Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, trong vòng 5 năm (từ 2010-2014), tổng diện tích rừng Tây Nguyên đã giảm tới hơn 300.000 ha, độ che phủ của rừng chỉ còn 48,5%.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, diện tích rừng tự nhiên giảm do chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, cây công nghiệp, cây ăn quả là 110.000ha, chiếm 40,3%; chuyển rừng sang mục đích xây dựng công trình thủy điện, giao thông... 37.000ha, chiếm 13,8%; do phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lấy đất canh tác gần 123.000ha, chiếm 45%...
Trước tình hình đó, tại hội nghị về Các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu ngày 20/6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra lời cảnh báo: “Nếu không nhanh chóng chấn chỉnh thì rừng Tây Nguyên sẽ kiệt quệ, hậu quả sẽ khôn lường”.
Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ sẽ đóng tất cả các cửa rừng tự nhiên".
Đó là thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ.
|
Rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: Lao Động. |
Dư luận đồng tình ủng hộ, người dân tin tưởng và hi vọng bởi đây không phải là lần đầu tiên chúng ta đóng cửa rừng.
Trước đây, chúng ta cũng đã từng tuyên bố đóng cửa rừng, nhưng máu của rừng bao năm qua vẫn chảy. Tại sao?
Câu trả lời đã có.
Gạt sang một bên những nguyên nhân mà Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nêu trên thì còn những nguyên nhân khác khiến cho rừng bị hủy hoại nhanh hơn. Bởi cửa rừng đã đóng nhưng then không cài, khóa không móc. Và điều này mới thật quan trọng: Người canh cửa rừng có lúc, có nơi trở thành đồng lõa của lâm tặc!
Dù đã có những tấm gương của các lực lượng chức năng xả thân bảo vệ rừng, thậm chí máu của họ đã đổ trước sự hung hăng của lâm tặc nhưng không thể phủ nhận thực tế đáng buồn nói trên.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Đức Luyện khẳng định: “Nguyên nhân mất rừng nhưng không làm rõ nguyên nhân, không làm rõ được trách nhiệm vì có... quân ta trong đó”.
Còn ông Nguyễn Bốn - chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông thì chỉ rõ: “Lợi dụng chủ trương giao đất, giao rừng, nhiều cán bộ công an, kiểm lâm... đã thâu tóm đất, sang nhượng đất rừng để kiếm lời dẫn đến việc rừng bị phá tan hoang”.
Nguyên Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp Ban chỉ đạo nhà nước về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (2011-2020) do Bộ NN&PTNT tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) năm ngoái cũng đã kết luận: “Trong rất nhiều vụ vi phạm lâm luật có nhiều lực lượng ngầm đứng đằng sau".
Hỏi sao rừng không tan hoang bởi sự tiếp tay của những "lâm tặc" nắm trong tay quyền hành, được giao trọng trách bảo vệ rừng?
“Cây gỗ chứ đâu phải cây kim sợi chỉ mà dễ giấu, dễ lọt? Để đưa gỗ từ trong rừng ra phải đi qua nhiều trạm kiểm lâm, đồn biên phòng, vậy mà xe gỗ vẫn chạy ào ào là cớ làm sao?", ông Y Đ’hăm ÊNuôl - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk (nay là trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk) bức xúc đặt nghi vấn.
Gần đây, VTV phát sóng các phóng sự phản ánh nạn phá rừng xảy ra giữa ban ngày ban mặt ở các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk.
Tại Đắk Lắk, hình ảnh ghi được qua ống kính phóng viên cho thấy để chở gỗ trót lọt, lâm tặc phải nộp phí “mãi lộ” cho từng trạm kiểm soát lâm sản, mỗi lần từ vài trăm đến 1 triệu đồng. Nhân viên gác trạm chỉ làm mỗi một nhiệm vụ là chạy ra nhận tiền một cách công khai khi có xe gỗ đi qua. Vậy mà khi hỏi đến trách nhiệm thì chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng lại đùn đẩy cho nhau. Việc đã hai năm rõ mười như thế nhưng rốt cuộc cho đến nay vẫn chưa xử lí được ai.
Thế đấy, máu của rừng vẫn chảy. Lâm tặc và những kẻ bảo kê cho lâm tặc cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Chuyện phá rừng không chỉ có hôm nay mà đã xảy ra từ quá khứ xa xăm, cách đây bốn năm chục năm về trước.
Ban đầu nó được gọi bằng mĩ từ đã đi vào thơ ca một thuở: "Khai phá rừng hoang"', nó trở thành khẩu hiệu hành động cổ vũ mọi người. Khai phá rừng lúc bấy giờ là chỉ tiêu phấn đấu, là thành tích đầy tự hào của các địa phương. Chẳng có gì là khó hiểu trước cái sự ấu trĩ ấy của một thời mà miếng cơm manh áo ghì sát đất.
Chúng ta đã quá sai lầm khi gọi rừng là hoang để khai phá nó nhưng "khai" thì ít mà "phá" thì nhiều.
Tây Nguyên là một ví dụ điển hình cho sự "khai phá" không thương tiếc ấy để bây giờ chúng ta có một kết cục buồn: Độ che phủ của rừng chỉ còn 48,5%. Vùng đất giàu tiềm năng ấy đang đối mặt với hạn hán nghiêm trọng xảy ra hằng năm.
Những ai đã có mặt ở Tây Nguyên từ 40 năm trước sẽ hiểu rõ hơn ai hết sự tàn phá khốc liệt của con người. Rừng hoang, đại ngàn chỉ còn trong cổ tích.
Đối với người Tây Nguyên, rừng không chỉ là nguồn sống vật chất mà còn là văn hóa, là tâm linh, là hồn cốt của một vùng đất huyền thoại. Phá rừng là phá hoại đời sống vật chất nhưng đau đớn hơn đấy là sự hủy diệt những giá trị văn hóa tinh thần đã có từ ngàn năm nay của đồng bào các dân tộc ít người ở đây.
Bởi thế mất rừng là mất Tây Nguyên, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định.
Chúng ta không thể chậm trễ hơn nữa. Thủ tướng đã phát lệnh. Lòng dân đã đồng thuận. Các cấp các ngành, các địa phương hãy vì một Tây Nguyên phát triển bền vững mà hành động, mà thực thi nghiêm minh mệnh lệnh của Thủ tướng.
Để cứu rừng, chủ trương, giải pháp đúng đắn thôi chưa đủ mà quan trọng hơn đấy là con người, trước hết là các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ quản lí, bảo vệ rừng. Họ phải là người đầu tiên chấp hành mệnh lệnh của Thủ tướng.
Chỉ có như thế mới cứu được rừng, để không còn nghe tiếng rừng tuyệt vọng, để những cánh rừng đại ngàn lại hồi sinh và dòng Sêrêpôk hùng vĩ tiếp tục cất lên bản trường ca huyền thoại của mình.