho ngành y tế khi đại đa số các bác sĩ, nhân viên y tế đều hết lòng vì người bệnh trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp thì vẫn có những con “sâu làm rầu nồi canh”, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi trên nỗi sợ hãi của người bệnh, trên uy tín của đồng nghiệp mình.