Thăm nơi "trâu sắt" bắt gái xinh, trai đẹp nô dịch

Google News

(Kiến Thức) - Xã Cổ Lũng (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) còn được gọi là Mường Khoòng, chứa đựng nhiều chuyện huyền thoại về cuộc chiến tranh thần thánh của người dân nơi đây.

Mảnh đất của những cuộc chiến thần thánh
Ông Lò Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho hay, ở vùng đất nơi đây người dân từng chứng kiến nhiều cuộc chiến tranh chống lại sự cai trị của lang đạo và của thực dân Pháp. Trước đây, trong xã từng có nhiều người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến này, nhưng hiện nay hầu như đã qua đời. Những câu chuyện về vùng đất này, giờ chỉ còn qua những câu chuyện được lưu truyền lại.
Theo lời giới thiệu của ông Xuân chúng tôi đã về khu 2 thị trấn Cành Nàng (huyện Bá Thước) tìm gặp ông Hà Nam Ninh (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước). Ông Ninh có nhiều năm nghiên cứu về vùng đất và con người Cổ Lũng, từng trực tiếp gặp nhiều nhân chứng tham gia chiến đấu tại đồn bốt nơi đây.
Ông Ninh cho hay, tên gọi Cổ Lũng lấy tên từ tổng Cổ Lũng (trước đây có 11 xã). Xã Cổ Lũng theo tiếng Thái gọi là Mường Khoòng là trung tâm của toàn vùng nơi đây.
Mường Khoòng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Nơi đây có con đường huyết mạch nối từ các huyện phía Tây của tỉnh Thanh Hóa đi Hòa Bình và ra Hà Nội. Trên con đường này cũng từng chứng kiến những cuộc chiến đấu của nghĩa quân Lê Lợi với quân Minh. Chính vì thế, khi thực dân Pháp đổ bộ từ Hòa Bình sang, bọn chúng chọn mục tiêu là sẽ đánh chiếm Cổ Lũng làm bàn đạp để đánh chiếm xuống vùng đồng bằng. Để tăng cường lực lượng liên quân Pháp từ bên Lào cũng tràn về theo ba con sông là sông Luồng, sông Lò và sông Mã.
"Nhưng trước sự truy kích quyết liệt của dân quân du kích, đặc biệt là lực lượng hùng mạnh của đội quân Cầm Bá Thước khiến cho quân địch sợ hãi, nhiều quân địch đã bị dân quân tiêu diệt. Số còn lại bỏ chạy thoát thân", ông Ninh kể.
Tưởng chừng sau cuộc chiến đấu đó, sự bình yên sẽ trở lại với bản làng. Nhưng không ngờ, một cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu khi quân thực dân Pháp lại ùn ùn kéo tới. Tháng 8/1948, để xây dựng hành lang Đông Tây ngăn chặn các hướng quân từ khu III, khu IV và Tây Bắc đến tới đánh bọn chúng. Thực dân Pháp đã lập phòng tuyến từ Lào, Hòa Bình và Ninh Bình. Bọn chúng quyết tâm tái chiếm Cổ Lũng để bảo vệ đất đai vùng phía Nam.
 Sân bay quân sự xưa kia thực dân Pháp xây dựng, giờ là cánh đồng của dân bản.
Theo những tư liệu mà ông Ninh có được thì để thực hiện việc tái chiếm Cổ Lũng, thực dân Pháp đã chuẩn bị một kế hoạch rất chi tiết. Bọn chúng kéo quân theo đường bộ từ huyện Tân Lạc, Hòa Bình men theo các sườn núi để sang Cổ Lũng. Khi đến Cổ Lũng, thực dân Pháp đã dùng bọn quan lang trong vùng làm tay sai để trị những ai chống lại. Cùng với đó, bọn chúng huy động hàng trăm tên lính nhảy dù xuống ngọn đồi cao nhất vùng để lập đồn bốt, lập phòng tuyến phòng thủ.
