Điểm chiêu lừa đảo tiêm vắc-xin, uống thuốc chống Covid-19

Google News

(Kiến Thức) - Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều đối tượng đã làm giả nhiều loại vắc xin phòng bệnh Covid-19 để lừa tiêm cho nhiều người nhằm lấy tiền.

Làm giả vắc xin phòng bệnh Covid-19 lừa nhiều người dân
Mới đây, công an TP Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) cho biết vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tiêu Thị Tuyết Sương (SN 1974, trú tại xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Diem chieu lua dao tiem vac-xin, uong thuoc chong Covid-19
Bà Sương tại cơ quan điều tra.
Qua khám xét nhà bị can Sương, cơ quan cảnh sát điều tra đã phát hiện hàng trăm vỏ ống thuốc được bà Sương bơm nước cất, kháng sinh và dán nhãn lên thành nhiều loại vắc xin tiêm phòng các bệnh cho trẻ em, vắc xin ngừa ung thư… và đặc biệt là vắc xin ngừa bệnh Covid-19.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy bà Sương mới học hết lớp 9 và từng có thời gian làm giúp việc cho 1 phòng khám tư nhân nhưng sau đó đã nghỉ việc.
Sau đó, bà Sương tự nhận là nhân viên y tế dự phòng và có thể tiêm vắc xin ngừa bệnh. Người này mua các loại dụng cụ gồm bình đá, kim tiêm để bơm nước cất, kháng sinh vào bên trong.
Nhiều người dân địa phương do thiếu hiểu biết đã đến nhà hoặc thuê bà Sương đến nhà riêng của mình để tiêm phòng.
Điều đáng nói, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát, bà Sương giới thiệu có vắc xin phòng bệnh Covid-19, mỗi mũi tiêm vắc xin Covid-19 bà Sương thu 700.000 đồng/mũi.
Ngoài ra, Sương còn lấy phôi của một phiếu chỉ định tiêm ngừa thật đem photocopy ra thành các phiếu giả để phát cho bị hại sau mỗi lần tiêm để tạo lòng tin.
Với chiêu thức làm giả vắc xin, bà Sương đã lừa đảo để chiếm đoạt tiền của hàng chục người ở huyện Tuy Phước và TP Quy Nhơn. Vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra và làm rõ.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa phát đi cảnh báo tới người bệnh và người nhà bệnh nhân đề phòng cảnh giác với hình thức lừa đảo bán thuốc chữa bệnh trước bệnh viện.
Trưởng trạm y tế đi tù vì lừa tiêm vắc xin
Ngày 12/3, rên báo Dân Sinh đưa tin, TAND huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai đã tuyên phạt sơ thẩm đối với bị cáo Lê Quốc Thế 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, bị cáo Thế (SN 1984, trú tại tổ dân phố Plei Dơng, thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro) là Trưởng trạm Y tế thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro.
Tuy chưa xin phép mở dịch vụ bán thuốc và tiêm vắc xin nhưng lợi dụng là Trạm trưởng nên Thế ngang nhiên tiến hành tiêm vắc xin trái luật, trong quá trình làm dịch vụ tiêm cho 3 cháu bé trong độ tuổi từ 4 đến 5 tháng, Thế tư vấn cần tiêm 3 mũi.
Mũi đầu, Thế tiêm đúng thuốc, mũi thứ hai lợi dụng sự thiếu hiểu biết của cha mẹ, Thế đã lừa phụ huynh để tiêm cho trẻ vắc xin 6 trong 1 nhưng thực chất chỉ tiêm vắc xin viêm gan B để hưởng tiền chênh lệch.
Sự việc được phát hiện khi người dân yêu cầu để lại vỏ thuốc để kiểm tra. Được biết, tổng số tiền mà Thế chiếm đoạt của các bị hại là 2,43 triệu đồng.
Lừa bán thuốc chữa bệnh trước cổng bệnh viện
Ngày 9/9/2019, trên báo VTV đưa tin, bệnh nhân N.T.O. (51 tuổi, quê ở Yên Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ) bị bệnh đau nhức xương khớp, đang điều trị nội trú tại Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Trong một lần ra ngoài cổng viện mua sắm cá nhân, bệnh nhân được một người đàn ông lại gần hỏi thăm, sau đó giới thiệu có một loại thuốc đặc biệt tên là "Bạch tiêu" được mua về từ một nơi rất xa, 8 năm mới có một lần.
Người đàn ông này giới thiệu loại thuốc này nếu uống một lần cả đời sẽ không mắc lại, giá bán được rao lên tới 12 triệu đồng/liều nhưng cũng chỉ còn một liều duy nhất.
Để nhanh chóng bán được thuốc, người đàn ông này gợi ý bệnh nhân gọi điện cho chồng, bảo chồng gửi tiền lên ngay để mua với lý do là nộp tiền viện phí, nếu không sẽ để lại thuốc cho người khác.
Do sợ mất cơ hội mua thuốc, đồng thời có tâm lý muốn mau chóng khỏi bệnh, trước những lời dụ dỗ ngon ngọt, bệnh nhân đã gọi điện ngay về nhà bảo chồng gửi tiền lên. Tuy nhiên, sau khi tham khảo ý kiến người nhà bệnh nhân O. đã nhận ra vấn đề và không bị người đàn ông trên lừa.
Được biết, hoạt động lừa đảo, gạ gẫm bệnh nhân mua "thần dược" với giá cao trước cổng các bệnh viện không phải chiêu trò mới và không hề hiếm.
Do đó, các đối tượng lợi dụng tâm lý hoang mang bất an của người bệnh để gạ gấm, rao bán các loại thuốc được quảng cáo là quý hiếm có công dụng tuyệt vời với giá cao cắt cổ nhưng thực tế có khi lại chỉ là một loại rễ cây nào đó.
>>> Xem thêm video: Lợi dụng Virus Corona để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(Nguồn: Truyền Hình Đồng Tháp)

Quang Thịnh (tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)