Tiền điện tăng vọt: Công tơ, cách ghi hóa đơn tin được không?

Google News

(Kiến Thức) - Việc hóa đơn tiền điện tăng vọt trong tháng 5/2020 khiến nhiều khách hàng sử dụng điện hoài nghi công tơ điện tử và cách ghi hóa đơn của EVN.

Mới đây khi ngành điện thông báo hóa đơn tiền điện của tháng 5, nhiều khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước đã kiến nghị, thắc mắc việc hóa đơn tiền điện tăng vọt, mặc dù đã có sự hỗ trợ giảm giá 10% theo chỉ đạo của Bộ Công Thương do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Số liệu của EVN cũng cho thấy, đã có tới hơn 3,1 triệu khách hàng sinh hoạt trên tổng số 26 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên cả nước (tương đương khoảng 11,92%) có mức tiêu thụ điện của tháng 5 cao hơn 30% so với tháng 4/2020, đặc biệt trong số này có tới gần 1 triệu khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng 50%, thậm chí có tới hơn 215 nghìn khách hàng có mức tiêu thụ điện tăng trên 300% so với tháng 4 trước đó.
Dù theo lý giải của EVN, do thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến việc tiêu thụ điện tăng rất cao, tuy nhiên, một số khách hàng vẫn hoài nghi về tính chính xác của công tơ điện, số liệu công tơ sai lệch khiến số tiền điện phải trả tăng cao. Khách hàng cũng hoài nghi về cách ghi hóa đơn không ấn định cụ thể ngày ghi số điện, khiến người dân không thực hiện được quyền giám sát.
Hoa don tien dien tang vot: Cong to, cach ghi hoa don tin duoc khong?
Việc hóa đơn tiền điện tăng vọt trong tháng 5/2020 khiến nhiều khách hàng sử dụng điện hoài nghi công tơ điện tử và cách ghi hóa đơn của EVN. 
Đáng chú ý, việc một số đơn vị liên tiếp trúng nhiều gói thầu mua sắm tập trung các mặt hàng công tơ điện tử, thiết bị ghi chỉ số điện của các tổng công ty điện lực cũng dẫn đến việc hoài nghi về chất lượng các thiết bị này.
Báo cáo EVN về tình hình mua sắm tập trung tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN cho thấy, trong năm 2018, EVN tổ chức mua sắm tập trung rất nhiều mặt hàng thiết bị điện để phục vụ sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp đã trúng nhiều gói thầu cung cấp công tơ điện tử, thiết bị ghi chỉ số lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2018, Công ty CP Thiết bị công nghiệp Hữu Hồng đã trúng 19 gói thầu mua sắm tập trung các mặt hàng công tơ điện tử, thiết bị ghi chỉ số cho hầu hết các tổng công ty điện lực của 3 miền với tổng giá trúng thầu lên tới 641,098 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX được EVN công bố trúng thầu 11 gói thầu mua sắm tập trung các mặt hàng: công tơ điện tử, biến điện áp trung thế, biến dòng điện hạ thế, biến dòng điện trung thế…với tổng giá trúng thầu 203,819 tỷ đồng.
Ngoài ra, một thành viên khác của GELEX là GELEX EMIC đã tham gia Liên danh GELEX EMIC - IFC - TSI trúng 3 gói thầu mua sắm tập trung khác có tổng giá trúng thầu 165,930 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Công ty CP Phát triển kỹ thuật công nghệ EDH là nhà thầu được EVN công bố trúng 10 gói thầu mua sắm tập trung do các thành viên của EVN làm bên mời thầu. Tổng giá trúng thầu của 10 gói thầu này là 269,573 tỷ đồng. Các mặt hàng được Công ty CP Phát triển kỹ thuật công nghệ EDH cung cấp gồm: công tơ điện tử, bộ tập trung…
Công ty CP Thiết bị điện trúng 8 gói thầu mua sắm tập trung do các thành viên của EVN mời thầu trong năm 2018 với tổng giá trị trúng thầu là 263,664 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đầu năm 2019, Công ty TNHH Thiết bị điện GELEX đã trúng gói thầu số 10 Công tơ điện tử 2019 - Công tơ điện tử 1 pha RF (đợt 5) tại EVN Hà Nội theo hình thức mua sắm trực tiếp với giá trúng thầu là 25,621 tỷ đồng (giá trùng khớp với giá gói thầu).
Trước đó, GELEX ELECTRIC đã trúng 3 gói thầu, gồm: Gói thầu 5 Công tơ điện tử 2019 - Công tơ điện tử 1 pha RF cấp cho khu vực ngoại thành (đợt 2), với giá trúng thầu là 18,634 tỷ đồng; Gói thầu 1 Công tơ điện tử 2019 - Công tơ điện tử 1 pha RF cấp cho khu vực ngoại thành, với giá trúng thầu là 27,951 tỷ đồng; Gói thầu Mua vật tư cho phương án thay thế TU C42 pha C trạm E1.31 Trôi bị hư hỏng, với giá trúng thầu là 57,75 triệu đồng…
