“Sốc” với nghi án hàng nghìn tấn chất thải nguy hại vùi lấp giữa khu dân cư

Google News

(Kiến Thức) - Người dân khu vực xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM đang hết sức lo lắng vì thông tin hàng nghìn tấn rác, chất thải công nghiệp được đem san lấp khu đất 8.000m2 có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Mời độc giả xem video clip nghi án chất thải nguy hại đổ giữa KDC:
Những ngày qua người dân sống ở khu vực ấp 2, xã Phong Phú và các xã lân cận thuộc huyện Bình Chánh, TP.HCM vô cùng bất an, lo lắng trước thông tin chủ 2 lô đất rộng hơn 8.000m2 trên đường Ông Niệm 1, ấp 2, xã Phong Phú cho san lấp mặt bằng khu đất này bằng chất thải, rác thải công nghiệp độc hại.
“Soc” voi nghi an hang nghin tan chat thai nguy hai vui lap giua khu dan cu
8000m2 đất đã được san lấp xong. Trong đó có nghi vấn hàng nghìn tấn rác thải, chất thải công nghiệp nguy hại được vùi bên dưới. 
“Họ san lấp mặt bằng khu đất từ đầu tháng 5 và làm xong từ nhiều tháng nay. Tuy nhiên mới đây, gia đình tôi và nhiều người dân ở ấp 2 nghe thông tin khu đất được san lấp bằng chất thải, rác thải công nghiệp hỗn hợp độc hại nên ai cũng vô cùng bất an, lo lắng vì sợ ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe”, ông Chín, một người dân gần khu đất bày tỏ.
Theo người dân địa phương, đơn vị nhận san lấp cho chủ 2 lô đất nói trên đã lợi dụng thời điểm nửa đêm về sáng, không có sự giám sát của chính quyền địa phương cũng như của người dân đã cho đổ hàng nghìn tấn chất thải, rác thải của một Nhà máy giấy từ tỉnh Hậu Giang chuyển về.
“Lẽ ra họ phải đưa số chất thải, rác thải công nghiệp này đến nơi xử lý theo đúng hợp đồng với nhà máy giấy. Tuy nhiên vì lợi nhuận “ăn 2 đầu” (thu tiền từ phía công ty giấy, không phải trả tiền cho nơi xử lý và còn thu thêm tiền chủ lô đất san lấp-PV) nên họ bất chấp tất cả, kể cả tính mạng, sức khỏe cộng đồng”, bà Bảy Loan, một người dân địa phương nói trong bức xúc.
“Soc” voi nghi an hang nghin tan chat thai nguy hai vui lap giua khu dan cu-Hinh-2
PV Kiến Thức đã có mặt tại khu đất rộng khoảng 8.000m2 nói trên và ghi nhận, mặt bằng đã san lấp xong nhưng trộn lẫn trong đất là đầy rẫy nilông, thủy tinh, nhựa tạp, vải, bã giấy, cát, đá, kim bấm và vô số rác thải không tên khác. 

“Soc” voi nghi an hang nghin tan chat thai nguy hai vui lap giua khu dan cu-Hinh-3
 

“Soc” voi nghi an hang nghin tan chat thai nguy hai vui lap giua khu dan cu-Hinh-4
 Đầy rẫy nilông, thủy tinh, nhựa tạp, vải, bã giấy, cát, đá, kim bấm và vô số rác thải không tên khác.  
Chiều 21/11, PV Kiến Thức đã có mặt tại khu đất rộng khoảng 8.000m2 nói trên và ghi nhận, mặt bằng đã san lấp xong nhưng trộn lẫn trong đất là đầy rẫy nilông, thủy tinh, nhựa tạp, vải, bã giấy, cát, đá, kim bấm và vô số rác thải không tên khác. Theo tìm hiểu của PV, đơn vị ký hợp đồng xử lý rác thải, chất thải với Nhà máy giấy ở Hậu Giang là một công ty chuyên về lĩnh vực “bảo vệ môi trường” có trụ sở ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.
Tuy nhiên, thay vì đưa tất cả rác thải, chất thải về các công ty có chức năng xử lý theo đúng quy định ở BR-VT, Đồng Nai thì công ty này đã đem hàng nghìn tấn rác thải, chất thải đến san lấp mặt bằng khu đất ở ấp 2, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Phùng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết, quá trình san lấp mặt bằng chủ 2 lô đất rộng khoảng 8.000m2 có thông báo đến xã. Lãnh đạo xã đã phân công lực lượng Trật tự đô thị, địa chính, Ban nhân dân ấp 2… giám sát.
“Tôi khẳng định không có việc 100% khu đất được san lấp hoàn toàn bằng rác thải, chất thải công nghiệp vì ngay giai đoạn đầu, lực lượng của xã giám sát chặt chẽ, không phát hiện chôn vùi chất thải. Tuy nhiên có thể do chủ quan khi công trình san lấp được hơn 50% nên tầng suất giám sát của lực lượng chức năng giảm; cùng với việc lợi dụng nửa đêm về sáng, những người này đã lồng ghép chất thải, rác thải vào”, ông Việt thông tin.
Ông Việt cho biết, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh đã chỉ đạo xã Phong Phú, phòng Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) phối hợp với Sở TN-MT khoang đào kiểm tra thực trạng, xác định rác có nguy hại hay không để có cơ sở xử lý. Nếu nghiêm trọng có thể yêu cầu chủ đầu tư và các đơn vị liên quan trả nguyên hiện trạng và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
“Riêng lực lượng giám sát của xã sẽ bị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm từng cá nhân có liên quan”, ông Việt thông tin.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, chủ tịch hội đồng khoa học, nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam (Viện hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam) cảnh báo về hậu quả của việc chôn lấp chất thải rắn công nghiệp trong khu dân cư sẽ gây nguy cơ ung thư, nhiễm trùng máu cao.
“Chất thải rắn công nghiệp với các thành phần như kim loại, nilông, nhựa; đặc biệt là nilông thông thường không thể tiêu hủy sau cả trăm năm. Những loại này phải được xử lý, chôn lấp theo một quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo môi trường sống trên bề mặt, đặc biệt là mạch nước ngầm.
Nếu chôn lấp các loại chất thải này trong KDC, không có giải pháp bảo vệ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống nước ngầm bên dưới. Việc ô nhiễm nước ngầm đó có thể làm nước ăn, nước sinh hoạt của người dân bị ô nhiễm các loại như chì, asen, thủy ngân, phôtpho…với những chất này, người ăn uống, tiếp xúc có thể bị nhiễm trùng ngoài da, dễ bị ung thư, nhiễm trùng máu. Vì các chất này cơ thể con người gần như không thể đào thải ra ngoài”, Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, chia sẻ với phóng viên.
Vũ Sơn

>> xem thêm

Bình luận(0)