Đó là câu chuyện của những phụ nữ 'ngồi trong bóng tối' kể.
Những nỗi đau chỉ có thể vừa nghe vừa khóc
“Tôi bị chồng đánh hơn 10 năm, mức độ cứ tăng dần lên, có lần bị bổ vào đầu”. “Ông ấy đánh 1 tuần 3 lần! Ông ấy đánh mình, dùng ống thép sắt, vụt mình rất nhiều, tra tấn mình suốt từ 6 giờ sáng cho tới tận 12 giờ trưa”. “Ngày 7/12/2017 tôi bị anh ấy dùng kéo đâm vào lưng, sau khi bị hành hung như thế tôi đã phải ra khỏi nhà để đi tạm lánh”; “Tất cả những lúc chị bị đánh, các con chị đều chứng kiến”…
|
Đó là những nỗi đau của những người phụ nữ “ngồi trong bóng tối” kể. |
Với chị T.T.H 1984, Thạch Thất, Hà Nội “Vợ có bầu, có người chồng nào không vui ra mặt? Nhưng khi nghe tôi thông báo có bầu, chồng tôi nói: “Mày nạo đi, tao không thích có con, đứa nào đẻ đứa ấy nuôi”. Mọi việc trong gia đình từ kiếm tiền, chăm sóc con lúc ốm đau đến dạy con học, tất tật mọi việc là do tôi gánh vác. Sau này khi vợ chồng mỗi người một nơi, anh ấy định giành quyền nuôi con nhưng vì bố con xa cách, không có tình cảm nên chỉ vài ngày anh ấy lại giao con cho tôi nuôi”.
Với chị T.B.V 1979, Thanh Hóa, là Phóng viên truyền hình: “Chồng tôi không có việc làm, dăm bữa nửa tháng lại bảo vợ đưa tiền tiêu. Có công việc về quê cũng chờ vợ đưa tiền, mua bán các thứ trong nhà cũng dùng tiền tôi kiếm được. Vì thế, tôi tự nguyện đưa chồng thẻ ATM cho anh chủ động chi tiêu, để anh cũng biết hàng tháng tôi kiếm được bao nhiêu. Nhiều khi nghe đồng nghiệp chia sẻ chồng họ đưa tiền để đóng tiền học cho con cái hay làm việc này việc kia, tôi hay chạnh lòng. Tôi thầm nghĩ mình chả bao giờ có hạnh phúc là được cầm một đồng tiền của chồng, đến cái thẻ ATM cũng phải đưa cho anh ấy”…
|
Họ phải sống chung với BLGĐ rất nhiều năm. |
Họ là những phụ nữ từng chấp nhận sống chung với bạo lực gia đình nhiều năm trời, cho đến ngày sức chịu đựng bị cạn kiệt. Biết bao lần họ muốn giải thoát khỏi cuộc sống hôn nhân như địa ngục cũng là bấy nhiêu lần họ bị những ràng buộc, day dứt về con cái, về định kiến xã hội…
“Ông ấy lúc nào cũng giành lấy những đứa con”
“Chính bản thân tôi cũng không trả lời được câu hỏi ấy, tôi không hiểu tại sao tôi lại có thể chịu đựng được từng ấy năm”.
|
Họ là những người phụ nữ mang trong mình nỗi đau về thể xác và tinh thần… |
“Hãy nói ra, phá bỏ sự im lặng”
Đó là những trường hợp bị BLGĐ xuất hiện trong Triển lãm “Phía sau cánh cửa” được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp cận, trong đó có 1 nửa là các ca bạo lực được cung cấp từ Ngôi nhà Bình yên của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, TW Hội LHPN Việt Nam.
Theo thống kê của hơn 60 trường hợp, nạn nhân có xu hướng trẻ hóa. Phụ nữ ở lứa tuổi 8X, 9X chiếm 61%, trong đó số người đã tốt nghiệp Đại học, Thạc sĩ, Cao đẳng chiếm 85% và người gây bạo lực có trình độ này cũng chiếm 61%.
Nguyên nhân bạo lực ở khía cạnh kinh tế chiếm 10,3%, tác động của xã hội như ngoại tình, ghen tuông, nghiện hút, gia trưởng, cờ bạc, bia rượu chiếm 83,8%; Hình thức bạo lực thể chất chiếm 98%, tình dục 31% và tinh thần là 100%...
Trong tổng số hơn 60 nạn nhân, chỉ có khoảng 20 phụ nữ đồng ý chia sẻ những câu chuyện của mình; Vẫn còn những chị đã đồng ý chia sẻ rồi sau đó lại suy nghĩ lại và từ chối; chỉ có 7 nhân vật cho ghi âm, chụp ảnh và không lộ danh tính… Lý do, họ vẫn còn sợ câu chuyện của mình công khai sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, con cái của mình, của chồng mình – dù đó chính là những người đã gây ra nỗi đau cho họ… Đây thực sự là một điều đáng để chúng ta suy nghĩ…
Tuy nhiên, những câu chuyện được các chị can đảm kể ra từ “Phía sau cánh cửa” đã thực sự gây ám ảnh với những nỗi đau bạo hành trong Lời ru buồn, Mặt nạ của hạnh phúc, Gánh nặng không cùng ai san sẻ và Những trái tim lạc lối… và nó truyền đi được thông điệp “Hãy nói ra, phá bỏ sự im lặng! Khi bạo lực đã diễn ra một lần nó sẽ tiếp tục diễn ra”.
Triển lãm do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Ban Gia đình Xã hội, Ngôi nhà Bình yên phối hợp tổ chức hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống BLGĐ trên cơ sở giới. Triển lãm mở cửa từ 23/11-31/12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội.