Mới đây, báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH gửi Chính phủ cho thấy, đoàn kiểm tra của Bộ này đã phát hiện hai tỉnh Thanh Hóa và Ninh Thuận có sai phạm trong chi trả hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Cụ thể tại Thanh Hóa, một số thôn của các huyện: Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương… có tình trạng “bệnh thành tích”, vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu đơn in sẵn tự nguyện không nhận.
Tại xã Thiệu Thành (huyện Thiệu Hóa) còn đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo. Bộ LĐ,TB&XH đã yêu cầu địa phương kịp thời chấn chỉnh sai sót trong tổ chức thực hiện, thu hồi văn bản không phù hợp, xử lý kỷ luật cán bộ có liên quan.
|
Căn nhà một hộ dân có danh sách hộ cận nghèo ở xã Yên Thọ (huyện Yên Định, Thanh Hóa). Ảnh: Zing |
Tại Ninh Thuận, Bộ LĐ,TB&XH đã yêu cầu kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh cán bộ thôn Liên Sơn 2 (xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước) đã chi thiếu tiền hỗ trợ thiệt hại do COVID-19 cho 6 người nghèo. Bộ LĐ,TB&XH đề nghị địa phương rút kinh nghiệm, chỉ đạo chi bổ sung ngay cho đối tượng.
Dư luận đặt câu hỏi, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và Ninh Thuận có phải chịu trách nhiệm về sự việc trên?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, chưa phát hiện hành vi trục lợi từ gói an sinh xã hội 62.000 tỷ. Tuy nhiên một số địa phương như Thanh Hóa vào Ninh Thuận đã có sai phạm trong việc chi trả cho các đối tượng được hưởng chế độ chính sách này.
“Dù động cơ có thể không phải là tư lợi, chưa chứng minh được mục đích chiếm đoạt số tiền này nhưng hành vi rõ ràng là xúi giục, ép buộc người nghèo từ chối nhận hỗ trợ. Do đó, đã đi ngược lại với chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước” – luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Luật sư Cường cho rằng, có thể nguyên nhân sự việc này là từ bệnh thành tích, từ sự háo danh của một số cán bộ. Hành vi này cũng cho thấy sự vô cảm, thiếu tình người, làm việc như những con robot của một số cán bộ địa phương, gây ảnh hưởng đến chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời điểm hiện nay.
Bởi vậy, cơ quan chức năng yêu cầu dừng Đại hội Đảng, cơ cấu lại nhân sự, xem xét năng lực trình độ, đạo đức của một số cán bộ ở một số địa phương có sự việc này là cần thiết.
“Sự việc sẽ không dừng lại ở đây, hành vi vi phạm chính sách, không tuân thủ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước là vi phạm kỷ luật đảng nên cần xem xét xử lý kỷ luật đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan” – luật sư Đặng Văn Cường cho hay.
Đồng thời, luật sư Cường cho rằng, sự việc này cũng cho thấy bệnh thành tích vẫn còn tồn tại ở một số cán bộ, một số địa phương.
“Chỉ vì thành tích của cá nhân, tập thể mà người ta có thể bất chấp quyền lợi của người dân, đặc biệt là người dân nghèo, không thực hiện chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước. Những cán bộ này cần phải có hình thức kỷ luật và xem xét năng lực để bố trí công việc cho phù hợp. Nếu không thể thay đổi được không nên sử dụng. Mỗi địa phương có sai phạm cần phải xem xét đến vai trò, nhiệm vụ, chức năng, trách nhiệm của từng cán bộ, từng tổ chức để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của điều lệ Đảng. Trong đó có vai trò của người đứng đầu” – luật sư Cường cho biết.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, dịch COVID-19 đã gây ra thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, đẩy nhiều người lao động, người dân nghèo vào cảnh khó khăn, túng quẫn. Bởi vậy, với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam hiện nay, ngoài các giải pháp cấp bách về phòng chống dịch, phát triển kinh tế, Chính phủ triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội trị giá 62 ngàn tỷ là rất cần thiết, kịp thời nhằm động viên tinh thần của nhân dân trong việc đoàn kết chống dịch và giải quyết phần nào khó khăn cho người dân nghèo.
Trong thời gian qua các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước để phòng chống bệnh dịch, duy trì và phát triển kinh tế xã hội là rất khoa học, kịp thời, hợp lý và hiệu quả.
Tuy nhiên việc tổ chức thực hiện chính sách này đã gặp phải sai lầm của một số tổ chức, cá nhân, đó là những sai lầm rất đáng buồn như chuyện mua máy xét nghiệm COVID-19 của các một số trung tâm kiểm soát bệnh tật (có những cán bộ đã bị xử lý hình sự về hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi) và việc đưa số tiền hỗ trợ gói an sinh xã hội này đến với tay người dân gặp nhiều trở ngại do bệnh hình thức và nhận thức hạn chế của một số cán bộ cơ sở.
>>> Mời độc giả xem video Nhiều sai phạm trong việc chi trả tiền hỗ trợ dịch bệnh ở Ninh Thuận, Thanh Hoá