Thầy chùa, trụ trì... đạo đức suy thoái, làm “vẩn đục” cửa Phật!

Google News

(Kiến Thức) - Những vụ việc vi phạm đạo đức, giáo luật, thậm chí vi phạm pháp luật do một số thầy chùa, trụ trì gây ra cho thấy một hiện tượng suy thoái về đạo đức dù chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng cũng đang làm ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm nơi cửa Phật.

Đạo đức suy thoái, nhiều thầy chùa, trụ trì… vi phạm đạo đức, giáo luật
Thời gian gần đây, dư luận cả nước và mạng xã hội vô cùng bức xúc trước sự việc một bé trai 11 tuổi bị thầy Thiện Lam - người tu hành đánh dã man tại tỉnh Bình Thuận.
Sự việc xuất phát từ việc chị Võ Thị Hương (phường Phú Thủy, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) đã làm đơn tố cáo tới các cơ quan có thẩm quyền tỉnh Bình Thuận về việc thầy Thiện Lam đã ép con trai chị là bé K. xem phim đồi trụy, sau đó bị lạm dụng tình dục và bị bạo hành trong thời gian bé K. được gửi tới tu tập mùa hè tại nhà của ông Thiện Lam.
Trước sự việc thầy chùa bạo hành bé trai 11 tuổi, Đại đức Thích Nguyên Nguyệt – Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Bình Thuận cho biết, ông Thiện Lam ( tên thật là Lương Việt Đức, SN 1993 tại Bình Thuận) không có tên trong danh sách phật tử mà Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Thuận quản lý.
Thay chua, tru tri... dao duc suy thoai, lam “van duc” cua Phat!
Ông Lương Việt Đức bị tố có hành vi đánh đập, xâm hại tình dục với cháu bé.  
Năm 2017, ông Lương Việt Đức xuất hiện về nhà với hình thức người tu hành, như một tu sĩ Phật giáo và được gọi là thầy Thiện Lam. Thời điểm đó đến nay, ông Thiện Lam tổ chức tụng kinh đông người, kêu gọi vận động làm công tác từ thiện và tổ chức các hoạt động sai phạm khác và đã bị chính quyền địa phương sở tại nhắc nhở, xử lý.
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận cũng khẳng định, cơ sở mà ông Thiện Lam tổ chức tu tập và để xảy ra sự việc bạo hành bé trai 11 tuổi không phải là cơ sở tôn giáo của Giáo hội PGVN tỉnh Bình Thuận mà là nhà riêng của ông Thiện Lam và ông Thiện Lam không phải là tu sĩ Phật giáo mà Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bình Thuận quản lý.
Vụ việc trên hiện đang được Công an huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) đã quyết định trưng cầu giám định pháp y, xác định thương tích đối với cháu K. để điều tra, xử lý. Bước đầu, ông Đức thừa nhận có đánh đập bé K do em này hư hỏng và phủ nhận việc xâm hại tình dục bé K theo như tố cáo.
Không chỉ ông Thiện Lam một tu sĩ Phật giáo giả danh bị tố lạm dụng tình dục và bị bạo hành trẻ em, trước đó, vào tháng 7/2019, ông Huỳnh Minh Toàn – trụ trì một ngôi chùa ở TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đồng thời là Tiến sĩ Phật học đã bị cơ quan Công an TP. Cần Thơ ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam về hành vi “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Nạn nhân của vụ việc là một bé gái SN 2005 đã tố bị Toàn cưỡng hiếp trong chuyến hành hương đến TP Cần Thơ tại một nhà nghỉ thuộc quận Ninh Kiều. Ngay khi xảy ra vụ việc trên, Ban Trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Đồng Tháp đã rút quyết định bổ nhiệm trụ trì đối với ông Huỳnh Minh Toàn.
Mới đây, nhiều lá đơn của nam sinh viên của các trường đại học trên địa bàn Hà Nội nêu đích danh nhà sư đang ở chùa Thanh Âm (xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) là ông Thích Đạo Huấn đã có hành vi dâm ô khi những sinh viên này về hoạt động tình nguyện tại chùa. Vụ việc đang được làm rõ nhưng cũng là tiếng chuông cảnh báo sự suy thoái đạo đức của một số nhà tu hành.