Cũng tại EVN Hà Nội, báo chí đã từng phản ánh việc Công ty CP phát triển kỹ thuật công nghệ EDH liên tiếp trúng nhiều gói thầu trị giá hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 12/02/2020, EDH trúng gói thầu 7: Cung cấp máy biến áp, do Tổng công ty điện lực Hà Nội làm chủ đầu tư và cũng là đơn vị mời thầu, giá của gói thầu là 36.802.910.348 VNĐ, giá trúng 36.620.504.800 VNĐ. Hình thức lựa chọn là đấu thầu qua mạng, nâng tổng số các gói mà đơn vị đã trúng lên 24 gói. Trong đó các gói mua sắm công tơ điện các loại 3 pha và 1 pha cơ và điện tử, chiếm tới trên 50 %, còn lại là các gói mua sắm thiết bị khác.
Đáng chú ý, năm 2016, EDH đã trúng 9 gói tại Tổng công ty điện lực Hà Nội với tổng giá trị lên tới trên 200 trăm tỷ đồng. Năm 2015, trúng thầu gói số 05 dự án mua công tơ điển tử năm 2015 (công tơ điện tử 1 pha và 3 pha, công nghệ PLC và GPRS) với giá trúng là hơn 26 tỷ. Năm 2014, trúng gói mua sắm số 02, mua sắm công tơ điện tử năm 2014 (công tơ điện tử 3 pha nhiều biểu giá) với giá trúng thầu là 51.8 tỷ đồng. Năm 2013, trúng hai gói thầu số 3 (mua công tơ điện tử năm 2013 (công tơ 3 pha các loại) hơn 22 tỷ) và gói thầu số 6 mua sắm công tơ loại 3 pha một biểu giá 3 x10 (100) A- 230/400v hơn 13 tỷ.
Cũng theo tìm hiểu của PV Kiến Thức, hiện Trung tâm sản xuất thiết bị đo điện tử Điện lực miền Trung (CPCEMEC) đã cung cấp ra thị trường hàng triệu sản phẩm công tơ điện tử các loại và công nghệ thu thập số liệu công tơ hoàn toàn tự động RF-Spider tại nhiều tỉnh thành khắp cả nước.
Trong đó, tính đến cuối năm 2018, CPCEMEC đã cung cấp hơn 3,5 triệu sản phẩm công tơ điện tử cho Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) và các đơn vị khác. Cuối năm 2018, CPCEMEC đã vượt qua các nhà thầu khác về cung cấp công tơ điện tử và chính thức trúng thầu cung cấp 2 gói thầu với hơn 305.000 sản phẩm cho Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC).
Việc khách hàng nghi ngờ công tơ điện và cách ghi số liệu có đáng tin là có nguyên nhân khi mới đây, một khách hàng là anh Trần Việt Dũng tại Quảng Bình phản ánh việc bị ghi nhầm chỉ số điện gấp 33 lần (tháng 6, gia đình anh Dũng bị tính mức tiêu thụ điện là 18.274 kWh, trong khi tháng trước gia đình tiêu thụ mức 248 kWh) dẫn tới số tiền phải trả vọt lên 58 triệu đồng.
Đại diện Tổng công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC) cho biết đã yêu cầu Công ty Điện lực Quảng Bình kiểm tra xác minh lại việc tiêu thụ điện của khách hàng Trần Việt Dũng. Theo đó, sau khi kiểm tra 12 tháng gần nhất, khách hàng này thường tiêu thụ ở mức 210-300 kWh/tháng. Số tiền điện dao động khoảng 460.000-700.000 đồng/tháng. Điện lực Quảng Bình thừa nhận sai sót trong việc ghi chỉ số công tơ tháng vừa qua và sẽ phúc tra lại cho khách hàng.
Tháng 5 vừa qua, một khách hàng là hộ gia đình N.Đ.T - ngụ quận 9, TP HCM phản ánh việc chỉ số điện tháng 4 do chênh lệch gần 400 kWh so với chỉ số điện trên đồng hồ (tương đương số tiền điện phải trả tăng thêm hơn 930.000 đồng). Ngay sau đó, Điện lực Thủ Thiêm đã cử nhân viên kiểm tra lại và xác định nguyên nhân là do đồng hồ điện nhà khách hàng đặt trên cao, nhân viên ghi điện nhìn nhầm chỉ số.
Mới đây, lý giải về độ chính xác của điện kế (công tơ) và cách ghi chỉ số điện, EVN cho biết, các công tơ/điện kế đo lường lượng điện năng tiêu thụ khi được lắp đặt đều được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Thông tư số 07/2019/TT BKHCN ngày 26/7/2019. Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về đo lường đối với phương tiện đo nhóm 2.
Theo EVN, các công tơ đến hạn kiểm định sẽ được các đơn vị của ngành Điện thực hiện thay thế định kỳ bằng công tơ đã được kiểm định cho khách hàng.
EVN cũng cho hay, hiện tại các công tơ điện tử được thu thập chỉ số tiêu thụ điện hoàn toàn tự động và thực hiện từ xa. Đối với công tơ cơ khí được áp dụng việc ghi chỉ số bằng phần mềm trên máy tính bảng có các tính năng cảnh báo vượt sản lượng, các tính năng hỗ trợ phát hiện các số liệu bất thường để nhân viên ghi chỉ số thực hiện kiểm tra đảm bảo hạn chế tối đa việc xảy ra sai sót (nếu có) trong công tác ghi chỉ số và lập hóa đơn tiền điện.
Khách hàng sử dụng điện có quyền giám sát việc ghi chỉ số công tơ. Lịch ghi chỉ số công tơ được quy định trong hợp đồng mua bán điện và được Đơn vị Điện lực công khai, đảm bảo khách hàng biết, kiểm tra chỉ số công tơ và sản lượng điện tiêu thụ. Trên cơ sở lịch ghi chỉ số của từng khu vực được công bố công khai, khách hàng có thể giám sát công tác ghi chỉ số công tơ của Điện lực.
>>> Mời độc giả xem video Ngành điện TPHCM lý giải về tiền điện tăng cao 

