Chiều 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 16 cho ý kiến về công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.
Ngoài chương trình xây dựng luật, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thực hiện quy trình bầu, phê chuẩn bổ nhiệm và miễn nhiệm một số bộ trưởng, trưởng ngành, gồm Tổng Kiểm toán Nhà nước, Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng GTVT.
|
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. |
Theo chương trình dự kiến, công tác nhân sự sẽ được Quốc hội tiến hành ngày đầu tiên khai mạc, sau khi nghe các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri và báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri.
Cụ thể, cuối phiên làm việc chiều 20/10, Quốc hội sẽ họp riêng, nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026. Quốc hội cũng nghe Thủ tướng Phạm Minh Chính trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026. Sau đó, các đại biểu thảo luận ở đoàn về nội dung này.
Sáng 21/10, Quốc hội tiếp tục quy trình nhân sự với việc bỏ phiếu kín để miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Giao thông Vận tải.
Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026; Thủ tướng trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.
Quy trình bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước và phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Y tế, Bộ trưởng Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026 được tiến hành chiều cùng ngày.
Hiện chức danh Bộ trưởng Giao thông Vận tải do ông Nguyễn Văn Thể đảm nhiệm, còn Bộ Y tế do bà Đào Hồng Lan giữ cương vị quyền bộ trưởng. Kiểm toán Nhà nước sau khi ông Trần Sỹ Thanh được điều động về Hà Nội mới chỉ có Phó tổng phụ trách là ông Ngô Văn Tuấn.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4 sẽ diễn ra trong 2,5 ngày (từ chiều 3/11 đến ngày 5/11).
Ngoài ra, Chính phủ đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thời hiệu xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 để kịp thời thể chế hóa Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm. Nội dung này đã được Ủy ban Pháp luật thẩm tra và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến tại phiên họp này.
Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung dự thảo Nghị quyết này vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4, dự kiến bố trí thảo luận ở tổ và hội trường cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước.
Đối với nội dung về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT, do Chính phủ gửi tài liệu quá muộn, không đảm bảo đủ thời gian để các cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa kịp cho ý kiến. Vì thế, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị chưa đưa vào dự kiến chương trình kỳ họp thứ 4.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo nội dung về tình hình xung đột Nga - Ukraine, các tác động đến nước ta, dự báo tình hình để đại biểu Quốc hội nắm được thông tin chính thức và đề cập trong báo cáo về công tác đối ngoại năm 2022 hoặc có báo cáo riêng về nội dung này.
Theo dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày, khai mạc vào 20/10 và bế mạc vào 15/11.