Ngày 01/9/2017, Thanh tra Chính phủ ban hành Thông báo số 2222/TB-TTCP, thông báo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT. Trước đó, ngày 23/8, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ trướng Thường trực Trương Hòa Bình về kết luận thanh tra.
|
Trạm thu phí QL5 ùn tắc vì tài xế trả tiền lẻ. |
100% dự án BT, BOT là chỉ định thầu
Kết luận Thanh tra đã chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm của Bộ GTVT. Trong đó nêu rõ, chưa thực hiện đúng quy định về việc xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Việc công bố sau khi phê duyệt danh mục dự án không đúng thời điểm tháng một hàng năm là thiếu chặt chẽ và ảnh hưởng không tốt đến kết quả lựa chọn nhà đầu tư.
“Thực tế từ khi triển khai theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông đến nay, với hơn 70 dự án đã thực hiện mà không lựa chọn được nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu. 100% là chỉ định thầu với lý do chỉ có một nhà đầu tư tham gia. Có cả nhà đầu tư được chọn chưa đảm bảo năng lực”, Kết luận Thanh tra nêu rõ.
Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, quyết định chủ trương đầu tư một số dự án còn bất hợp lý trong cân đối tổng thể và quy hoạch; phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư chưa đúng quy định, còn một số khoản sai lệch.
“Coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí vận tải, chi phí xã hội; Các dự án BT và BOT đều thực hiện tại các khu vực giao thông trọng yếu, có mật độ tham gia giao thông lớn, đặt các trạm thu phí có khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí cao, tăng nhanh, gây khó khăn cho người tham gia giao thông không còn sự lựa chọn nào khác ( điển hình là tại Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên và Hòa Bình…). Phát sinh tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông tìm cách né trạm thu phí, đi vào đường ngang ngõ tắt gây hư hại hệ thống giao thông địa phương, gây nguy cơ mất an toàn.
Lựa chọn nhà đầu tư thiếu chặt chẽ
Mặt khác, việc xác định phương án, doanh thu tài chính tại một số dự án còn thiếu chính xác, doanh thu thực tế của một số dự án chênh lệch cao so với phương án tài chính, gây ra gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp tham gia giao thông vì thời gian thu phí kéo dài. Phần lớn các dự án BOT là cải tạo nâng cấp đường cũ nên càng tăng tình trạng dồn tích phương tiện sử những khu vực vốn đã đông đúc, không hướng đến việc mở rộng mạng lưới và phân làn giao thông hợp lý.
Khi phê duyệt các dự án đã ghép việc cải tạo với đầu tư xây dựng đường mới thành một dự án rồi đặt hai trạm thu phí tại hai nơi không hợp lý.", kết luận nêu rõ.
>>> Mời độc giả xem video Không đi vẫn phải trả tiền: Vô lý như… BOT - Nguồn VTC:
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết và giám sát thực hiện hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thiếu chặt chẽ. Nhà đầu tư đã lập, duyệt không đúng nhiều khối lượng, định mức, đơn giá trong dự toán công trình.
“Việc thanh quyết toán xác định giá trị công trình dự án còn bất hợp lý, hầu hết các công trình dự án hoàn thành giai đoạn xây dựng đã đưa và khai thác, thu phí đều chậm và chưa quyết toán được theo đúng thời gian hợp đồng. Kết quả huy động vốn thực hiện các dự án BT, BOT không đạt mục tiêu đa dạng các nguồn vốn, các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xác định phương án tài chính thiếu chính xác, nhất là phương án thu phí giao thông”, Kết luận Thanh tra đề cập.
Ngoài ra, cơ chế thu phí hoàn vốn còn bất cập; giá thu phí cao, điều chính chưa hợp lý; dự án chưa hoàn thành (giá trị đầu tư mới thực hiện 30%) nhưng giá thu phí tương đương dự án đầu tư mới (Dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ); Phương thức thu phí lạc hậu, gây ách tắc giao thông; đặc biệt là việc xác định vị trí đặt trạm thu phí không hợp lý như: đặt trạm thu phí ngoài vùng dự án, đặt trạm thu phí tuyến đường này hỗ trợ thu phí đầu tư tuyến đường khác; đặc biệt có một số trạm thu phí đối với người không tham gia giao thông trên tuyến đường theo hình thức BOT,… Tình trạng này dẫn đến việc người dân bức xúc, tụ tập đông người phản đối đến nay chưa có hướng giải quyết dứt điểm.
Trách nhiệm chính thuộc về Bộ GTVT
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài Chính, Xây dựng, Giao thông vận tải phối hợp rà soát những quy định pháp lý về lĩnh vực đầu tư theo hình thức đối tác công tư còn thiếu, còn chưa thống nhất để bổ sung điều chỉnh; Bổ sung quy định chặt chẽ về lựa chọn nhà đầu tư; Rà soát quy định về lập, phê duyệt và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; điều chỉnh quy định về cơ cấu nguồn vốn đầu tư…
Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ GTVT, chủ động điều chỉnh và khắc phục toàn bộ những nội dung đã kết luận thuộc trách nhiệm của mình; phối hợp rà soát toàn bộ hồ sơ các dự án; các hợp đồng để bổ sung điều chỉnh đúng quy định…
Bộ GTVT có trách nhiệm rà soát, xử lý phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư 6 dự án 451.577,9 triệu đồng và điều chỉnh các hợp đồng dự án về tổng vốn đầu tư, xác định lại chi phí tư vấn lập dự án và thu hồi nộp ngân sách phần đã thanh toán vượt tương ứng giá trị Tổng mức đầu tư phải điều chỉnh; thanh lý 2 hợp đồng tư vấn với nhà đầu tư trị giá hơn 16 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp dự án (7 doanh nghiệp) xử lý 316 tỷ đồng các yếu tố phát sinh không đúng thực tế.