Năm 2005, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty TNHH nhà nước, công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập. SCIC được đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước dưới hình thức: góp vốn vào những lĩnh vực Nhà nước cần chi phối để thành lập doanh nghiệp mới; đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần với các doanh nghiệp khác; đầu tư mua một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác; đầu tư trên thị trường vốn, chứng khoán thông qua mua bán cổ phiếu, trái phiếu và công cụ tài chính khác. Với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Tuy nhiên, SCIC là doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV 100% vốn Nhà nước được giao thực hiện việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương chuyển giao với số lượng lớn nhưng lại thực hiện một số nội dung công việc như một cấp quản lý nhà nước trong việc thẩm định, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra nhiều vi phạm, khuyết điểm tại siêu tổng công ty này, nhưng trước đó, SCIC đã có nhiều lùm xùm khiến dư luận quan tâm.
|
Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
|
Mang cả chục ngàn tỷ gửi ngân hàng lấy lãi
Năm 2013, dư luận lùm xùm trước thông tin, SCIC sử dụng phần lớn nguồn vốn hàng ngàn tỷ đồng từ nguồn thu cổ tức, bán vốn của các doanh nghiệp do SCIC giữ quyền đại diện vốn nhà nước, mang gửi ngân hàng lấy lãi. Dù được kỳ vọng với chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước, sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thế nhưng khi đó, doanh thu của SCIC chỉ từ ba nguồn là bán vốn nhà nước, gửi tiết kiệm ngân hàng và thu cổ tức từ doanh nghiệp SCIC giữ quyền đại diện vốn nhà nước.
Thời điểm đó báo Đất Việt có bài báo chỉ rõ việc SCIC mang cả chục ngàn tỷ gửi ngân hàng để lấy lãi. Trong đó nêu rõ: “Báo cáo của SCIC, tính đến hết năm 2012, tổng vốn trong danh mục đầu tư của SCIC theo sổ kế toán khoảng 14.000 tỷ đồng, giá thị trường ước đạt 50.000 tỷ đồng, chênh lệch 36.000 tỷ đồng. Trong một báo cáo của SCIC, đơn vị này đã hé lộ thông tin về một trong những nghiệp vụ đầu tư của một “siêu tổng công ty” chuyên đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - đó là gửi tiền ngân hàng để lấy lãi. Báo cáo này nêu doanh thu tài chính năm 2012 chịu ảnh hưởng trực tiếp của lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm mạnh, còn 8%/năm so với mặt bằng chung năm 2011 là 14%/năm nên chỉ đạt 1.568 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy các khoản đầu tư tài chính khác hầu như không đáng kể, doanh thu tài chính của SCIC có được là tiền lãi gửi các ngân hàng. Với số tiền lãi thu về 1.568 tỷ đồng, ước tổng số tiền SCIC mang gửi tại các ngân hàng có thể lên tới 19.600 tỷ đồng, tăng mạnh so với năm 2011 (số tiền mang gửi ngân hàng ước trên 10.500 tỷ đồng, lãi thu về khoảng 1.479 tỷ đồng). Trước đó, năm 2010, SCIC cũng gửi tiền vào Vietinbank theo hình thức trên với tổng số tiền lên đến 7.199 tỷ đồng, không kỳ hạn và kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 2,4-11,2%/năm...
Thời điểm đó, một số báo chí đã nêu vấn đề vì sao SCIC lại đi gửi vốn vào ngân hàng trong khi các doanh nghiệp nhà nước khác lại cần vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 1/2013, nói về việc “SCIC mang tiền gửi ngân hàng kiếm lãi”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết: “Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) có hai nhiệm vụ, vừa là nhà đầu tư vừa là doanh nghiệp có chức năng tái cấp vốn. Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp này quản lý một quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp với nguồn vốn lên tới trên 20 ngàn tỷ đồng. Theo quy định thì tiền vốn thuộc quỹ này được gửi ngân hàng và tiền lãi thì thu về cho quỹ, SCIC không được chi tiêu. Việc chi tiêu cụ thể thế nào sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn tái cấp vốn cho các doanh nghiệp nhà nước. Về nguyên tắc, hàng năm SCIC phải báo cáo, công bố số liệu liên quan đến quỹ, cả vốn và lãi. Báo cáo này cũng sẽ được kiểm toán. Trong thời gian qua, do tình hình thị trường không thuận lợi, nguồn vốn trong quỹ không được sử dụng cho các hoạt động theo dự kiến và do đó, việc gửi tiền vào ngân hàng được ông Tiến đánh giá là “tỉnh táo để bảo toàn vốn nhà nước”.
