Báo Người Lao Động vừa có loạt phóng sự điều tra về “thế giới taxi riêng” hoạt động ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Theo phản ánh, liên tục từ mùng 4 Tết Âm lịch Nhâm Dần đến nay, nhiều người từ các nơi đổ về sân bay Tân Sơn Nhất (TSN - quận Tân Bình, TP HCM) phàn nàn về tình trạng hỗn loạn đến khó tin ở khu vực đón taxi.
|
Hình ảnh khách hàng chờ đợi rất lâu mới bắt được taxi để về nhà tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Người Lao Động
|
Phản ánh của các khách hàng cũng khẳng định, trong dịp trước và sau tết, việc đặt xe công nghệ để về nhà tại sân bay Tân Sơn Nhất rất khó. Phần lớn họ đều bị các cò taxi chèo kéo, ép đi xe với giá cước cao.
“Nếu đặt xe công nghệ, hành khách phải chờ thang máy lên lầu 3, 4, 5 của nhà để xe TCP hoặc di chuyển sang khu vực nhà ga quốc tế. Chưa kể, giá cước xe công nghệ cũng tăng khá cao so với ngày thường do khan hiếm”, thông tin phản ánh được nêu rõ trên báo Người Lao Động.
“Tại làn D (sân bay Tân Sơn Nhất) - dành cho các hãng taxi truyền thống như Vinasun, Mai Linh, Vinataxi, Saigontourist…, các phương tiện rồng rắn xếp hàng. Một tài xế hãng Vinataxi nói phương tiện không thiếu nhưng do chỉ có một làn xe được đón khách nên tài xế phải xếp hàng, dẫn đến khách đợi lâu. Theo tài xế này, chỉ 1-2 ngày nữa, lượng khách sẽ trở lại bình thường. Trong khi đó, một số "cò" của taxi "dù" rảo quanh các tầng để kiếm khách ra ngoài bến. Thấy hành khách tay xách nách mang là "cò" lập tức chạy đến mồi chài, rất mất trật tự. Nếu khách đồng ý, họ sẽ dẫn khách ra ngoài sân bay đón xe, dùng chiêu trò ép giá”.
Liên quan đến vấn đề này, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận định, ngoài việc phải làm rõ các vấn đề liên quan đến nhà xe TCP, để xảy ra những lộn xộn, mất mỹ quan, kém văn minh khu vực đón trả khách bằng taxi ở sân bay Tân Sơn Nhất là do bộ phận quản lý giao thông mặt đất yếu kém
Những gì xảy ra tại khu vực đón trả khách bằng taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất mà Báo Người Lao Động liên tục phản ánh trong những ngày qua cho thấy sự quản lý yếu kém của bộ phận giao thông mặt đất tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, những nhếch nhác, kém văn minh tại sân bay Tân Sơn Nhất hiện này đã vô tình làm xấu hình ảnh Việt Nam. “Tân Sơn Nhất là sân bay quốc tế lớn hàng đầu cả nước, các nước nhìn vào sẽ nghĩ như thế nào về cách ứng xử và quản lý như vậy?”, vị KTS đặt câu hỏi.
|
Hình ảnh tài xế taxi chèo kéo khách hàng được PV Báo Người Lao Động ghi lại.
|
Trước những phản ánh về thực trạng “taxi dù lộng hành” tại sân bay Tân Sơn Nhất, mới đây đại diện ACV đã lên tiếng.
Theo đó, ACV đã yêu cầu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các đơn vị liên quan họp đánh giá, rút kinh nghiệm để chuẩn bị cho nhu cầu đi lại trong những đợt cao điểm hè sắp tới. Còn việc thiếu taxi, xe công nghệ chỉ mang tính cục bộ, khi nhu cầu tăng đột biến sau kỳ nghỉ Tết.