Nguồn: VTC Now.


Người dân nên dùng điện tiết kiệm mùa nắng nóng
Theo EVN, tình hình tiêu thụ điện tăng rất cao, chủ yếu do nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh trong thời điểm thời tiết nắng nóng kéo dài, đặc biệt đợt nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ vừa qua là đợt nóng kéo dài kỷ lục trong 27 năm qua.
Theo chuyên gia. khi nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 10C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng từ 2 đến 3%. Nếu nhiệt độ ngoài trời tăng thêm 50C, lượng điện tiêu thụ của điều hòa tăng thêm 10%. Do đó, mặc dù thời gian sử dụng điều hòa không đổi nhưng khi nhiệt độ môi trường tăng và nhiệt độ trong phòng vẫn đặt ở mức không thay đổi thì lượng điện tiêu thụ của điều hòa vẫn tăng lên rất nhiều.
Bởi vậy, khi vào mùa nắng nóng, các hộ khách hàng sử dụng nhiều các thiết bị làm mát, nên tiêu thụ nhiều điện, nhất là máy lạnh. Bản thân các thiết bị làm mát cũng phải hoạt động nhiều hơn khi có sự chênh lệch lớn giữa nhiệt độ ngoài trời và trong phòng, nên càng tốn nhiều điện hơn. Do đó, người dân cần tiết kiệm điện theo nguyên tắc: “Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm…".
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)