Nhiều hàng hơn!
6 giờ sáng mỗi ngày, bà Yến – chủ tiệm tạp hoá Ngọc Yến, đường số 8, P.11, Gò Vấp, TP.HCM, đã mở cửa, trưng bày hàng hoá theo từng khu vực. Hai năm trước, tiệm Ngọc Yến bề ngang ước chừng 6m chuyên bán sữa các loại, bánh kẹo (có cả hàng xách tay), nước ngọt, thực phẩm chế biến, đồ hộp (nhiều mặt hàng ngoại)… Nhưng sau đó, tiệm mở rộng mặt tiền bằng cách chuyển đổi hai căn nhà liền kề với nhiều mặt hàng về thực phẩm như gạo, nước ngọt, đồ nhựa gia dụng, đồ chơi trẻ em… Bà Yến chỉ mang máng nhớ tiệm bán “vài ba trăm mặt hàng gì đó”. Đúng là không thua kém gì một siêu thị “mini”!
|
Ngọc Yến – tiệm tạp hóa có quy mô như một siêu thị mini. |
Nhiều tiệm ở Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình… (TP HCM), Biên Hoà (Đồng Nai)… cũng bắt đầu sáng sủa hơn như có biển hiệu (do các hãng sản xuất tài trợ), nhiều hàng hoá, không gian thoáng mát hơn… Bà Thảo, chủ một tiệm tạp hoá ở Phú Nhuận, nói: “Ngày nào cũng có nhân viên kinh doanh của các hãng nước ngọt, dầu ăn, bột ngọt, mì tôm, sữa, nước mắm…, tới chào hàng. Họ nói sẽ tài trợ bảng hiệu để nhiều khách hàng biết và để tiệm đẹp hơn. Thấy đâu có thiệt nên để họ làm và tui chăm sóc hàng của họ kỹ hơn”.
Dễ mua hơn!
Ông Hoàng (Thủ Đức, TP.HCM) quen mua hàng như sữa, mì tôm, bột ngọt, bánh ngọt… tại một tiệm tạp hoá quen trên đường Hoàng Diệu 2. Theo ông, mua hàng ở tiệm tạp hoá có nhiều điểm lợi: đã là khách quen sẽ không bị chặt chém, chỉ cần nói đúng mặt hàng cần, người bán sẽ đưa hàng và lấy tiền; không phải gởi xe, chỉ cần chống chân xe trong vài phút là mua được hàng…
Bà Ngân (Phú Nhuận, TP.HCM) gần đây thay đổi thói quen mua sắm: chỉ đi siêu thị để mua những mặt hàng mà… tiệm tạp hoá không có! “Còn những gì cần thiết cho sinh hoạt gia đình như nước mắm, xì dầu, càphê…, tôi thấy mấy tiệm tạp hoá gần nhà đều có. Hết tới đâu mua tới đó, mà giá nhiều mặt hàng ở tiệm tạp hoá lại rẻ hơn mua ở siêu thị”. Một gói càphê hoà tan của Vinacafé giá tại tiệm tạp hoá Ngọc Yến là 48.000đ, trong khi đó tại Satrafood có giá bán là 55.500đ.
Vợ chồng ông Nguyên (Gò Vấp, TP.HCM) cũng hay chọn tiệm tạp hoá Phương Phát gần nhà để mua những món mà không cần phải xách xe chạy ra siêu thị. “Đã đi siêu thị thì phải mua nhiều, còn mua ít, chạy qua tiệm tạp hoá cho khoẻ, khỏi mất thời gian gởi xe, chờ xếp hàng trả tiền, nhất là vào những ngày cuối tuần người mua quá đông”, ông Nguyên nói.
Là dân văn phòng nhưng bà Mai Khôi (Bình Thạnh, TP.HCM) cũng là một trong những “tín đồ” của những tiệm tạp hoá gần nhà. Theo lời bà Khôi, chỉ cần dừng xe, nói rõ lấy những mặt hàng nào, nhân viên bán hàng (cũng là nhân viên của các hãng sản xuất) lấy đúng hàng, kèm theo hoá đơn in bằng máy, thỉnh thoảng có gởi quà khuyến mãi kèm theo.