Cũng theo lãnh đạo ACV, các đơn vị liên quan ở sân bay Tân Sơn Nhất đều họp hằng ngày và có phương án phân luồng, tuyến linh hoạt nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách, căn cứ vào lượng khách đi, đến tại từng thời điểm. Dù vậy, do nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến nên cũng có sự bị động nhất định, việc này đã được rút kinh nghiệm nhằm khắc phục những bất cập trong vận chuyển hành khách.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cũng vừa ký công văn khẩn gửi đến Cục Hàng không Việt Nam và Sở GTVT TP HCM về việc tăng cường tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách đến và đi tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Cụ thể, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu ACV chỉ đạo Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sớm bố trí hợp lý các khu vực cho phương tiện vào đón, trả khách; tổ chức các làn đón, trả khách trong nhà xe phù hợp thực tế khi khách tăng; phân luồng khách chờ đón xe bảo đảm an ninh trật tự; kiểm soát chặt, không để xảy ra việc chèo kéo, bắt chẹt khách trong nhà xe và trong địa bàn khu vực Cảng HKQT Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ GTVT còn yêu cầu Cảng HKQT Tân Sơn Nhất sắp xếp tăng thêm diện tích bãi đỗ dành cho xe chờ nhằm bảo đảm số lượng phương tiện taxi đáp ứng nhu cầu của hành khách. Song song đó, tổ chức cho xe buýt chờ đón trả khách tại ga quốc nội phù hợp với hiện trạng khu vực; có phương án kết nối di chuyển bằng phương tiện giữa ga quốc nội và ga quốc tế để tạo thuận lợi cho hành khách.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng yêu cầu Cục Hàng không phối hợp với Sở GTVT TP HCM và lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Thực trạng “taxi dù lộng hành” ở các sân bay, trong đó có sân bay Tân Sơn Nhất đã được phản ánh nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến nay thực trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.
Tháng 11/2021, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố bị can đối với Phó giám đốc Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Phú Bài để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”.
Cụ thể, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Phùng Tuấn Dương (SN 1978; ngụ P.An Cựu, TP.Huế) – Phó giám đốc Cảng HKQT Phú Bài để điều tra về hành vi “Tham ô tài sản”.
Tháng 7/2021, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đỗ Chí Thành – Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Phú Bài về hành vi “Tham ô tài sản”.
Như vậy, trong vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Cảng HKQT (sân bay) Phú Bài, đến nay, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã khởi tố 6 bị can; trong đó bắt tạm giam 5 bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với 1 bị can (Phùng Tuấn Dương).
Trước đó, ngày 24 và 28/7/2021, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố, bắt Đỗ Chí Thành (SN 1962) - Giám đốc; Lê Văn Lộc (SN 1967) - Phó giám đốc và Trần Xuân Long (SN 1978) - Chánh Văn phòng Cảng HKQT Phú Bài đều về hành vi “Tham ô tài sản”.
Mở rộng điều tra, ngày 19/11, Cơ quan ANĐT thực hiện khởi tố, bắt giữ Nguyễn Văn Hiền (SN 1965; quê Quảng Nam) – Giám đốc Công ty CP Phú Hoàng Thịnh (taxi Vàng) tại Thừa Thiên Huế và Nguyễn Tiến Đường (SN 1988) – Giám đốc Công ty Taxi TC Huế (taxi Thành Công).
Các bị can là lãnh đạo của Cảng HKQT Phú Bài lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với 2 chủ doanh nghiệp đã thống nhất để nhiều lần chiếm đoạt tài sản tại Cảng HKQT Phú Bài (thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam) hơn 6 tỷ đồng thông qua việc đấu giá quyền khai thác dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi. Bị hại trong vụ án là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam, trực tiếp là Cảng HKQT Phú Bài.
Mặt khác, người lao động, các tài xế taxi của 2 doanh nghiệp bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng khi vẫn phải nộp tiền phí cao khi tham gia dịch vụ tại Sân bay quốc tế Phú Bài.