Thời gian gần đây người dân ở xã Đại Phước, Phú Thạnh… thuộc huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) liên tục cầu cứu chính quyền về tình trạng khai thác cát trái phép rầm rộ trên sông Đồng Nai, đoạn giáp ranh giữa Đồng Nai với TP.HCM.
Theo người dân ở đây, tình trạng khai thác cát trái phép diễn ra vào lúc khuya, sáng sớm. Ghe, sà lan khai thác cát chạy ầm ầm khiến nhiều người bức xúc, ăn ngủ không yên.
|
Trình trạng khai thác cát ở sông Đồng Nai. |
Nhiều gia đình bị mất đất, thu hẹp đất vì tình trạng khai thác cát quá mức khiến hai bờ sông bị sụt lún nhưng đành bất lực.
Ông N.V.T (52 tuổi, ngụ xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch) cho biết: “Thời gian gần đây nhiều cát tặc lộng hành, khai thác cát ở tuyến sông Đồng Nai, đoạn qua khu vực đảo Ông Cồn. Ban ngày, các chủ tàu cho các cần cạp đất mở miệng hầm và khi đêm xuống thì vươn vòi cắm xuống đáy sông hút cát.
Người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền xử lý nạn cát tặc nhưng chẳng thấy ai tới xử lý. Họ lý giải do các tàu hút cát ban đêm nên rất khó xử lý”.
Còn bà Đ. (ngụ xã Đại Phước) lo ngại việc khai thác cát quá mức không chỉ làm ảnh hưởng đến sông Đồng Nai mà còn kéo theo hệ lụy người dân sống xung quanh bờ sông có nguy cơ mất đất, mất nhà và thậm chí đe doạ đến mạng sống.
“Tàu, sà lan hút cát ầm ĩ cả đêm khiến người dân bứt rứt không yên nhưng không biết làm gì. Mỗi ngày nước sông càng lấn sâu, hai bên bờ sụt lún, đất bị khoét sâu vào trong mà thấy xót xa. Nếu tình trạng khai thác cát cứ tiếp diễn thì vài nằm nữa những người dân sống ven sông này sẽ bị xoá sổ”, bà T bức xúc.
|
Tàu hút cát ngang nhiên hoạt động trên sông. |
Trước phản ánh của người dân, PV đã có mặt tại khu vực này để ghi nhận. Ban ngày, sông Đồng Nai vẫn yên bình, không có tình trạng khai thác cát trái phép. Tuy nhiên đêm khuya xuống, các tàu, sà lan chạy ầm ĩ, hoạt động khai thác cát hết công suất.
Nhiều chiếc ghe chở cát ngụy trang như ghe đánh cá, chuyên chở hàng hóa bình thường đang xếp hàng dấu mình trước khu vực sân Gofl Đại Phước chờ đợi bóng đêm bao trùm để chuyên chở cát.
Đặc biệt, PV ghi nhận những chiếc ghe bơm cát đậu cách xa khu vực này hầu như không mang biển số, đang ngụy trang như những chiếc ghe cũ kỹ, hư hỏng cặp sát mé sông để đánh lạc hướng cơ quan chức năng.
Đến khoảng 22h, PV có mặt ở khu vực Cảng quốc tế ITC Phú Hữu, quận 9, khu vực giáp ranh giữa TP.HCM và Đồng Nai.
Sau vài giờ lên đênh trên đoạn sông này, PV tiếp cận một chiếc sà lan mang số hiệu SG-3284 đang vươn mình gặm cát sát đảo Ông Cồn (thuộc xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Theo tìm hiểu, hiện nay tình trạng khai thác cát trái phép có biểu hiện diễn biến phức tạp, với nhiều hình thức tinh vi hơn.
|
Nhiều thiết bị có công suất lớn hút cát trên sông. |
Những người khai thác cát lén lút đưa phương tiện ra ngoài khu vực được cấp phép để hút cát hoặc đưa phương tiện không được cấp phép vào khu vực mỏ được cấp phép nhằm “che mắt” lực lượng chức năng.
Không những thế, trên các phương tiện còn trang bị cả ống nhòm để theo dõi, cảnh giới.
Đáng nói hơn, điểm khai thác cát trái phép này chỉ cách Cục cảnh sát thủy đoàn III chưa đầy 1km.
Hiện PV đã liên lạc với Công an môi trường (C49) Đồng Nai về tình trạng khai thác cát khu vực đảo Ông Cồn nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.
Trước đó, tháng 3/2017, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã chủ trì cuộc họp với 20 bộ, ngành, chính quyền địa phương để làm rõ thực trạng khai thác cát trái phép và biện pháp ngăn chặn.
Phó Thủ tướng thẳng thắn nêu nguyên nhân chủ quan khiến “cát tặc” lộng hành là do các địa phương buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí là bao che, bảo kê.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định nơi nào để tình trạng khai thác cát sỏi trái phép kéo dài phải xử lý người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.
Với các xã giáp ranh, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm, giáp ranh huyện thì chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm, giáp ranh các tỉnh thì trung ương phải vào cuộc. Phát hiện cán bộ bao che, bảo kê vi phạm thì xử lý nghiêm minh.