Cũng trong khoảng thời gian này, thực dân pháp cũng cho người xây dựng đồn La Hán (ngày nay ở gần thị trấn Cành Nàng) đây là khu nhà của thực dân Pháp được xây dựng theo kiểu lô cốt, vừa là nơi ở, vừa có thể chiến đấu khi bị quân du kích truy sát. Nhưng không hiểu vì sao nền đất xung quanh nhà tổ mối mọc nhiều nên móng nhà bị lún gây sập nhà. Những tên chỉ huy nơi đây thấy vậy lo lắng, cho rằng bị thần linh nơi đây phạt nên nhà mới bị sập như thế. Cũng vì sự mê tín này mà quân ta chưa đánh đồn La Hán, bọn chúng cũng tự bỏ chạy lên tận vùng Quan Hóa để lập cứ địa mới.
Sân bay... làng
Thế hệ những người từng sống và chiến đấu với quân Pháp ở Cổ Lũng năm xưa, hầu như đã chầu trời. Hiện ở nơi đây chỉ có ông Vi Công Mậu (76 tuổi ở thôn Nang) là am hiểu về lịch sử của địa phương. Có chuyện ông được nghe cha ông kể, có chuyện ông trực tiếp nhìn thấy. Trải qua hơn 64 năm, kể từ ngày thực dân Pháp huy động lực lượng đánh chiếm vùng đất này, đến nay những câu chuyện về cuộc chiến đấu đó người dân vẫn còn lưu giữ. 
Ông Hà Nam Ninh.
Ông Mậu dẫn tôi đi tham quan những nơi xưa kia thực dân Pháp đã bắt dân bản xây dựng để phục phụ lợi ích của mình. "Để chiếm giữ vùng đất này, thực dân Pháp đã huy động lực lượng, xây dựng các cứ điểm để uy hiếp quân và dân ta. Tháng 3/1949, bọn chúng quyết quy hoạch một khoảng ruộng có diện tích rộng lớn để xây dựng sân bay quân sự. Bắt dân bản làm phu phen, đi lao động xây dựng công trình cho bọn chúng. Những cây cổ thụ là biểu tượng của dân làng cũng bị bọn chúng cho người chặt phá, lấy đất làm sân bay. Sân bay này có nhiệm vụ là nơi trung chuyển, hàng hóa, đạn dược từ các nơi về đây. Kể cả việc bắt lính trong vùng chuyển đi nơi khác làm nghĩa vụ cũng được thực hiện ở sân bay này. Quân lính ở nơi khác thường xuyên nhảy dù về sân bay để tiếp tế cho lực lượng nơi đây", ông Mậu kể. 
Những người dân bản hiền lành chất phác lần đầu tiên nhìn thấy máy bay, thường gọi là con trâu sắt biết bay. Mỗi khi có chiếc trực thăng nào hạ xuống dân bản cũng ra để xem. Nhưng xem xong rồi cũng phải chạy đi nơi khác lẩn trốn, bởi rất dễ bọn chúng sẽ vào thôn bản, bắt các cô gái xinh đẹp hay các chàng trai đi làm nô dịch.
Ông Mậu cho biết, sân bay này có diện tích vừa phải, nên cũng chỉ phù hợp cho những loại máy bay nhỏ, khoang lái chứa được từ 4 - 5 người. Có lần khi phi công đã nổ máy cho máy bay chạy hết đường băng, nhưng máy bay không thể cất cánh lên trời mà lao vào con suối trong bản. Dân bản trong vùng biết thông tin ùa ra xem, nhiều người đã mang chum vại ra để lấy xăng máy bay mang về làm chất đốt. Người dân cuối cùng nơi đây nhìn thấy máy bay hoạt động ở sân bay này là ông Hà Công Túy, ty trưởng của huyện bị bệnh, bọn Pháp định đưa sang Hòa Bình nhờ thầy lang chữa trị. Nhưng khi máy bay vừa lao trên đường băng một đoạn thì bị gãy cánh.
Để xây dựng sân bay Cổ Lũng, thực dân Pháp phải cắt cử các chuyên gia từ Pháp sang để nghiên cứu vị trí xây dựng. Huy động hàng trăm người dân xây dựng sân bay. Đến nay, nhiều người trong làng không khỏi tiếc nuối. Bởi sau khi hòa bình lập lại, chính quyền khi đó có chủ trương phá sân bay đi để lấy đất cho dân bản sản xuất.
Ông Hà Nam Ninh
Đức Lợi

Bình luận(0)