TP HCM: Các trường phải triển khai dạy học trực tuyến

Google News

Sở GD&ĐT TP HCM sẽ có văn bản hướng dẫn các trường trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, học qua truyền hình.
 
 

Học sinh (HS) TP HCM tiếp tục được nghỉ học đến hết ngày 5/4 do dịch COVID-19. Để các em không sao nhãng việc học, nhiều trường đã triển khai dạy học trực tuyến.
Chủ yếu ôn tập kiến thức cũ
Bà Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, cho biết sau một thời gian triển khai tập huấn cho giáo viên về một số ứng dụng dạy học trực tuyến, tuần này nhà trường đã thử nghiệm triển khai dạy đại trà. Việc dạy online được thực hiện theo khung thời gian sáng từ 9 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ và theo thời khóa biểu được thông tin trên trang web trường cho cả bốn khối lớp.
Nhà trường yêu cầu giáo viên khối 9 dạy tất cả các môn để hỗ trợ cho HS cuối cấp. Còn những khối khác, yêu cầu bắt buộc đối với ba môn văn, toán, Anh, các môn còn lại sẽ được tự chọn tùy theo khả năng của giáo viên trong khung giờ quy định.
Tuy nhiên, khi thực hiện phát sinh một số vấn đề: Với ứng dụng Ms Teams, có những lớp quá đông, đến 200 em nên không có hiệu quả. Với ứng dụng Zoom miễn phí, giáo viên cũng chỉ đáp ứng được tối đa 100 HS tham gia lớp học và thời lượng của bài giảng bị giới hạn.
Vì vậy, tuần sau nhà trường sẽ tách lớp thành nhóm nhỏ hơn và chia thành hai ca/môn để dễ kiểm soát sự tham gia của HS và nâng cao chất lượng giờ học. Thầy cô cũng sẽ sinh hoạt nội quy lớp học nghiêm khắc với HS, loại ra khỏi lớp những HS mất trật tự, chơi game trong giờ học. “Tùy vào tình hình thực tế, các tổ chuyên môn sẽ đưa ra nội dung giảng dạy phù hợp và sau khi các em trở lại trường sẽ tổ chức ôn tập, kiểm tra để xem xét công nhận kết quả cho HS” - bà An nhấn mạnh.
Tương tự, tại Trường THCS-THPT Ngôi Sao, quận Bình Tân, việc dạy online cũng được nhà trường triển khai từ khi các em nghỉ học tránh dịch.
Bà Thanh Thiên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường sử dụng phần mềm Zoom và Emodo để dạy. Phương pháp này được triển khai cho tất cả các khối, theo thời khóa biểu, có quy định giờ dạy, có điểm danh HS.
Theo bà Thiên, qua theo dõi có đến hơn 40% các em không theo học online. “Những em học khá, thực sự thích học thì phương pháp này sẽ hiệu quả. Còn những em lười, yếu, không muốn học, lại không có phụ huynh, giáo viên quản lý thì rất khó. Tuy nhiên, việc dạy online trong thời điểm này sẽ cung cấp môi trường, phương tiện để HS giữ được nhịp độ học tập.
Dù ở khu vực ngoại thành nhưng trong thời gian qua Trường THPT Cần Thạnh, huyện Cần Giờ vẫn đẩy mạnh việc dạy trực tuyến.
Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn chia sẻ việc dạy online được tập trung cho HS khối 12 đối với các môn thi tốt nghiệp. Trường có sắp xếp thời khóa biểu, mỗi tiết là 60 phút, HS được cấp tài khoản, được tạo phần mềm. “Trong quá trình dạy, nhà trường chủ yếu ôn tập kiến thức cũ, chưa triển khai dạy bài mới. Trong những nội dung, các thầy cô bộ môn căn cứ theo cấu trúc đề có thể mở rộng ôn tập khối 10, 11” - vị này nói thêm.
TP HCM: Cac truong phai trien khai day hoc truc tuyen
Học sinh Trường THCS-THPT Đào Duy Anh, quận 6 đang học bài tại nhà. Ảnh: TRẦN MINH 

Phát sóng nội dung chương trình học kỳ II
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong thời gian qua, sở đã phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức phát sóng ôn tập trên truyền hình các chủ đề kiến thức cho HS lớp 9 và lớp 12. Nhưng đó là những nội dung đã học trong học kỳ I. Trong thời gian tới, các chương trình phát sóng trên truyền hình sẽ dạy kiến thức mới học kỳ II. Trong tuần này sở sẽ phối hợp với HTV sản xuất, ghi hình các thầy cô giảng dạy nội dung mới để phát sóng.
“HS vừa học qua truyền hình nhưng cũng cần phải có sự tương tác với thầy cô ở trên lớp để củng cố kiến thức. Môn học nào ở lớp nào thì giáo viên phải có trách nhiệm tổ chức lớp học online để hỗ trợ HS trong việc học nội dung bài học trên tivi” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Các nội dung kiến thức dành cho HS lớp 9 và lớp 12 sẽ được phát sóng trên kênh HTV key. Chương trình lớp 9 sẽ được phát sóng vào sáng thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu với ba môn toán, văn, Anh và được phát lại vào sáng thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Trong khi đó lớp 12 sẽ gồm sáu môn văn, toán, ngoại ngữ, lý, hóa, sinh phát sóng vào tất cả các buổi chiều trong tuần. Thầy cô trong hội đồng bộ môn của Sở GD&ĐT cũng như các thầy cô có kinh nghiệm trong việc dạy học trực tuyến sẽ phụ trách công tác giảng dạy.
Ông Hiếu cho biết thêm sắp tới tất cả các trường sẽ phải triển khai các phương pháp dạy online, dạy học qua truyền hình. Tất cả các cấp học đều phải thực hiện riêng, cấp tiểu học sẽ nhẹ nhàng hơn, chủ yếu củng cố kiến thức và không dạy trực tuyến trước chương trình. Việc học ở bậc này không đặt nặng theo tiến độ của chương trình.
Sở sẽ có văn bản hướng dẫn đến các trường trong việc tổ chức thực hiện. Sở giới thiệu các phần mềm, các đường truyền, hỗ trợ băng đĩa ghi hình. Sau khi phối hợp với đài truyền hình phát sóng các chương trình học trên HTV key, Sở GD&ĐT còn sử dụng băng đĩa cho các trường tổ chức dạy học.
“Hiệu trưởng sẽ phải giám sát quá trình thực hiện của các giáo viên. Sở sẽ kiểm tra việc triển khai của từng trường. Mỗi trường phải có kế hoạch triển khai dạy học cũng như kế hoạch theo dõi, kiểm tra, đánh giá từng môn học, từng thời điểm để đảm bảo việc dạy và học có hiệu quả” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Liên quan đến việc công nhận kết quả học trực tuyến, phó giám đốc Sở GD&ĐT cho biết cần phải trải qua quá trình rà soát, kiểm tra.
Bộ GD&ĐT công nhận việc dạy trực tuyến
Theo Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT cần hướng dẫn nhà trường lựa chọn công cụ dạy học qua Internet phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng trường. Bộ chỉ đạo các sở khi HS đi học trở lại thì cần đề nghị các nhà trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình.
Theo Nguyễn Quyên/PLO

>> xem thêm

Bình luận(0)