Hai bị cáo Lê Thanh Vân, cựu Đại biểu Quốc hội và Nguyễn Văn Vương, cựu Chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Cùng hầu tòa còn có bị cáo Phạm Minh Cường (Cường “quắt”, 3 tiền án, trú tại xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) bị xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”; Nguyễn Văn Phương (trú tại xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
|
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng tại tòa. |
Tham gia phiên xét xử có 3 luật sư bào chữa cho bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân; 8 người có quyền, nghĩa vụ liên quan, trong đó có nhóm người liên quan dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III, tỉnh Bắc Ninh), do từng đưa số tiền 300.000 USD cho bị cáo Lưu Bình Nhưỡng; 4 người làm chứng được tòa triệu tập có bà Phạm Thị Mỹ Dung, vợ bị cáo Nhưỡng.
Cưỡng đoạt của Chi nhánh Công ty Sao Đỏ là gần 5 tỷ đồng
Cơ quan tố tụng xác định, hành vi phạm tội của ông Lưu Bình Nhưỡng và các bị cáo thể hiện ở 5 sự vụ gồm: vụ cưỡng đoạt tài sản của Công ty TNHH MTV kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc giải quyết vụ án dân sự xảy ra tại TAND TP Hải Phòng để hưởng lợi; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc phê duyệt Dự án Quế Võ III, tỉnh Bắc Ninh để hưởng lợi; vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp việc phê duyệt Dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh để hưởng lợi và vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp vào Dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn (thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) để hưởng lợi.
Cáo trạng truy tố của Viện KSND tỉnh Thái Bình nêu rõ, năm 2016, Vũ Đăng Phương (họ hàng của nhà Cường "quắt") cùng một số người tự ý lấn chiếm, cắm cọc và khai thác quản lý trái phép 180 ha bãi triều, phần lớn diện tích bãi triều này trùng với mỏ cát của chi nhánh Công ty TNHH một thành viên kinh doanh khai thác vật liệu xây dựng Sao Đỏ được cấp phép khai thác.
Cường cùng Phương cắm cọc, vây phần diện tích bãi triều trái phép và khẳng định khu vực này thuộc quyền quản lý của Cường nhằm ép buộc chi nhánh công ty Sao Đỏ phải trả tiền theo khối lượng cát khai thác (1.500 đồng/m3), nếu không đồng ý, Cường sẽ gây cản trở, không cho các tàu của công ty đi vào khu vực mỏ để khai thác, vận chuyển cát đi qua.
Từ tháng 9-12/2020, Chi nhánh Công ty Sao Đỏ buộc phải trả cho Cường số tiền 3,313 tỷ đồng.
Quá trình đi lại khai thác cát, các tàu chở cát của Chi nhánh Công ty Sao Đỏ va chạm làm đổ cọc, vây tại vị trí bãi triều được xác lập trái phép nằm trên địa phận biển của TP Hải Phòng, nhiều lần xô xát, đánh nhau với nhóm của người quản lý đối diện bãi triều 45ha. Thấy không an toàn khi khai thác cát, nên từ tháng 1/2021, Chi nhánh Công ty Sao Đỏ tạm dừng việc khai thác cát và không trả tiền cho Cường. Bị thất thu, Cường nảy sinh ý định nhờ ông Lưu Bình Nhưỡng giúp.
Trong tháng 5 và tháng 6/2021, Cường, Phương nhiều lần đến gặp ông Nhưỡng. Cường nói việc làm ăn đang khó khăn, do bị nhóm dân xã hội đen quấy phá nên Chi nhánh Công ty Sao Đỏ không tiếp tục khai thác cát nữa, bị thất thu nhờ ông Nhưỡng can thiệp giúp. Ông Nhưỡng nói sẽ điện cho Phó Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình để giúp, nhưng không gọi điện can thiệp ngay.
Để ông Nhưỡng can thiệp giúp, Cường rủ vợ chồng ông Nhưỡng đầu tư mua bãi triều cắm, lập trái phép; Cường và Phương đã 2 lần đưa ông Nhưỡng cùng một số người bạn của ông Nhưỡng, trong đó có ông Lê Thanh Vân đi ra biển chơi, khảo sát tại các bãi triều và các mỏ cát đã được cấp phép, dự kiến cấp phép trên vùng biển xã Thụy Trường.
