Tài xế đâm liên hoàn ở Hà Nội: Nghị định 100 bất lực ma men?

Google News

(Kiến Thức) - Tài xế vi phạm nồng độ cồn vượt khung cao nhất gây tai nạn liên hoàn ở Hà Nội cho thấy dù Nghị định 100 có nghiêm khắc thế nào cũng dường như bất lực khi người dân có ý thức chấp hành các quy định về giao thông kém.

Tài xế Fortuner gây tai nạn liên hoàn khi đâm vào 3 xe ô tô, 4 xe máy tại ngã 3 Giảng Võ – Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) có kết quả đo nồng độ cồn 0.512 mg/1 lít khí thở, vượt mức khung cao nhất.
Hành vi của nam tài xế cho thấy, khi vẫn còn một bộ phận người dân xem nhẹ các quy định của pháp luật, tính mạng bản thân và người tham gia giao thông dù mức xử phạt có nặng như Nghị định 100 dường như cũng bất lực trước ma men.
Tai nạn giao thông thời gian qua dù được kéo giảm cả số vụ, số người chết, số người bị thương nhưng vẫn nhức nhối khi mỗi năm vẫn có trên 7.500 người bị cướp đi mạng sống, 15.000 người bị thương tật suốt đời. Hậu quả của tai nạn giao thông vô cùng lớn và dai dẳng khi với những người chết do tai nạn giao thông là sự mất mát của hàng nghìn gia đình, con mất cha, “lá xanh rụng trước lá vàng”, đối với những người bị thương tật đa số là trụ cột gia đình kéo theo những ảnh hưởng nặng nề về kinh tế, , tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội...Khó có một từ ngữ nào có thể diễn tả cho đầy đủ về những đau thương mất mát do tai nạn giao thông gây ra.
Tai xe dam lien hoan o Ha Noi: Nghi dinh 100 bat luc ma men?
Hiện trường vụ tai nạn. 
Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông là việc tài xế vi phạm nồng độ cồn khá phổ biến. Nghị định 100 ra đời được cho là một cuộc cách mạng để kéo giảm tình trạng sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.
Thực tế sau gần một năm có hiệu lực, mức phạt cao đặc biệt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn đã đạt được nhiều kết quả khả quan, được dư luận đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân có ý thức tham gia giao thông kém vẫn lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Không khó để chứng kiến cảnh những quán nhậu vẫn sầm uất, người sử dụng bia rượu vẫn leo lên xe máy, ô tô điều khiển phóng đi. Cũng không khó để lấy ví dụ về những trường hợp sử dụng rượu bia gây tai nạn dù Nghị định 100 đã có hiệu lực gần 1 năm qua.
Nghị định 100 hay bất cứ quy định nào cũng hướng đến việc điều chỉnh hành vi của con người, nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi một số người vẫn giữ ý thức kém, vẫn coi thường tính mạng của bản thân và những người khác như tài xế Fortuner có nồng độ vượt cả mức khung cao nhất, gây tai nạn hàng loạt, đòi hỏi pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm khắc hơn.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, luật An toàn giao thông đường bộ đã quy định rất rõ về việc cấm người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường sử dụng rượu bia, các chất kích thích.
Cụ thể, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã có những quy định xử phạt rất nghiêm khắc đối với việc lái xe trong tình trạng có nồng độ cồn trong người, mức phạt được tăng hơn so với quy định cũ trước kia. Điều này đã có tác dụng rất lớn trong việc giảm thiểu số người bị tai nạn giao thông mà nguyên nhân xuất phát từ việc sử dụng rượu, bia, chất kích thích khác.
Do đó, đối với hành vi của tài xế Fortuner, điều khiến xe trong khi đã uống rượu, bia, nồng độ cồn vượt mức cao nhất theo quy định của luật là hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông đường bộ. Tài xế gây ra tai nạn với hậu quả nặng nề về thiệt hại tài sản và xâm phạm đến sức khỏe của người khác (có người bị thương, hư hỏng 3 ô tô và 2 xe máy). Với hành vi, hậu quả nêu trên thì tài xế có thể phải chịu TNHS về Tội vi phạm các quy định an toàn giao thông đường bộ ( Điều 260BLHS)
