Thầy cúng trộm vàng miếu Bà Chúa xứ: Rắp tâm trục lợi!

Google News

Hành vi thầy cúng trộm cắp tài sản ngay tại nơi tâm linh cho thấy người này không thành tâm, chỉ rắp tâm trục lợi. Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật.

Công an huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vừa tạm giữ hình sự Lê Đại Vũ (SN 1989, TP Cà Mau) về hành vi Trộm cắp tài sản.
Vũ hành nghề thầy cúng và thường được người dân thuê để thực hiện các nghi thức cúng lễ tại miếu Bà Chúa xứ Vàm sông Ông Đốc (thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời). Đây là nơi tâm linh nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ.
Tuy nhiên, lợi dụng việc làm thầy cúng, Vũ đã có hành vi trộm sợi dây chuyền vàng 18K, trọng lượng 1,4 lượng, trị giá 50 triệu đồng trên tượng Bà Chúa xứ. Số vàng này do những chủ tàu cá ở địa phương cúng tiến miếu Bà Chúa xứ.
Khi công an vào cuộc điều tra đã xác định thầy cúng Lê Đại Vũ chính là nghi phạm, số vàng trên được Vũ giấu trong người. Vũ thừa nhận với cán bộ công an về hành vi trộm tài sản ở miếu Bà Chúa xứ Vàm sông Ông Đốc.
Thay cung trom vang mieu Ba Chua xu: Rap tam truc loi!
Đối tượng Lê Đại Vũ 
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa văn học ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, vụ việc thầy cúng trộm vàng ở nơi tâm linh không chỉ vi phạm pháp luật mà còn cho thấy vấn nạn về mê tín dị đoan hiện nay.
Theo ông Vĩ, hành nghề thầy cúng một phần đáp ứng tín ngưỡng của một bộ phận người dân. Tuy nhiên, đa phần, họ thực hành những mê tín dị đoan.
Mê tín dị đoan có xu hướng lan tỏa trong cuộc sống hiện nay. Những năm gần đây, trong công cuộc chống Covid-19, làm ăn khó khăn, đứt đoạn không được như kỳ vọng, xu hướng mê tín dị đoan trong một bộ phận người dân càng tăng lên. Họ không chỉ tìm đến cúng bái tại đình, đền, chùa…mà một số dị giáo cũng có dịp lan truyền.
Từ nhu cầu cúng bái tăng, rất nhiều thầy cúng vi phạm pháp luật về bài trừ mê tín dị đoan. Nhiều khi họ mượn cái gọi là tự do tín ngưỡng, nhưng thực chất lại tuyên truyền mê tín. 
Đối với người hành nghề thầy cúng, buôn thần bán thánh, lợi dụng ăn cắp, ăn trộm của đền, đình, miếu…đó cũng là hành vi cá nhân, cũng là những vi phạm pháp luật và pháp luật phải điều chỉnh, xử lý.
Ông Vĩ cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần có giải pháp để người dân tỉnh ngộ không sa vào mê tín dị đoan. Khi vướng vào mê tín sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ cho gia đình mà còn với xã hội, làm cho dân trí, sự phát triển văn minh xuống cấp.
“Hiện tại chúng ta đang xây dựng nền văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại, tiên tiến văn minh thì vấn nạn mê tín dị đoan đi ngược lại pháp luật, ngược lại chủ trương phát triển của Đảng, Nhà nước”, ông Vĩ nêu ý kiến.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng, rõ ràng hành vi thầy cúng trộm cắp tài sản ngay tại nơi tâm linh cho thấy người này không thành tâm, chỉ rắp tâm trục lợi.
Trong tín ngưỡng, tất cả tôn giáo đều quy những cái đó vào tội phạm và nghiệp chướng. Pháp luật cũng có những điều khoản điều chỉnh hành vi trộm cắp tài sản. Do đó về mặt luật pháp sẽ điều chỉnh bằng các mức phạt từ hành chính cho đến hình sự. Qua vụ việc trên cũng thấy những tồn tại của những người hành nghề thầy cúng và cần xử lý, chấn chỉnh.
>>> Mời độc giả xem thêm video Mê tín dị đoan, tiền mất tật mang và câu chuyện Vợ hạ sát Chồng tại Đồng Tháp

Nguồn: STV


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)