Cuối tháng 7/2021, vợ chồng ông Nhưỡng đồng ý mua 30ha bãi triều cắm trái phép, là diện tích nằm trong diện tích 100ha bãi triều của Cường tự cắm trái phép, lấn chiếm từ trước với giá 900 triệu đồng. Vợ chồng ông Nhưỡng đồng ý mua 30ha trên và đã giao cho Cường quản lý, sử dụng, khai thác.
Cường khai rằng, thực tế diện tích 30ha này chưa khai thác, sử dụng do chưa có công ty nào khai thác, nhưng Cường vẫn nói với vợ ông Nhưỡng, mỗi tháng sẽ đưa cho vợ chồng bà 60-80 triệu đồng vì vẫn đang nhờ vả ông Nhưỡng.
Ngày 27/12/2021, bà Dung nhắn tin hỏi lợi nhuận thì Cường tự tính số tiền phải đưa cho vợ chồng ông Nhưỡng khoảng 400 triệu đồng, nhưng Cường chưa chuyển vì bà Dung thống nhất gom tiền mua thêm mảnh đất gần khu trang trại của nhà Cường.
Để gây thanh thế, tạo thuận lợi cho bị can Cường làm ăn, ông Nhưỡng còn đưa Cường đi cùng đến Đồn Biên phòng, gặp chính quyền xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy. Biết tin Cường có ông Nhưỡng giúp đỡ, đối thủ bỏ đi nơi khác làm ăn.
Ngày 28/4/2022, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khởi tố, bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Minh Cường về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Trong thời gian này, Phương tiếp tục ra khu vực mỏ, đếm tàu chở cát để thu tiền thêm 3 tháng. Tổng số tiền Cường và đồng phạm đã cưỡng đoạt của Chi nhánh Công ty Sao Đỏ là gần 5 tỷ đồng.
|
An ninh phiên tòa được thắt chặt. |
Can thiệp việc giải quyết vụ án dân sự xảy ra tại TAND Hải Phòng
Theo cáo trạng, Bùi Văn Thao thua kiện, toà đã xét xử sơ thẩm, tuyên buộc vợ chồng người này phải bàn giao nhà, đất cho nguyên đơn.
Đang làm thuê cho Cường, biết Cường và ông Nhưỡng có quan hệ thân thiết nên anh Thao nhờ Cường nói với ông Nhưỡng để can thiệp với TAND TP Hải Phòng, xử theo hướng có lợi cho mình trong phiên tòa phúc thẩm. Nếu giữ được mảnh đất, anh Thao sẽ cắt ra lô đất 100m2, bán đi lấy tiền để cảm ơn ông Nhưỡng. Cường đồng ý đến gặp và nhờ ông Nhưỡng. Ông Nhưỡng đồng ý, bảo anh Thao viết đơn. Anh Thao nhiều lần làm đơn và gửi các tài liệu kèm theo cho ông Nhưỡng nhưng ông chưa can thiệp ngay để giúp.
Tháng 12/2020, ông Nhưỡng lấy tư cách đại biểu Quốc hội, ký văn bản kiến nghị Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Giám đốc Công an TP Hải Phòng chỉ đạo xem xét giải quyết vụ việc của anh Thao. Đầu tháng 2/2021, Cường, Phương, anh Thao và thợ mộc mang bộ cánh cổng gỗ, trị giá 75 triệu đồng đến nhà thờ của gia đình ông Nhưỡng lắp đặt.
Tháng 3/2021, cơ quan điều tra và tố tụng đã phản hồi lại ông Lưu Bình Nhưỡng và khẳng định đơn thư của anh Thao không có căn cứ xử lý. Ngày 31/5/2021, ông Nhưỡng tiếp tục gửi kiến nghị lên cơ quan tố tụng.
Ngày 24/6/2021, TAND TP Hải Phòng mở phiên tòa phúc thẩm, kết quả giữ nguyên nội dung như bản án sơ thẩm. Ông Nhưỡng tiếp tục hướng dẫn anh Thao về làm đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, nhưng anh Thao thấy không có kết quả nên không làm đơn như ông Nhưỡng hướng dẫn.
Lợi dụng chức vụ quyền hạn can thiệp việc phê duyệt dự án ở Bắc Ninh
Năm 2020, anh Nguyễn Thế Mạnh, Giám đốc Công ty CP tập đoàn Mạnh Đức và anh Nguyễn Trọng Phong, chung vốn thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp Quế Võ III (gọi tắt là dự án Quế Võ III), tuy nhiên, thời gian chờ đợi phê duyệt bị kéo dài. Hai người này nhờ anh Nguyễn Văn Đức (SN 1984) tìm người can thiệp giúp. Anh Đức đồng ý và nói sẽ nhờ ông Nhưỡng.