Bắt đầu sống được
Nếu trước đây, tiệm tạp hoá là “tay trái” trong thu nhập thì nay, tiền lời của tiệm tạp hoá, trừ những tiệm lớn như Ngọc Yến, có thể “đắp đổi qua ngày” với những chủ tiệm đã đến tuổi về hưu như gia đình bà Thảo ở Phú Nhuận. Bà Thảo nhẩm tính, nếu bán một ngày được 500.000đ sẽ lời được khoảng 100.000đ. “Có ngày kiếm được vài trăm ngàn. Ngoài đồng tiền lời mỗi ngày, cái được của tiệm là có sẵn những gì cần thiết cho cuộc sống hàng ngày như gạo, nước mắm... Với lại, tuổi đã lớn rồi, chịu khó bán buôn sống qua ngày, không phải phụ thuộc vào con cái”, bà Thảo chia sẻ.
Tiệm tạp hoá của bà Bùi (Biên Hoà, Đồng Nai) đã tồn tại trên 20 năm nay. Với bề ngang 5m của căn nhà mặt tiền tại thành phố Biên Hoà, bà Bùi đã nuôi “10 con với 1 chồng” bằng tiệm tạp hoá này. Nay, tuổi đã ngoài 70, bà Bùi giao quyền trông nom tiệm tạp hoá cho cô gái kế út. Trước đó, con gái đầu của bà cũng mở một tiệm tạp hoá khi ra ở riêng. Bà Bùi nói rằng, dù tiền lời thấp, chôn vốn nhiều nhưng công việc nhàn hạ, nếu biết cách bán buôn cũng đủ sống!
Đâu dễ chết!
Khi mô hình siêu thị, cửa hàng tiện lợi bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, mô hình “tiệm tạp hoá” sẽ... lụi tàn! Quả nhiên, ban đầu có nhiều tiệm tạp hoá đã “chết” nhưng sau đó, nhiều tiệm tạp hoá bắt đầu xuất hiện ở những mô hình dân cư mới: chung cư, khu đô thị mới… Ngay cả tại các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội…, tưởng chừng “tiệm tạp hoá” sẽ bị xoá sổ, nhưng đây chính là những địa bàn có số lượng tiệm tạp hoá lớn nhất nước.
Năm 2015, trong một khảo sát của Nielsen Việt Nam, Việt Nam có 1,4 triệu tiệm tạp hoá. Ông Nguyễn Anh Dũng, trưởng bộ phận dịch vụ đo lường bán lẻ Nielsen Việt Nam cho rằng, để đưa sản phẩm đến tận tay tiệm tạp hoá nhằm “mở rộng kênh phân phối và tăng doanh thu, là một trò chơi đầy thử thách cho các nhà sản xuất”.
Biết là khó với nhiều lý do như: nằm trong hẻm, miền quê, lượng hàng ít…, nhưng các nhà sản xuất không thể bỏ qua mô hình tiệm tạp hoá đang trong quá trình hồi phục về số lượng lẫn chất lượng phục vụ của mô hình này. Theo một chuyên gia về bán lẻ, với những khó khăn mang tính đặc thù của tiệm tạp hoá nên các nhà sản xuất cần xác định, đâu là những tiệm tạp hoá không chỉ có chức năng bán lẻ; mà còn có chức năng bán sỉ để chăm sóc, cung ứng hàng hoá, cũng như tổ chức các chương trình khuyến mãi. “Các nhà sản xuất nên thoát ra khỏi vùng an toàn của mình, tìm kiếm và đầu tư vào các thị trường mới để chủ động kiểm soát được sự biến động về mức tăng trưởng, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững hơn”, ông Dũng của Nielsen Việt Nam, nói rõ hơn. Mô hình mà ông Dũng muốn đề cập đến chính là tiệm tạp hoá!