Giai đoạn 2023 – 2025, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) thực hiện sắp xếp lại 17 đơn vị hành chính cấp xã thành 8 đơn vị hành chính mới.
Thực hiện đề án sáp nhập, địa phương này đã có công văn gửi Sở Nội vụ, UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị điều chỉnh tên gọi các đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp lại.
|
Tranh cãi việc sáp nhập hành chính và đổi tên địa phương. |
Theo đề nghị này, các xã sau sáp nhập như sau: Xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy thành xã Phú Nghĩa; các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá và Quỳnh Ngọc sau sáp nhập có tên mới là Bình Sơn; xã Quỳnh Thuận sáp nhập với Quỳnh Long, thành xã Thuận Long; Quỳnh Thọ và Sơn Hải thành xã Hải Thọ; Quỳnh Hoa và Quỳnh Mỹ thành Hoa Mỹ; Quỳnh Minh và Quỳnh Lương thành Minh Lương.
Đáng chú ý, quê hương “Bà Chúa thơ Nôm” Hồ Xuân Hương là xã Quỳnh Đôi dự kiến không còn tên này, vì sau sáp nhập với xã Quỳnh Hậu sẽ thành xã mới là Đôi Hậu.
Việc đặt tên sau khi sáp nhập các làng, xã ở huyện Quỳnh Lưu cũng có nhiều ý kiến băn khoăn. Mới đây, câu chuyện về tên mới sau sáp nhập nhận được sự quan tâm khi tên một số ngôi làng gắn với lịch sử, văn hóa lâu đời dự kiến sẽ được thay thế tên mới.
Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Đôi Hồ Quang Tuấn cho biết, xã Quỳnh Đôi có bề dày lịch sử hơn 600 năm với 8 di tích văn hóa cấp quốc gia, 1 di tích cấp tỉnh; truyền thống khoa bảng, có nhiều danh nhân nổi tiếng hay đỗ đạt và người giữ vị trí trọng trách cao như vua Quang Trung – Nguyễn Huệ (Hồ Thơm); Thi sĩ, danh nhân văn hóa Hồ Xuân Hương; Quỳnh Quận công Hồ Phi Tích đậu Hoàng Giáp; Hồ Sỹ Dương đậu giải nguyên Đông các...
“Phương án ban đầu sau khi sáp nhập xã mới sẽ lấy tên Quỳnh Đôi. Tuy nhiên, phía xã Quỳnh Hậu không đồng ý vì muốn giữ chữ Hậu trong tên gọi mới. Nhắc đến Quỳnh Đôi, thì người dân khắp nơi trên cả nước đều biết đến, nên không chỉ riêng người dân trong xã mà người dân nhiều nơi cũng không đồng tình với tên gọi mới theo dự kiến”, ông Tuấn cho hay.
|
Ông Nguyễn Hùng Vĩ. |
Ông Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên khoa văn học ĐH KHXH & NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia hàng đầu về văn hóa dân gian cho rằng, nhiều nơi lấy tên làng chính để đặt tên cho một xã hoặc có nơi thành lập tên xã mới nhưng vẫn giữ tên làng cũ. Thực tế, tên xã dễ biến động qua lịch sử còn tên làng thì có tính bền vững lâu dài.
Hiện nay, xới xu hướng sắp xếp lại đơn vị hành chính, sáp nhập các địa phương để phục vụ mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội càng làm cho các tên đặt trở thành vấn đề cần phải quan tâm, bảo đảm được yếu tố hài hòa với lịch sử, văn hóa. Việc nhập xã, nơi nào thuận tiện thì lấy 2 yếu tố tên của 2 xã với sự đồng thuận của nhân dân thông qua việc lấy phiếu thăm dò nhưng với những địa phương đậm tính lịch sử, văn hóa cần phải nghiên cứu thật kỹ.
Với vấn đề tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, theo chuyên gia Nguyễn Hùng Vĩ, xã Quỳnh Đôi và xã Quỳnh Hậu đang diễn ra tình trạng các bên không đồng thuận, bên nào cũng muốn giữ tên của mình sau khi sáp nhập. Do đó, để tên mới có thể đáp ứng được truyền thống vừa giải quyết được những vướng mắc cần đưa ra những phương án để lấy ý kiến thống nhất.
Phương án 1 là đặt tên thành Song Quỳnh – nghĩa là hai Quỳnh nhập lại một. Ngoài việc giữ lại chữ Quỳnh thì chữ Song cũng có nghĩa. Ngoài ra, nếu còn cổng làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Hậu thì phải giữ.
Phương án 2 là tên Quỳnh Hội. Người địa phương nơi đây thường “nói lái” Đôi và Hậu là “Đâu Hội”. Do đó, tên Quỳnh Hội vẫn giữ được vần “ôi” và giữ được phụ âm đầu “H” của Hậu. Chữ “Hội” có nghĩa rất đẹp - chỉ nơi tập trung, tập hợp nhân tài, vật lực. Ở vùng ven biển cũng thường đặt là “Hội” như Cửa Hội, Hội An, Gia Hội, Khánh Hội... Vì nơi đây là nơi hợp lưu, vừa quen mà đẹp. Những tên trên có thể thỏa mãn nhưng tất nhiên vẫn phải hỏi ý kiến nhân dân để được sự đồng thuận, nhất trí cao.
>>>
Mời độc giả xem thêm video Bộ Nội vụ đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh: