Vào lúc hơn 12h trưa nay (31/12), trên hệ thống theo dõi chất lượng không khí thời gian thực IQAir, chỉ số ô nhiễm của Hà Nội đã xuống vị trí thứ 6 thế giới. Chỉ số chất lượng không khí (AQI) trưa nay là 191.
Trước đó, 9h sáng qua ngày (30/12), ứng dụng này xếp Hà Nội ô nhiễm top 1 thế giới với AQI là 240 - ngưỡng tím.
Tới trưa ngày hôm qua (30/12), Hà Nội đã nâng lên vị trí ô nhiễm thứ 2 thế giới, với chỉ số chất lượng không khí (AQI) là 227 chỉ cách thành phố ô nhiễm nhất thế giới là 1 (Karachi, Pa-ki-xtan là 228). Chỉ số AQI 227 được xếp vào ngưỡng màu tím (từ 201-300) không tốt cho sức khoẻ.
|
Nguồn iqair.com |
Một số khu vực ở Hà Nội ghi nhận chỉ số AQI cao như phố Quảng Khánh và phố Tô Ngọc Vân, quận Tây Hồ; phường Cự Khối, quận Long Biên; đường Lê Duẩn, quận Hoàn Kiếm.
Nồng độ PM2.5 (nồng độ bụi mịn trong không khí) tại Hà Nội hiện là 163 µm/m3, cao gấp 32,5 lần giá trị theo hướng dẫn về chất lượng không khí hàng năm của WHO.
TS Nguyễn Văn Khải - Chuyên gia môi trường vấn đề ô nhiễm, cần phải có các biện pháp quản lý tổng thể và lâu dài từ chính quyền. Thành phố cần chú trọng là khuyến khích sử dụng xe điện, đặc biệt là các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt điện, tàu điện trên cao vừa giúp giảm lượng khí thải, vừa cải thiện chất lượng không khí.
Ngoài ra, Hà Nội cần tăng cường kiểm soát chất thải từ các nhà máy và khu công nghiệp lân cận, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện quy trình xử lý chất thải nghiêm ngặt hơn để bảo đảm khí thải không vượt quá mức cho phép.
Đối với các công trình xây dựng, cần phải thực hiện các biện pháp che chắn bụi tốt hơn, đồng thời yêu cầu các nhà thầu tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Vị chuyên gia cũng khuyến cáo, việc sử dụng vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường và thực hiện các biện pháp giảm phát thải bụi từ các công trình xây dựng cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm không khí tại Hà Nội.
|
Nguồn iqair.com |
Trong điều kiện chất lượng không khí xấu, chuyên gia Cục Quản lý Môi trường Y tế khuyến cáo, người dân nên sử dụng phương tiện giao thông công cộng, tránh tập thể dục ngoài trời hoặc nếu bắt buộc phải ra đường thì nên đeo khẩu trang, đóng cửa sổ, cửa ra vào để tránh không khí ô nhiễm bên ngoài.
Theo WHO, PM2.5 là chất gây ô nhiễm phổ biến và nguy hiểm. Với kích thước 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn, các hạt bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu, gây ra các bệnh về hô hấp và tim mạch.