Đáng chú ý, vào tháng 3/2019, sự việc chùa Ba Vàng (TP Uông Bí, Quảng Ninh) tổ chức "thỉnh vong, cúng oan gia trái chủ" được cơ quan báo chí phanh phui đã khiến dư luận đồng loạt lên án những hành vi phản văn hóa, phi đạo đức, không đúng với nghi lễ Phật giáo truyền thống. Tháng 7/2019, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ra nghị quyết nhất trí bãi nhiệm tất cả chức vụ của đại đức Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội và hiện Đại đức Thích Trúc Thái Minh chỉ chỉ còn làm trụ trì chùa Ba Vàng.
Những vụ việc điển hình trên cho thấy sự suy thoái đạo đức của một số thầy chùa, nhà tu hành, thậm chí, một số trụ trì dẫn đến những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm giáo luật, lợi dụng cơ sở thờ tự Phật giáo niềm tin của nhân dân, Phật tử để hoạt động mê tín, trục lợi, gây bức xúc trong cộng đồng trong xã hội, làm ảnh hưởng đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chấn chỉnh để gìn giữ sự tôn nghiêm nơi cửa Phật
Phật giáo Việt Nam là một tôn giáo có tinh thần yêu nước, luôn đồng hành cùng dân tộc, đất nước trong quá trình phát triển. Mới đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đồng hành cùng nhà nước và nhân dân tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Vesak được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Đồng thời, trong suốt thời gian qua, với tư cách là thành viên tích cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đề cao chủ trương Đạo Pháp đồng hành cùng dân tộc, chủ nghĩa xã hội, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa. Cùng với đó, với vai trò là một tôn giáo lớn của đất nước, những giá trị tốt đẹp của Phật giáo còn góp phần xây dựng niềm tin và sự tự tin của con người, dân tộc Việt Nam trong việc xây dựng một đất nước giàu mạnh.
Nhìn tổng thể như vậy để thấy rằng, những vụ việc thầy chùa, nhà tu hành, trụ trì có những hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm giáo luật chỉ là những hiện tượng đơn lẻ “con sâu làm rầu nồi canh” làm ảnh hưởng tai tiếng chốn linh thiêng.
“Thời gian qua, xảy ra một số vụ việc tại một số chùa do các nhà sư, trụ trì vi phạm đạo đức, giới luật gây ra là những việc vô cùng đáng thất vọng, làm ảnh hưởng không nhỏ đến Giáo hội Phật giáo trong mắt các Phật tử và quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, ngay sau khi mỗi vụ việc xảy ra, Giáo hội Phật giáo Trung ương và địa phương đều tích cực vào cuộc nhắc nhở, xử lý theo hiến chương của Giáo hội, phần nào đã lấy lại niềm tin của Phật tử vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, bà Đỗ Thị Hiền, một phật tử tại Hải Dương đã nêu ý kiến về hiện tượng sai lệch trong Giáo hội Phật giáo.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Lan, một phật tử tại Hải Phòng cho rằng, cửa Phật là nơi tôn nghiêm không cho phép những người tu hành thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm giáo luật, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo Việt Nam.
“Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, tôi theo dõi những thông tin liên quan đến Phật giáo và rất tâm đắc với ý kiến của Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm khi thầy khẳng định, Giáo hội Phật giáo Việt Nam không dung túng, bao che cho bất kỳ người tu hành nào, nhất là chức sắc khi vi phạm đạo đức, giáo luật. Các Phật tử như chúng tôi kỳ vọng, ngoài những biện pháp xử lý những người vi phạm giáo luật, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần có nhiều lớp tu tập, nâng cao đạo đức các nhà sư, đặc biệt là các sư trụ trì để tránh những sự việc như đã xảy ra”, bà Nguyễn Thị Lan cho hay.
Thiên Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)