Căn nhà cấp 4 của gia đình bà Nguyễn Thị Cúc (63 tuổi, khối 2, thị trấn Rừng Thông, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) nằm gần kho thuốc trừ sâu cũ thuộc Chi cục bảo vệ Thanh Hóa. Nhiều năm qua, gia đình bà Cúc luôn sống trong hoang mang, lo sợ khi biết kho này còn tồn dư nhiều lượng thuốc bảo vệ thực vật.
"Kho thuốc tạm dừng hoạt động sang chiết, đóng gói từ năm 2008. Tuy nhiên, theo thông tin từ cấp trên, nơi đây vẫn còn nhiều lượng thuốc bảo vệ thực vật còn sót lại", bà Cúc nói.
Bà Cúc cho hay, trước đây gia đình chủ yếu dùng nước giếng khơi, giếng khoan. Nhưng mấy năm gần đây, bà phải chuyển qua mua nước sạch để ăn uống vì lo sợ nước nhiễm độc tố.
|
Nhiều năm qua, gia đình bà Cúc luôn sống trong bất an cạnh kho thuốc trừ sâu. Ảnh: Nguyễn Dương. |
Theo tìm hiểu, không chỉ gia đình bà Cúc mà hàng chục hộ dân ở khối 2 và khối 1 (thị trấn Rừng Thông) đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Ngoài lo ngại đất, nguồn nước ô nhiễm, họ còn phải hứng chịu mùi hôi nồng nặc từ kho thuốc theo hướng gió.
Người dân đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền các cấp sớm di dời kho thuốc và tiêu hủy triệt để số thuốc tồn dư nhưng vẫn chưa được giải quyết.
"Chúng tôi ở tuổi gần đất xa trời thì không sao nhưng chỉ lo sợ đến tương lai của thế hệ con cháu", một cụ bà nhà ở sau lưng kho thuốc, lo âu nói.
Trao đổi với Zing.vn, ông Phạm Ngọc Bình, Phó chủ tịch UBND thị trấn Rừng Thông, cho biết kho thuốc nói trên tồn tại từ 1993 đến nay, thuộc quản lý của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh quản lý.
|
Kho thuốc sâu nằm ở khu vực ranh giới khối 1 và khối 2, thị trấn Rừng Thông. Ảnh: Nguyễn Dương. |
"Trước kia, nơi này diễn ra các hoạt động sang chai, đóng gói thuốc sâu của một công ty gây ô nhiễm khu dân cư. Đến năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định tạm dừng mọi hoạt động tại đây", ông Bình nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo UBND thị trấn Rừng Thông, hiện trong kho vẫn còn khoảng 2 tấn thuốc trừ sâu tồn dư được đựng trong các thùng các tông đã mục nát, nhiều chai lọ vứt ngổn ngang không được bảo quản cẩn thận. Thậm chí, năm 2014, nhà kho này còn được một hộ dân thuê dùng để chứa và trung chuyển thuốc bảo vệ thực vật.
"Chúng tôi đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị các ngành, các cấp tiêu hủy số thuốc sâu tồn dư nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và di dời kho thuốc, nhưng chưa được xử lý", Vị chủ tịch UBND thị trấn nói và bày tỏ, mong các ngành, các cấp khẩn trương vào cuộc.