Sáng 15/3/2021, anh Đức cùng anh Mạnh đến gặp bị can Nhưỡng tại phòng làm việc, nhờ ông Nhưỡng can thiệp giúp để dự án nhanh được phê duyệt, bị can Nhưỡng đồng ý và bảo anh Mạnh về làm “Đơn kêu cứu khẩn cấp”, tập hợp hồ sơ dự án gửi cho mình.
Sau khi tiếp nhận đơn, ông Nhưỡng viết phiếu chuyển đơn. Trong lúc viết phiếu, ông nói nhỏ với họ: “Xong việc đưa chú ba trăm ngàn”.
Ngày 26/3/2021, khi biết công ty đã được phê duyệt thực hiện Dự án Quế Võ III nhưng lại có đơn thư, họ tiếp tục nhắn tin, gọi điện nhờ ông Nhưỡng can thiệp.
Ngày hôm sau, ông Nhưỡng gọi điện cho một bộ trưởng và nhận thông tin, dự án đã được phê duyệt nên bộ không trình thu hồi. Ông Nhưỡng nhắn tin báo cho anh Đức biết việc dự án không bị thu hồi. Nghe tin, anh Đức gọi điện thoại cám ơn, trong lúc nói chuyện, ông Nhưỡng nhắc lại việc hôm trước (anh Đức hiểu là ông Nhưỡng nhắc số tiền 300 nghìn USD). Chiều 29/3/2021, họ chuẩn bị đủ 300 nghìn USD để trong một túi vải màu đen và đưa cho ông Nhưỡng vào tối cùng ngày tại nhà của ông Nhưỡng. Gia đình ông Nhưỡng đã nộp lại cho Cơ quan điều tra 300 nghìn USD để giải quyết theo pháp luật.
Can thiệp việc phê duyệt dự án ở Quảng Ninh
Cáo trạng nêu rõ, sau khi dự án được phê duyệt, từ năm 2011 đến năm 2016, Công ty TNHH dịch vụ vận tải Hạ Long (gọi tắt Công ty Hạ Long) chỉ thực hiện được một phần dự án khu dân cư dịch vụ phía Bắc kênh làm mát Nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh (gọi tắt là Dự án 36ha). Do chậm tiến độ nên UBND tỉnh Quảng Ninh đã quyết định chấm dứt hoạt động đầu tư đối với dự án này.
Do muốn tiếp tục được thực hiện dự án, vợ chồng ông Nguyễn Công Hoan, Giám đốc Công ty Hạ Long tìm người để nhờ tác động với cơ quan có thẩm quyền và đã được kết nối để gặp bị can Nguyễn Văn Vương (thời điểm đó là chuyên viên Vụ Pháp luật - Văn phòng Chủ tịch nước) để nhờ giúp. Vương yêu cầu Công ty Hạ Long đưa 7 tỷ đồng và đưa trước 4 tỷ đồng để Vương đi lại, quan hệ tác động. Ông Hoan đồng ý.
Sau khi nhận một phần tiền, Vương hướng dẫn Công ty Hạ Long làm đơn kiến nghị, đơn kêu cứu khẩn cấp gửi Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Ninh và gửi ông Lưu Bình Nhưỡng. Khi ông Nhưỡng chuyển đơn của Công ty Hạ Long đến UBND tỉnh Quảng Ninh thì Vương yêu cầu Công ty Hạ Long phải trích 10% đất Dự án 36ha cho Vương.
Quá trình nhờ can thiệp, Vương đã nói sẽ cho ông Nhưỡng lô đất diện tích 491,05m2 ở xã Vân Nội, huyện Đông Anh (Hà Nội) và hứa sẽ cho 1.000m2 ở Dự án 36ha. Vương đã đề nghị ông Nhưỡng làm thủ tục đứng tên sở hữu 1 lô đất, có diện tích 491,05m2 ở xã Vân Nội, ông Nhưỡng đồng ý và để con gái đứng tên.
Ông Nhưỡng đã có 2 văn bản kiến nghị đến Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tuy nhiên, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có 2 văn bản trả lời không đồng ý cho Công ty Hạ Long tiếp tục đầu tư dự án.
