Điểm sạt lở xuất hiện ngay dưới chân cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã (thuộc địa phận phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa). Vị trí sạt lở xuất hiện ở chân cầu phía bờ hữu sông Mã, bao gồm vật liệu đất, đá xây bao quanh mố cầu, có điểm sụt sâu hơn 1m, kéo dài hàng chục mét, bóc tách khỏi mố cầu và đang có xu hướng đổ ra sông, không còn tác dụng bảo vệ mố cầu.
|
Sụt lún đe dọa an toàn cầu Hàm Rồng. Ảnh: Minh Hải/Thanh niên. |
Không chỉ vậy, bản giảm tải nối giữa cầu và đường bộ phần dưới cũng bị sạt lở, khiến nhiều thanh gỗ được lắp đặt giữa cầu và đường bộ bị rơi ra ngoài. Nhiều thanh gỗ do lâu năm nên bị mối mọt gây hư hỏng không còn tác dụng giảm tải.
Theo Công ty Cổ phần đường sắt Thanh Hóa (đơn vị quản lý cầu Hàm Rồng), hiện tượng sụt lún xuất hiện từ ngày 4/9 và tiếp tục sạt mạnh trong những ngày qua.
Ông Hoàng Gia Khánh, Giám đốc Công ty Cổ phần đường sắt Thanh Hóa cho biết, vị trí sụt lún rất nghiêm trọng và đơn vị đã triển khai các biện pháp túc trực theo dõi và đảm bảo an toàn đối với đường bộ và đường sắt.
Ông Khánh nói: “Hiện nay công ty đã báo cáo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Tổng Công ty đã báo cáo với Bộ Giao thông xin ý kiến về phương án xử lý tứ nón cầu Hàm Rồng, Về phía Công ty đã xin ý kiến cho xử lý khẩn cấp và nguồn kinh phí được trích từ kinh phí sự nghiệp năm 2018 và Tổng Công ty đã trình và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. Dự kiến sẽ triển khai sửa chữa và ngày 20 tháng này để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại cầu”.
Về nguyên nhân của việc sụt lún chân cầu Hàm Rồng được Công ty Cổ phần đường sắt Thanh Hóa đánh giá là do mưa lũ và thay đổi dòng chảy của sông Mã đoạn gần cầu Hàm Rồng gây ra./.