Tạm dừng xử vụ Vinasun kiện Grab để thu thập thêm chứng cứ

Google News

Sau 2 ngày xét xử sơ thẩm vụ kiện 'Đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng' giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab Taxi, TAND TP Hồ Chí Minh quyết định tạm ngừng phiên tòa để thu thập bổ sung thêm chứng cứ.

Theo đơn khởi kiện của Vinasun, thể hiện: Lợi dụng việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành Quyết định số 24/QĐ-BGTVT ngày 7-1-2016 về “Kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” (gọi tắt là “Quyết định 24”), Grab Taxi đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh vận tải taxi, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi.

Mặc dù Grab Taxi tự nhận là “Công ty công nghệ không cung cấp dịch vụ vận tải” nhưng về cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động, đây là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi- một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun Corp.

 Đại diện Vinasun (đứng) trình bày tại tòa

Theo các tài liệu kiểm toán thể hiện: so với năm 2015, lợi nhuận năm 2016, quý 1 và 2-2017 của Vinasun bị mất là 75,9 tỷ đồng. Theo văn bản của của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 6-2017 số xe đăng ký chạy Grab Taxi là 12.913 xe thì tổng số thiệt hại Grab Taxi gây ra cho Vinasun đến hết quý II năm 2017 là 41,2 tỉ đồng.

Do Grab Taxi thực chất là một doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lợi dụng Quyết định 24 của Bộ giao thông vận tải để thực hiện hành vi trái luật, gây thiệt hại nghiêm trọng cho Vinasun nên phía Vinasun khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại 41,2 tỉ đồng và yêu cầu Grab bồi thường một lần...

Theo Vinasun, việc đơn vị này kiện Grab Taxi ra không phải vì lợi ích riêng mà vì lợi ích của các doanh nghiệp Việt Nam làm ăn chân chính, vì sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia mà Vinasun là một thành viên có trách nhiệm bảo vệ. Vì vậy, Vinasun đề nghị HĐXX chấp nhận đơn khởi kiện.

Trong khi đó, trình bày tại tòa, đại diện ủy quyền của Grab, cho rằng yêu cầu đòi bồi thường của Vinasun là quá vô lý nên đề nghị HĐXX bác đơn khởi kiện hoặc đình chỉ vụ án.

Theo phía bị đơn, Grab được thành lập vào năm 2012 tại Malaysia và đi vào hoạt động tại Việt Nam từ năm 2014. Grab khẳng định hình thức kinh doanh của công ty chỉ cung ứng phần mềm kết nối giữa lái xe và khách hàng, tạo điều kiện cho khách đi lại dễ dàng, tạo cạnh tranh lành mạnh với các hãng taxi truyền thống.

Vì vậy, theo phía đại diện Grab, nếu giả sử Vinasun có giảm sút về doanh thu hoặc lợi nhuận thì nên tập trung nghiên cứu, đổi mới cách thức kinh doanh và nâng cao chất lượng dịch vụ, quản lý doanh nghiệp... chứ không nên đổ lỗi cho doanh nghiệp khác.

Đối với đề án thí điểm, nếu Vinasun cho rằng Grab vi phạm thì cần khiếu nại lên Bộ GTVT. Về con số thiệt hại phía Vinasun đưa ra, theo Grab là không có cơ sở, đồng thời không có quan hệ nhân quả giữa vi phạm của Grab Taxi (nếu có) và thiệt hại của Vinasun… Vì vậy, theo Grab phía Vinasun không có đủ điều kiện để khởi kiện.

Sau khi nghe ý kiến trình bày và tranh luận của nguyên đơn và bị đơn, HĐXX đã hỏi đại diện Grab về giấy phép kinh doanh, căn cứ vào đâu mà giá thay đổi liên tục.

HĐXX muốn làm rõ Grab chỉ cung cấp phần mềm kết nối giữa hợp tác xã và khách hàng hay là kinh doanh vận tải như Vinasun kiện để đánh giá vụ án một cách toàn diện, đầy đủ, khách quan. Sau khi xét hỏi bổ sung, HĐXX đã ra quyết định tạm dừng phiên tòa để thu thập thêm chứng cứ.


Theo A.Huy - Hồng Sơn/CAND

>> xem thêm

Bình luận(0)