Cũng theo cáo trạng, thấy việc can thiệp của mình chưa đạt kết quả, để tiếp tục tạo sức ép đến các cấp có thẩm quyền, ông Nhưỡng giới thiệu Vương gặp ông Lê Thanh Vân (thời điểm đó là đại biểu Quốc hội khoá XIV) nhờ can thiệp. Trong 6 tháng cuối năm 2020, ông Vân ký 4 văn bản kiến nghị gửi đến các cấp có thẩm quyền cho Công ty Hạ Long tiếp tục thực hiện Dự án 36ha.
Quá trình nhờ can thiệp, Vương nói sẽ cho ông Vân 1 lô đất diện tích 406,60m2 ở xã Vân Nội và hứa sẽ cho 1.000m2 ở dự án 36ha. Để ông Vân có động lực, Vương đã bảo ông Vân làm thủ tục đứng tên sở hữu lô đất diện tích 406,60m2 ở xã Vân Nội. Ông Vân chuyển căn cước công dân của con trai để làm thủ tục đứng tên hộ. Đối chiếu bảng giá, xác định lô đất diện tích 491,05m có trị giá hơn 1,8 tỷ đồng; lô đất diện tích 406,60m có trị giá hơn 1,5 tỷ đồng.
Về trị giá diện tích đất, Vương hứa cho ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Lê Thanh Vân (mỗi người 1.000m2), nếu Công ty Hạ Long được thực hiện Dự án 36ha, đối chiếu với bảng giá đất (1,95 triệu đồng/m2), ông Nhưỡng và ông Vân mỗi người sẽ được hưởng là 1,95 tỷ đồng, Vương sẽ được hưởng hơn 26 tỷ đồng.
Dự án thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại đồi Bắc Sơn
Cũng theo cáo trạng, năm 2020, UBND tỉnh Quảng Ninh có dự án cho phép doanh nghiệp thăm dò khoáng sản đất đá làm vật liệu san lấp mặt bằng tại xã Bình Khê, thị xã Đông Triều (gọi tắt là Dự án đối Bắc Sơn). Anh Nguyễn Đức Sinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Trường Sinh (trụ sở tại TP Hải Phòng), cùng một số người làm thủ tục xin cấp phép thực hiện dự án. Tuy nhiên, sau 3 năm vẫn chưa có kết quả.
Muốn sớm được cấp giấy phép đầu tư, anh Sinh và anh Trần Sỹ Thanh (Giám đốc chi nhánh) đã đến gặp ông Nhưỡng nhờ can thiệp, tác động đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để được sớm cấp phép.
Ông Nhưỡng đồng ý và giới thiệu hai người này đến gặp, nhờ ông Vân để cùng can thiệp, gây áp lực. Ông Vân đồng ý, gọi điện cho Bí thư Tỉnh ủy thời điểm đó, ông Nhưỡng gọi điện cho Phó Chủ tịch UBND tỉnh thời điểm đó, can thiệp để Công ty CP Trường Sinh được sớm cấp phép khai thác mỏ đất.
Ngày 17/10/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt, cấp phép cho Công ty cổ phần Trường Sinh được thăm dò, khai thác mỏ đất.
Theo cáo trạng, quá trình thực hiện việc can thiệp, từ tháng 7-11/2023, ông Nhưỡng, ông Vân nhiều lần nhận tiền của anh Thanh, anh Sinh. Trong đó, ông Nhưỡng nhận 6 lần, tổng 210 triệu đồng; ông Vân nhận 2, tổng 60 triệu đồng. Ngày 17/4/2024, ông Nhưỡng viết đơn xin nộp lại số tiền 180 triệu đồng, trong số tiền hưởng lợi bất chính nêu trên.
Phạm Minh Cường, Vũ Đăng Phương và Nguyễn Văn Vương đã khai nhận hành vi phạm tội của mình và đồng phạm, lời khai của các bị can phù hợp với lời khai các nhân chứng, những người liên quan; phù hợp với các vật chứng thu giữ, các chứng cứ khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án.
Ông Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân khai nhận hành vi như diễn biến vụ án nêu trên nhưng không thừa nhận hành vi can thiệp đến các cơ quan có thẩm quyền như đã nêu để hưởng lợi. Ông Nhưỡng không thừa nhận đã đồng phạm với Cường phạm tội cưỡng đoạt tài sản và việc các doanh nhân đưa 300 nghìn USD là tự nguyện, ông Nhưỡng không đòi.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ông Lưu Bình Nhưỡng từng chuyển đơn kiến nghị thi hành án số tiền “khủng”: