Gần chục năm trước, dư luận chấn động với vụ thảm sát tại tiệm vàng Ngọc Bích khi sát thủ Lê Văn Luyện vì cướp tài sản đã sát hại hai vợ chồng chủ tiệm vàng cùng cháu nhỏ mới 18 tháng tuổi và bị chém bị thương bé gái lớn con chủ tiệm.
Tưởng rằng, đây đã là tột cùng của cái ác thì mới đây, một vụ án gây rúng động dư luận lại vừa xảy ra tại thủ đô Hà Nội khi chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, người anh trai đã xuống tay sát hại cả nhà em trai mình, thậm chí cháu họ mới 14 tháng tuổi đối tượng này cũng không nương tay.
Vụ thảm sát gia đình ở Hà Nội khiến 4 người tử vong và một người nguy kịch trên tiếp tục phản ánh sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi đạo đức của con người ngày càng đáng báo động.
Trong vụ án này, Nguyễn Văn Đông được xem là còn tàn ác hơn cả Lê Văn Luyện khi xuống tay sát hại cả những người thân ruột thịt. Nhiều người khi xem clip ghi lại cảnh tượng Đông xuống tay với những người thân đã không khỏi rùng mình, ớn lạnh và phải thốt lên rằng, đâu mới là giới hạn của tột cùng cái ác?
|
Vụ án khiến dư luận địa phương bàng hoàng. |
Những tưởng Lê Văn Luyện trong vụ thảm sát tiệm vàng Ngọc Bích hay Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm án tại Bình Phước đã đạt đến tột cùng của cái ác nhưng nay, một người nông dân quanh năm lam lũ như Nguyễn Văn Đông bỗng một ngày hóa sát thủ ra tay hết sức tàn nhẫn, mất nhân tính thể hiện sự côn đồ, hung hãn cao độ khi chém những người thân ngay cả khi họ đã gục xuống, không còn sức phản kháng, người ta tiếp tục bàng hoàng nhận ra, cái ác đúng là không có giới hạn.
Dù nguyên nhân dẫn đến hành vi tàn ác của Nguyễn Văn Đông đang được các cơ quan chức năng làm rõ nhưng phân tích qua những tình tiết vụ án có thể thấy, có thể cách hành xử của người em ruột khiến đối tượng cảm thấy mình bị đẩy đến đường cùng dẫn đến mất kiểm soát, gây nên hành vi trên.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính là do lòng tham và thói ích kỷ cao độ tiềm ẩn trong con người đối tượng này đã khiến bản tính côn đồ, hung hãn trỗi dậy. Từ một con người có nhận thức, khi nghĩ rằng quyền lợi bị xâm phạm, hắn đã trở thành ác quỷ khi tước đi mạng sống của chính những người thân trong gia đình người em trai máu mủ ruột rà của mình.
Bên cạnh đó, sự thiếu nhận thức pháp luật, đạo đức xuống cấp, văn hóa thấp kém ý thức coi thường tính mạng, sức khỏe của người khác khiến cho đối tượng dễ dàng xuống tay sát hại nhiều người mà không run tay. Minh chứng rõ ràng nhất, khi gây án với người thân ruột thịt, hắn vẫn bình tình ngồi uống nước với với 2 cánh tay dính đầy máu của người thân.
Bởi như Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khi nhận định về vụ việc trên cho rằng, lẽ ra khi nghĩ rằng quyền lợi của mình bị xâm phạm, đối tượng có thể khởi kiện để được tòa án giải quyết tranh chấp về đất đai, thừa kế. Tuy nhiên, đối tượng này đã không lựa chọn cách thức mà pháp luật cho phép mà lại thực hiện hành vi “tự xử” hết sức côn đồ, manh động, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội.
|
Đối tượng Đông thản nhiên uống nước sau khi gây án. |
Do vậy, chính từ yếu tố nhận thức, đạo đức, được bộc lộ qua những hành vi, thái độ ứng xử thường ngày với những người xung quanh trong đời sống xã hội nên sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn. Khi lòng tham, sự ích kỷ cao độ, cộng hưởng với ý thức coi thường tính mạng người khác sẽ bùng phát trở thành những vụ thảm sát đẫm máu.