Lùm xùm chuyện tăng vốn cho SCIC
Vào tháng 8/2013, khi Bộ Tài chính đưa ra dự thảo lấy ý kiến nghị định về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Theo dự thảo này, vốn điều lệ của SCIC sẽ nâng lên 40.000 tỷ đồng, thay vì 5.000 tỷ đồng khi mới được thành lập theo quyết định của Thủ tướng vào năm 2005. Khi đó nhiều chuyên gia đã lên tiếng về việc này, trong đó, đặc biệt gây chú ý là ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan khi bà nhận định: “SCIC kinh doanh kém còn đòi tăng vốn”.
Cụ thể, trả lời trên báo Đất Việt khi đó, Bà Phạm Chi Lan nêu ý kiến: “Tôi nghĩ với SCIC vấn đề chính không phải là số vốn bao nhiêu mà là hoạt động như thế nào vì vừa qua đã có chuyện SCIC mang tiền đi gửi ngân hàng trong lúc rất nhiều doanh nghiệp đang khó khăn, thiếu vốn.
Thực tế, SCIC đang nắm một số lượng doanh nghiệp quá lớn và không cải cách được, không bán được bớt đi. Cũng chính một lãnh đạo SCIC đã phát biểu với báo chí, thừa nhận tình trạng ôm một số lượng quá lớn doanh nghiệp. Cả mấy trăm đơn vị, trong đó có những đơn vị của Nhà nước mà không cần thiết phải giữ số vốn lớn. Bởi vậy, theo tôi, hướng cơ bản của SCIC kể cả nếu như muốn tăng vốn thì phải bằng cách bán bớt các doanh nghiệp, chứ không cần thiết phải giữ số vốn lớn của Nhà nước. Đấy là hướng chính chứ không phải là tăng thêm vốn cho SCIC làm gì”.
“Thực tế, thời gian vừa qua SCIC đã hoạt động không hiệu quả. Lấy ví dụ như SCIC đầu tư vào Vinaconex. Bỏ hàng nghìn tỷ đầu tư vào đấy, trong khi bản thân toàn ngành xây dựng đang ở trong giai đoạn hết sức khó khăn, giai đoạn thoái trào do xây dựng đạt hiệu quả thấp. Chính điều này đã đặt ra bao nhiêu vấn đề, mà SCIC lại còn đổ tiền đầu tư vào nó cả nghìn tỷ. Việc đầu tư này hoàn toàn là lãng phí và không cần thiết. Tôi cho cơ bản hoạt động của SCIC cần cơ cấu lại theo hướng đó chứ không phải tăng vốn”, bà Phạm Chi Lan nêu ý kiến.
Lãnh đạo SCIC thu nhập hàng trăm triệu đồng/tháng
Theo báo cáo thực trạng quản trị doanh nghiệp của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) năm 2015, thu nhập của Tổng Giám đốc và các phó tổng giám đốc của Tổng Công ty này lên tới hàng trăm triệu đồng/tháng.
Cụ thể, thù lao năm 2015 của ông Lại Văn Đạo - nguyên Tổng giám đốc của SCIC (đã nghỉ hưu từ 1/5/2016) - là 576 triệu đồng. Nhưng tổng các lợi ích khác mới là khoản thu nhập lớn hơn, lên tới 852 triệu đồng. Như vậy, thu nhập trong 1 năm của Tổng GĐ SCIC là 1.428 tỉ đồng, tương đương 119 triệu đồng/tháng. Các phó tổng GĐ của SCIC và 2 kiểm soát viên tại SCIC cùng hưởng mức lương 522 triệu đồng/năm. Ngoài khoản lương tại SCIC, tổng cộng thu nhập của các phó tổng GĐ SCIC Hoàng Nguyên Học, Lê Song Lai, Nguyễn Quốc Huy, Nhữ Thị Hồng Liên khoảng 1.290 tỉ đồng, tương đương hơn 100 triệu đồng/tháng.
Báo cáo tài chính năm 2015 của SCIC, mức thu nhập bình quân của mỗi cán bộ, nhân viên SCIC đạt 37 triệu đồng/tháng, cao hơn 9% so với con số 34,4 triệu đồng/tháng của năm 2014. Cụ thể, tại thời điểm cuối năm 2015, số nhân viên của tổng công ty và công ty con là 273 người. Chi phí nhân viên của năm 2015 là 49,3 tỉ đồng, tăng 1,9 lần so với năm 2014. Chi phí nhân viên quản lý là 71,7 tỉ đồng - tăng 10%. Như vậy, tổng chi phí cho cán bộ, nhân viên SCIC năm 2015 là 121 tỉ đồng.
