Tài xế xe ôm bị đâm trọng thương: Tội giết người, cướp tài sản?

Google News

Hành vi của đối tượng đâm trọng thương tài xế xe ôm công nghệ lúc rạng sáng tại TP HCM có dấu hiệu 2 tội danh giết người và cướp tài sản.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hóc Môn (TP HCM) đang tạm giữ Phan Hữu Nghĩa (33 tuổi, quê Vĩnh Long) để điều tra về hành vi cướp tài sản.
Nghĩa là nghi phạm đã tấn công tài xế xe ôm công nghệ N.V.L (47 tuổi) ở đường Bà Điểm 4, xã Bà Điểm (huyện Hóc Môn) vào khoảng 3h sáng 26/11 khiến người này trọng thương.
Tai xe xe om bi dam trong thuong: Toi giet nguoi, cuop tai san?
Khu vực xảy ra vụ việc. (Ảnh: PLO) 
Đáng chú ý, Nghĩa thừa nhận hành vi tấn công ông L. nhưng không phải để cướp mà trả thù cá nhân. Nghĩa cho rằng trước đây có chạy xe ôm công nghệ và nảy sinh mâu thuẫn với ông L. Sau đó, thanh niên này nghỉ chạy xe, làm công việc khác. Mới đây, buồn bực chuyện cá nhân, nam thanh niên nhớ đến hận cũ nên tìm ông L để trả thù.
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của Nghĩa không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ mà còn xâm phạm đến tính mạng của nạn nhân. Hành vi này có dấu hiệu hai tội danh là tội giết người và tội cướp tài sản mặc dù nạn nhân không tử vong.
Hành vi cướp tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi này không chỉ xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân mà còn có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Trước đây tội danh này có mức hình phạt cao nhất là tử hình, tuy nhiên khi sửa đổi bộ luật hình sự, hình phạt tử hình đã được bãi bỏ, đến nay hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân.
Cướp tài sản có thể thể hiện ở nhiều hành vi khác nhau như sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác. Hậu quả của hành vi sử dụng vũ lực để cướp tài sản có thể dẫn đến nạn nhân bị thương tích hoặc tử vong. Đối tượng nhận thức được hành vi này nhưng vẫn cố ý thực hiện, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả thương tích, thậm chí thiệt mạng của nạn nhân xảy ra.
Trường hợp đối tượng thực hiện hành vi cướp tài sản, tuy không mong muốn sát hại nạn nhân nhưng đã gây ra thương tích cho họ từ 61% trở lên hoặc khiến nạn nhân tử vong thì sẽ phải chịu mức hình phạt cao nhất của tội "Cướp tài sản" là phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân theo quy định tại Điều 168, BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội cướp tài sản.
Theo quy định của pháp luật, cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có thủ đoạn khác "nhằm chiếm đoạt tài sản" của nạn nhân là đã cấu thành tội phạm mà không phụ thuộc vào việc đối tượng đã chiếm được tài sản hay chưa. Hậu quả chiếm đoạt được tài sản của nạn nhân không phải là hậu quả bắt buộc của tội danh này.
Trường hợp cơ quan tố tụng có căn cứ cho thấy đối tượng thực nhận thức được hành vi của mình có thể nguy hiểm đến tính mạng của nạn nhân nhưng vẫn mong muốn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì ngoài tội cướp tài sản, cơ quan tiến hành tố tụng cũng có thể xử lý đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Tai xe xe om bi dam trong thuong: Toi giet nguoi, cuop tai san?-Hinh-2
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường 
Theo thông tin từ phía cơ quan chức năng, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), nơi tiếp cấp cứu tài xế xe ôm công nghệ cho biết nạn nhân bị đâm 6 nhát, gây thủng tim, phổi. Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, ê kip bác sĩ của bệnh viện ngay lập tức mổ cấp cứu, cứu sống nam tài xế.
Luật sư Cường cho rằng, đây là những nhát dao chí mạng, đối tượng hoàn toàn có thể nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến nạn nhân tử vong nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn nạn nhân tử vong để chiếm đoạt tài sản hoặc bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra.
Nạn nhân được cứu sống là do được cấp cứu kịp thời nên hành vi của đối tượng này thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự.
Bởi vậy, ngoài việc chứng minh hành vi sử dụng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ nhận thức cũng như mục đích của hành vi đâm dao vào người nạn nhân để xử lý đối tượng này về các tội danh cướp tài sản và tội giết người.
Nếu hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm của cả hai tội danh, ngoài tội cướp tài sản cơ quan điều tra sẽ khởi tố đối tượng này về tội giết người theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. Trường hợp nạn nhân không chết, đối tượng thực hiện hành vi giết người sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể tới 20 năm tù do hành vi được xác định là phạm tội chưa đạt, đã hoàn thành.
>>> Mời độc giả xem thêm video 2 vụ cướp giật liên tiếp trong một con hẻm ở TPHCM:
 

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)