Bên cạnh đó, vụ án cho thấy, mối quan hệ giữa đối tượng và nạn nhân dù là máu mủ tình thân nhưng thời gian gần đây rất phức tạp và tiềm ẩn những mâu thuẫn lớn. Những xung đột tích tụ dồn nén không được những người thân giải quyết kịp thời, trong khi đó công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương chưa nắm bắt được những mâu thuẫn ấy hoặc có nắm bắt được nhưng không giải quyết được, dẫn đến đối tượng cảm thấy lâm vào đường cùng dẫn đến sự phản khánh theo chiều hướng tiêu cực, gây nên thảm án.
Hậu quả của những vụ thảm án thường vô cùng thảm khốc. Vụ thảm sát ở Hà Nội đã khiến một gia đình có 5 người thì 4 người bị đối tượng sát hại, một người còn lại nguy kịch trong làn ranh của sự sống và cái chết mà nếu vượt qua được thì cũng mang tật suốt đời.
Nỗi đau dai dẳng, hiện hữu khiến nhiều người cảm thấy ghê sợ với hành vi mất nhân tính của đối tượng này. Nỗi đau không chỉ đối với gia đình người bị hại mà đối với cả xóm làng, dòng họ, có lẽ với cả vợ con của hung thủ này. Không ai nghĩ rằng một người “bình thường” mà lại có hành vi côn đồ, mất nhân tính đến thế...
Ngay bản thân đối tượng sau khi gây ra hành vi tàn ác trên cũng đang phải đối mặt với bản án nghiêm khắc của pháp luật. Cụ thể, theo Luật sư Đặng Văn Cường, hành vi của đối tượng cho thấy đối tượng này quyết tâm thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, với dã tâm là tiết nhiều người. Bởi vậy chắc chắn đối tượng này sẽ bị xử lý về tội giết người với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự: là giết 2 người trở lên, có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi...
Với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như vậy và khiến 4/5 nạn nhân tử vong thì hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt, khó tránh khỏi là tử hình theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt là sẽ hết sức nghiêm khắc, sẽ bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Tuy nhiên, tội lỗi mà đối tượng này đã gây ra đối với gia đình người em trai của mình là không thể dung thứ, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Đó là cái giá phải trả cho những hành vi mất nhân tính nhưng đó cũng là bi kịch đớn đau của một đại gia đình.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Làm thế nào để ngăn chặn được cái ác khi hết vụ thảm án này đến vụ thảm án khác, cái ác vẫn hiện hữu và càng đáng báo động hơn trước?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, để giảm thiểu những vụ án thảm sát rùng rợn như thế này thì cần phải tăng cường hiệu quả của giáo dục để nâng cao vấn đề nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trau dồi đạo đức, ý thức của mỗi công dân. Khi đồng thời tác động đến nhận thức của người dân để ý thức tôn trọng người khác (bao gồm tôn trọng danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng, tài sản của người khác...) trở thành một nét văn hoá, thành thói quen trong ứng xử hàng ngày thì mới có thể giảm bớt được những hành vi tấn công, gây tổn thương, sát hại người khác như vụ án này.
Tuy nhiên, xét từ thực tế, để hạn chế những thảm sát do tranh chấp, mâu thuẫn chính là từ môi trường sống của các đối tượng phạm tội. Nếu môi trường sống lành mạnh, đề cao những giá trị truyền thống tốt đẹp, đấu tranh, bài trừ, hạn chế những hiện tượng tiêu cực, những xu hướng, biểu hiện lệch chuẩn. Trong đó, chính quyền địa phương sâu sát trong việc nắm được tâm tư, nguyện vọng, can thiệp, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn, tranh chấp thì có lẽ những vụ thảm án đau lòng trên sẽ không xảy ra.