TP.HCM: Không cách ly F0 tại nhà xưởng, nơi làm việc

Google News

Sở Y tế TP.HCM khẳng định theo quy định mới, nếu phát hiện F0 trong hộ gia đình thì chỉ cách ly hộ đó chứ không phong tỏa cả khu vực.

Chiều 21/10, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.
Tại đây, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết về quy trình xử lý F0 theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế có khác so với trước đây.
Bốn cách xác định F0
Theo ông Hưng, thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, Sở Y tế đang triển khai quy trình phát hiện và xử lý F0 tại địa bàn cho các quận, huyện.
Theo đó, việc xác định F0 có bốn cách. Một là thông qua các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế công nhận phát hiện F0 và nhập lên phần mềm quản lý chuỗi lây nhiễm; hai là từ xét nghiệm tầm soát các nhóm nguy cơ và nguy cơ cao ở chợ đầu mối, bến xe, siêu thị; ba là qua việc người dân khám sàng lọc khi đến các bệnh viện (BV) có triệu chứng nghi ngờ; bốn là người dân tự xét nghiệm có kết quả dương tính.
TP.HCM: Khong cach ly F0 tai nha xuong, noi lam viec
Sau khi phát hiện F0, danh sách sẽ được chuyển về trạm y tế địa phương tiếp tục điều tra dịch tễ, xử lý các F1. 
Đáng chú ý, ông Nguyễn Hữu Hưng chỉ rõ khái niệm ổ dịch hộ gia đình. Ông khẳng định nếu trong một khu vực có một hộ có ca F0 thì địa phương và cơ quan y tế đến khám sàng lọc để đánh giá tình trạng F0 như thế nào, nếu đủ điều kiện thì cách ly tại nhà, trường hợp có triệu chứng nặng hoặc chỉ số Sp02 dưới 96% thì báo tổ phản ứng nhanh đến cấp cứu chuyển lên BV tuyến trên.
Khi cách ly tại nhà, bệnh nhân sẽ được phát thuốc, theo dõi, đảm bảo điều trị tại nhà và xét nghiệm, theo dõi định kỳ cả những F1. “Nếu có nhiều hộ gia đình thì khu vực này sẽ không bị rào lại mà hộ có F0 thì cách ly nhà, những người khác trong khu vực chỉ hạn chế tiếp xúc, cần thiết mới ra ngoài, chứ không phải tất cả đều ở trong một khu bị phong tỏa như trước đây” - ông Hưng nhấn mạnh.
Đối với F0 được phát hiện tại doanh nghiệp, nhà máy, ông Hưng khẳng định Sở Y tế đã có hướng dẫn chuyên môn cho các ban quản lý các khu và các doanh nghiệp bên ngoài về quy trình theo Nghị quyết 128.
“Không thể cách ly F0 tại công xưởng nơi người này làm việc mà phải đưa ra ngoài hoặc cách ly tại nhà nếu đủ điều kiện và không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ” - ông Hưng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, các cơ quan liên quan đang bàn bạc việc xây dựng khu cách ly riêng trong khu vực các doanh nghiệp. Chẳng hạn như Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung nếu đủ điều kiện thì xây dựng khu cách ly tách biệt, tương đương một khu vực cách ly của quận, huyện.
“Hiện nay, các trường hợp F0 đều được phân loại, đưa về cách ly tại nhà hoặc chuyển đi các cơ sở điều trị tùy theo mức độ bệnh, điều kiện cơ sở y tế” - ông Hưng khẳng định và thông tin thêm việc Sở Y tế có yêu cầu các BV thành lập khoa COVID-19 và các quận, huyện thành lập một BV dã chiến để người dân nhiễm bệnh đến điều trị thay vì ở tại nhà.
Lấy ý kiến của phụ huynh khi tiêm vaccine cho trẻ em
Liên quan đến việc tiêm ngừa cho trẻ em, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết sở đã có dự thảo kế hoạch trình cho UBND TP để TP thảo luận kỹ cùng các sở, ngành, triển khai ngay khi Bộ Y tế có hướng dẫn về loại vaccine.
Theo ông Hưng, qua thống kê với Sở GD&ĐT, có khoảng 780.000 học sinh, đối với các cháu không đi học sẽ do Sở LĐ-TB&XH TP cùng quận, huyện thống kê, làm sao đảm bảo toàn bộ trẻ em ở lứa tuổi 12-17 ở TP đều được tiêm ngừa.
“Việc tiêm vaccine này phải có sự đồng ý của phụ huynh” - ông Hưng khẳng định và cho hay Sở GD&ĐT đang lấy ý kiến phụ huynh, trước khi tiêm sẽ tư vấn cho phụ huynh và các em về ích lợi của việc tiêm chủng cũng như bất lợi có thể xảy ra sau tiêm. Đồng thời phối hợp với nhà trường theo dõi sát sao các phản ứng sau tiêm nếu có.
Đối với việc tiêm vaccine cho người dân từ 18 tuổi trở lên, TP đang đạt tiến độ khả quan với 99% người được tiêm mũi 1 và trên 76% người được tiêm mũi 2. Các trường hợp chưa tiêm mũi 1 hoặc đến hạn tiêm mũi 2 có thể đăng ký qua đầu số 8066 của Sở TT&TT.
“Người dân vì lý do nào đó không có giấy tờ chứng minh đã tiêm mũi 1 thì cần tạo điều kiện để họ cam kết đã tiêm mũi 1 ở đâu đó để tiếp tục tiêm, tránh việc nhiều địa phương do không có giấy chứng minh tiêm mũi 1 mà không cho tiêm mũi 2 là không đúng” - ông Hưng khẳng định.
Ông Hưng cũng cho biết TP sẽ tổ chức tiêm chủng đầy đủ cho người lao động từ các tỉnh, thành về TP sau dịch. Sở Y tế đã có văn bản gửi các quận, huyện và các doanh nghiệp để lập danh sách gửi về sở cung ứng vaccine. Ngoài ra, người dân trở về TP cũng có thể đến trụ sở chính quyền địa phương để chủ động đăng ký.
Tránh số ảo khi thống kê lượng người từ tỉnh về
Về việc tiêm vaccine tập trung cho người dân từ các tỉnh, thành về TP, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho rằng Sở Y tế nên có hướng dẫn vì khả năng có thể có sự lúng túng. “Trong những người về lại TP, có một lượng công nhân lao động đăng ký tiêm vaccine ở doanh nghiệp, nơi sản xuất nhưng cũng không loại trừ họ cũng được đăng ký ở nơi cư trú. “Như vậy sẽ xảy ra con số ảo” - ông nói và đề nghị ngành y tế nên suy nghĩ cách làm để thực hiện tốt hơn việc tiêm đúng liều cho bà con.
Theo Lê Thoa/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)