Một nhóm khoảng 20 đối tượng, người đi xe máy, kẻ chạy bộ cầm gậy, mã tấu chửi bới, rượt đuổi đánh nhau gây náo loạn đường phố. Cảnh tượng trên diễn ra ngay trên đoạn đường Lê Duẩn – Trần Nhân Tông (TP Hà Nội) vào rạng sáng 23/11 được người dân ghi lại và đăng tải lên mạng xã hội khiến không ít người bàng hoàng, bức xúc.
Nhóm thanh niên đánh nhau náo loạn Hà Nội không phải là vụ việc đầu tiên. Thời gian qua, trên cả nước đã xảy ra hàng trăm vụ hỗn chiến giữa các nhóm đối tượng có tuổi đời còn khá trẻ, thậm chí còn đang trong độ tuổi học sinh. Vụ việc hàng chục thiếu niên học sinh tại phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) mang theo hung khí chuẩn bị tham gia hỗn chiến mới đây là một ví dụ điển hình. Nhiều vụ đã được cơ quan công an phát hiện ngăn chặn kịp thời nhưng nhiều vụ việc đã để gây ra những hậu quả nghiêm trọng như đâm trọng thương người, thậm chí là án mạng giết người.
|
Hình ảnh nhóm đối tượng mang theo hung khí rượt đuổi nhau trên phố Lê Duẩn – Trần Nhân Tông. |
Từ những vụ hỗn chiến với sự tham gia chủ yếu của thanh thiếu niên trong độ tuổi còn rất trẻ đến những vụ bạo lực học đường, học sinh đánh hội đồng bạn học cho thấy tình trạng một bộ phận giới trẻ hung hãn, lưu manh, hành xử côn đồ, coi thường pháp luật.
Dư luận đặt câu hỏi, vì sao một bộ phận giới trẻ có lối sống lệch lạc, hành vi lệch chuẩn? Từ những học sinh có bản chất ngoan hiền được thầy cô, gia đình dạy dỗ, thành những đứa trẻ đua đòi, hư hỏng, ưa bạo lực, giải quyết mâu thuẫn nhỏ bằng chửi bới, đánh đấm, thậm chí bằng dao, kiếm gây nên những hậu quả đau lòng.
Có một thực tế, không thể phủ nhận, một bộ phận thanh thiếu niên trở lên hư hỏng, bạo lực chính do ảnh hưởng, tập nhiễm từ môi trường xã hội.
Thời gian qua, không ít hành vi lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ đã được các cơ quan chức năng, các nhà tâm lý, luật học chỉ ra đó chính là do bị ảnh hưởng bởi các game online bạo lực và các video clip bạo lực do các giang hồ mạng sản xuất đăng tải trên mạng xã hội. Thậm chí sự lệch lạc trong suy nghĩ, lối sống đến khó tin khi tội phạm xã hội thay vì bị lên án, phê phán lại trở thành thần tượng của không ít giới trẻ, những giang hồ mạng với những clip đen bạo lực lại có tầm ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận giới trẻ.
Không khó để lấy ví dụ về những giang hồ mạng với những clip bạo lực như trùm giang hồ Đường Nhuệ (Thái Bình) kẻ mới đây đã bị các cơ quan tố tụng xử lý hàng loạt vụ việc cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản lại là diễn viên hàng loạt clip bạo lực như “Chạm mặt giang hồ”, “Gã giang hồ”, “Luật lệ giang hồ”... Huấn Hoa Hồng một kẻ nghiện ngập thường xuyên phô diễn hình ảnh, video ăn chơi, khoe của, ngông nghênh bất cần, xem thường pháp luật lại được đông đảo giới trẻ thần tượng. Fanpage trên Facebook có tới hơn 9 nghìn người thích, gần 1,3 triệu người theo dõi đủ cho thấy sự lệch chuẩn của một bộ phận giới trẻ đến thế nào. Hay như Khá bảnh, Phú Lê, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền, Dũng “trọc”... cũng là những kẻ đã sa lưới pháp luật với nhiều clip bạo lực trên mạng xã hội nhưng cũng trở thành đối tượng được không ít giới trẻ "sùng bái".
Đó là một thực tế khó tin nhưng đã xảy ra trong thực tế dẫn đến không ít giới trẻ bị khủng hoảng giá trị sống, lệch chuẩn về đạo đức. Điều này hết sức nguy hiểm cho xã hội, có thể dẫn đến lệch lạc về nhân cách của thế hệ trẻ, gây hoang mang lo lắng cho cộng đồng xã hội. Thực tế, không ít giới trẻ đã bị tiêm nhiễm lối sống bạo lực từ những đối tượng trên. Chỉ cần xuất phát từ mâu thuẫn rất nhỏ, một bộ phận giới trẻ đã tập hợp nhau lại kết bè nhóm gây ra những vụ hỗn chiến như nhưng cảnh bạo lực trong các clip của giang hồ mạng trên mạng xã hội. Ngay học sinh ngồi trên ghế nhà trường, ngày ngày được thầy cô giảng dạy đạo đức làm người, thay vì "chăm ngoan học giỏi" đã nhanh chóng bị ảnh hưởng bởi những giang hồ mạng Phú Lê, Khá "Bảnh", Đường Nhuệ... hành xử kiểu xã hội đen, đánh hội đồng ngay chính bạn học của mình.
Một nguyên nhân khác không thể không nhắc đến, chính là việc không ít nhà trường còn xem nhẹ vấn đề giáo dục đạo đức, ý thức pháp luật và kỹ năng sống cho học sinh. Dẫn đến thực trạng một bộ phận học sinh thiếu kiến thức pháp luật, thiếu kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử tình huống, bản lĩnh nên dễ bị ảnh hưởng bởi các clip xấu độc hại nhan nhản trên mạng. Chỉ cần xảy ra mâu thuẫn, những đứa trẻ không biết các xử lý cần thiết đúng đắn, không kiểm soát, làm chủ được hành vi nên dễ dẫn đến sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn mà chúng đã từng xem trên mạng xã hội.
Trong khi đó, gia đình cũng không thể thoái thác trách nhiệm. Bởi gia đình chính là môi trường giáo dục, hình thành nhân cách tốt nhất cho những đứa trẻ. Trong một gia đình bố mẹ mẫu mực, làm tấm gương sáng cho con, luôn dạy bảo con cái những điều hay lẽ đẹp trong cuộc sống, khuyên răn con cái cách ứng xử trong cuộc sống thì những đứa trẻ không dễ bị nhiễm thói hư tật xấu.
Ngược lại, gia đình có những người thường xuyên sử dụng bạo lực trong các ứng xử, cha mẹ thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhau, ít quan tâm đến con cái, thậm chí con cái cũng trở thành nạn nhân của bạo lực từ chính cha mẹ chúng thì không khó để lý giải vì sao những đứa trẻ nhanh chóng trở lên hư hỏng, ưa sử dụng bạo lực trong cách ứng xử với bạn bè và xã hội.
Do đó, để triệt tiêu bạo lực từ một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh quan trọng nhất vẫn là trách nhiệm của xã hội, gia đình và nhà trường. Bên cạnh việc triệt phá các giang hồ mạng, xóa sổ các clip đen, các game bạo lực, thì việc nâng cao trách nhiệm của gia đình và nhà trường cũng rất quan trọng. Chỉ có thực hiện đồng bộ nâng cao trách nhiệm của 3 thiết chế trên mới có thể triệt tiêu được những lối sống lệch chuẩn, đảm bảo sự hình thành phát triển nhân cách của thế hệ trẻ không bị tác động bởi các hành vi bạo lực.