Ngoài ra, người gây tai nạn còn bị áp dụng các quy định về tịch thu bằng lái xe trong thời gian quy định. Bồi thường thiệt hại đối với những người bị nạn theo thiệt hại thực tế, thiệt hại về sức khỏe, tinh thần.
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng, vụ tài xế Fortuner gây tai nạn liên hoàn sau do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia không thiệt hại về người nhưng có thiệt hại về sức khỏe và tài sản của những người tham gia giao thông. Do đó, cơ quan chức năng sẽ làm rõ thiệt hại về tài sản và mức độ tổn hại sức khoẻ của những người trên để có căn cứ giải quyết vấn về trách nhiệm pháp lý.
Trường hợp không có nạn nhân nào thương tích tới 61% hoặc tổng thương tích của các nạn nhân không tới 61%, thiệt hại tài sản cũng không tới 100.000.000 đồng, sẽ không xử lý hình sự đối với người gây tai nạn trong vụ việc này. Tuy nhiên người gây tai nạn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ở mức cao nhất có thể lên đến 40.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe tới 24 tháng đồng thời phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các nạn nhân bao gồm tiền chi phí sửa xe, tiền chi phí cứu chữa, thu nhập bị mất, bị giảm sút và tổn thất về tinh thần... Mức bồi thường thiệt hại trên cơ sở thiệt hại phát sinh trên thực tế, do hai bên thỏa thuận. Trong trường hợp không thỏa thuận được,có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.
Luật sư Cường cho rằng, đây sẽ là một bài học lớn cho những người không tuân thủ các quy tắc giao thông, vi phạm các quy định của luật giao thông đường bộ trong đó có quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.
Hành vi cho thấy mức độ nguy hiểm phải tìm ẩn nhiều rủi ro trong giao thông nếu như có người điều khiển phương tiện say xỉn. Có lẽ từ nay đến cuối năm cơ quan chức năng cần có những đợt ra quân tuyên truyền vận động và xử lý vi phạm, thời điểm này đang xuất hiện nhiều địa điểm tụ tập uống rượu, các cuộc gặp mặt, lễ tết, tiệc tùng, cưới hỏi cuối năm khiến nhiều người uống rượu bia. Nếu không tuyên truyền tốt và xử lý nghiêm minh, tai nạn giao thông có thể ra tăng trong dịp cuối năm này.
Để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông, kéo giảm số vụ tai nạn giao thông do tài xế vi phạm nồng độ, cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý vi phạm, đồng thời, người dân cần nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về ATGT, tự giác thực hiện “Đã uống rượu, bia - không lái xe”. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm, phải xử lý nghiêm khắc nhất theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Trước đó, 18h tối ngày 24/11, trong tình trạng say xỉn, tài xế Nguyễn Bình N. điều khiển xe ô tô BKS 30E-993.02 chạy trên đường Giảng Võ, hướng núi trúc đi Đê La Thành. Khi đến khu vực ngã 3 Giảng Võ - Ngọc Khánh thì xảy ra va chạm với xe mô tô BKS 12LA- 002… do chị Mã Thị N. (SN 1997 ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) điều khiển lưu thông cùng chiều. Sau va chạm xe mô tô bị đổ nghiêng va chạm với xe ô tô BKS 29A-617… do anh Tạ Văn Đ. (SN 1971, ở huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) điều khiển chạy cùng chiều.
Không dừng lại ở đó, xe ô tô do anh N. điều khiển đâm tiếp vào xe mô tô BKS 29F1-433… do chị Trần Thị Thanh H. (SN 1999) điều khiển phía sau chở chị Trần Thuý N. (SN 1994, ở tỉnh Tuyên Quang) và xe mô tô BKS 30H7-665… và xe ô tô BKS 30A-353… do chị Trịnh Thị Bích H. (SN 1971, ở Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội) điều khiển chạy phía trước cùng chiều. Hậu quả, chị H., chị N. đi trên xe máy 29F1-433… bị thương ở chân và một số phương tiện hư hỏng.
Hiện Công an quận Ba Đình thụ lý giải quyết và xử lý
>>> Mời độc giả xem thêm video Tai nạn giao thông - nỗi đau còn đó!

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp.

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)