Với mức thu nhập của cán bộ, nhân viên và các cấp quản lý tại SCIC, nhiều ý kiến cho rằng còn cao hơn nhiều so với các ngân hàng top đầu Việt Nam như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch SCIC khẳng định, số tiền thù lao cho người đại diện SCIC kiêm nhiệm đều công khai và tuân theo quy định của Bộ Tài chính, quy chế tài chính của SCIC.
Với mức lương vượt khung tại SCIC, nhiều người đặt câu hỏi: “Lương thưởng của SCIC có tương xứng hiệu quả?”.
Thanh tra Chính phủ kết luận nhiều vi phạm tại SCIC
Dư luận chưa hết xôn xao với mức lương vượt khung của lãnh đạo, nhân viên SCIC, mới đây, thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra tại SCIC trong đó chỉ ra nhiều vi phạm tại siêu tổng công ty này trong các vấn đề như tiếp nhận, chuyển giao quyền đại diện vốn Nhà nước, thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đầu tư kinh doanh vốn chưa có hiệu quả, bán phần vốn đầu tư của SCIC tại một số doanh nghiệp, quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ, sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, công tác quản lý tài chính, mua sắm đầu tư xây dựng cơ bản.
|
Thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tại SCIC.
|
Đáng chú ý trong kết luận Thanh tra nêu rõ: “Hội đồng thành viên SCIC không có văn bản phê duyệt kế hoạch tiếp nhận doanh nghiệp hàng năm. SCIC tiếp nhận Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng (Vietracimex) mà không có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không thuộc đối tượng chuyển giao theo quy định của pháp luật; tổng hợp, báo cáo việc đại diện vốn tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Việt Nam trên cơ sở nhận chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu từ Vinashin là không đúng quy định; theo dõi, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền việc tiếp nhận Công ty cổ phần dịch vụ và đầu tư phát triển Việt Ninh từ tỉnh Ninh Thuận, sau đó đã bàn giao trả lại địa phương năm 2009 trong khi thực tế SCIC chưa tiếp nhận doanh nghiệp này. Từ giai đoạn 2008-2013, SCIC đã chuyển giao lại quyền đại diện vốn nhà nước về Bộ, địa phương quản lý tổng số 30 doanh nghiệp nhưng chỉ có Công ty Cổ phần Jetstar Pacific Airlines là có văn bản của Thủ tướng Chính phủ. Đối với 29 doanh nghiệp còn lại đã bàn giao về địa phương”.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ những vấn đề trong việc cử người đại diện vốn SCIC tại các doanh nghiệp như việc SCIC ban hành Quy chế Người đại diện vốn theo hướng mở rộng độ tuổi dẫn đến sự khác biệt trong quy định đối với Người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong việc cử người đại diện đã quá tuổi nghỉ hưu. Đến thời điểm 30/9/2015 còn có 21 người đại diện của SCIC quá tuổi nghỉ hưu.
Khối lượng công việc lớn so với khả năng đáp ứng của SCIC dẫn tới chuyện nhiều cán bộ SCIC (nhất là đội ngũ lãnh đạo) tham gia đại diện vốn nhà nước tại 4-5 doanh nghiệp lớn hoặc tham gia quản trị, điều hành tại 5-6 doanh nghiệp, ngoài ra còn thực hiện các hoạt động quản lý tổng công ty, quản lý các phòng, ban tại SCIC.
Kết luận Thanh tra cũng chỉ rõ một số vấn đề tồn tại trong công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp. Cụ thể, trong việc thực hiện các dự án, một số người đại diện vốn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình để doanh nghiệp vi phạm các quy định về đấu thầu trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, thực hiện đầu tư dự án trước khi được ĐHCĐ thông qua, không thẩm định hiệu quả các phương án đầu tư, thực hiện các dự án đầu tư không hiệu quả, quản lý dự án đầu tư không tốt dẫn đến khó thu hồi vốn đầu tư. Ngoài ra, công tác quản lý tài chính tại một số công ty do người đại diện vốn SCIC tham gia quản lý điều hành còn để xảy ra nhiều khuyết điểm, vi phạm.