Dự kiến ngày 14/12, TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường (nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT), Nguyễn Chí Thành (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Tài chính Bộ GTVT), Lê Trung Cường (chuyên viên Vụ Tài chính) và Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") và 14 đồng phạm về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Huỳnh Văn Trực, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM. Phiên tòa sẽ diễn ra đến hết ngày 25/12.
Theo truy tố, dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, ứng ngân sách nhà nước hơn 9.800 tỉ đồng để triển khai.
|
Ông Đinh La Thăng. |
Với vai trò Bộ trưởng là người đứng đầu được giao quản lý tài sản trong đó có quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương tại Bộ GTVT, ông Đinh La Thăng đã ký văn bản đề nghị tiếp tục tìm kiếm đối tác để bán quyền thu phí.
Dù nắm rõ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản Nhà nước và chuyển giao quyền thu phí và hiểu rõ đây là tài sản đặc thù, có giá trị đặc biệt lớn.
Tuy nhiên, sau khi được Thủ tướng có văn bản đồng ý chủ trương cho bán quyền thu phí, ông Thăng đã điện thoại cho Dương Tuấn Minh (Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long) giới thiệu công ty của Út "trọc" là công ty kinh doanh thua lỗ, không có năng lực tài chính mua quyền thu phí.
Quá trình tổ chức bán đấu giá, ông Thăng ký quyết định về việc thành lập Hội đồng bán đấu giá quyền thu phí và tổ thường trực giúp việc hội đồng giao ông Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch.
Sai phạm của ông Thăng dẫn đến thiệt hại hơn 725 tỉ đồng.
Trước đó, năm 2018, ông Thăng bị phạt 30 năm tù trong 2 vụ án xảy ra tại Tổng công ty CP xây lắp dầu khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) và Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương.
Đối với bị cáo Đinh Ngọc Hệ, sau khi trúng đấu giá quyền thu phí, Hệ có nhiều hành vi cắt giảm, che giấu doanh thu nhằm chiếm đoạt, gây thất thoát hơn 725 tỉ đồng của Nhà nước.
Ngoài ra, năm 2013, Đinh Ngọc Hệ còn lợi dụng chức vụ Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc, người đại diện pháp luật của Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng (là công ty có 51% vốn Nhà nước), để yêu cầu Công ty Licogi 13 bán rẻ căn biệt thự và hưởng lợi cá nhân 3,4 tỉ đồng - là tiền giảm giá mua biệt thự.