Mới đây, Bộ Chính trị đã quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo, đồng thời miễn nhiệm chức vụ Trưởng ban Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
Theo Ban Bí thư, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, với cương vị Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Y tế, chịu trách nhiệm chính, trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016 - 2021 và Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015 - 2020.
Bà Tiến cũng chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các nguyên tắc, quy chế, quy định của Đảng; vi phạm những điều đảng viên không được làm; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng, ngành y tế và cá nhân bà Tiến.
|
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để Bộ Y tế và một số cơ sở khám, chữa bệnh vi phạm có hệ thống, kéo dài, gây hậu quả nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí tiền, tài sản của Nhà nước.
|
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về nhiều vụ việc sai phạm tại các cơ sở khám, chữa bệnh trong thời gian qua, trong đó có cả những sai phạm xảy ra dưới thời bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm Bộ trưởng, Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nói rằng, ngành y là một trong những ngành nghề cao quý, được người dân rất tin tưởng, ngờ đâu xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng trong việc thực thi nhiệm vụ như vậy.
“Cũng là con người lại xuất phát từ ngành cao quý được người dân trân trọng lại xảy ra những sự việc như vậy cho thấy tham nhũng đã len lỏi bất cứ người đó là ai, người đứng đầu, người có trách nhiệm tới nhân viên bị lũng đoạn. Việc tăng cường phòng ngừa, hạn chế những hành vi sai phạm, tham nhũng là rất cần thiết. Bác sĩ, cán bộ ngành y họ không chỉ thuộc nằm lòng lời thề Hippocrates, “lương y như từ mẫu” nhưng họ không thực hiện mà bị thương mại hóa rồi. Việc nâng giá thiết bị vật tư y tế cũng là lợi ích nhóm, cá nhân trục lợi mà những người đó phần lớn trong ngành y mà ra. Trong ngành y mà xảy ra nhiều sai phạm như vậy thì đây là một scandal ngành y rất lớn”, đại biểu Hòa nói.
Dẫn lời Tổng bí thư nói “xử lý sai phạm không có vùng cấm”, đại biểu Phạm Văn Hòa nói rằng, phải xử lý nghiêm, bất cứ người đó là ai, làm gì, ngành nghề gì cũng phải xử lý để làm gương. Đây là điều rất quan trọng, cần thiết trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực hiện nay.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội khi nói về việc xử lý kỷ luật bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, việc xử lý kỷ luật đối với bà Nguyễn Thị kim Tiến là kỷ luật về mặt Đảng khi đảng viên vi phạm quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam. Trường hợp đảng viên không những chỉ vi phạm kỷ luật đảng mà còn vi phạm pháp luật thì sẽ phải chịu chế tài của pháp luật.
Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ ngoài hành vi vi phạm kỷ luật Đảng thì cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có vi phạm pháp luật hay không. Về nguyên tắc, hành vi vi phạm pháp luật sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm của các cơ quan chức năng là phải xác minh làm rõ để có kết luận về sự việc, làm căn cứ giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Dẫn thông tin từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận về bà Nguyễn Thị Kim Tiến, luật sư Cường cho rằng, với những sai phạm như vậy, bà Tiến đã phải chịu hình thức kỷ luật của Đảng. Người vi phạm kỷ luật đảng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước mà chưa về hưu thì còn bị kỷ luật về mặt chính quyền. Với cán bộ, công chức, viên chức thì sẽ xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của luật cán bộ, công chức, luật viên chức. Đối với cán bộ đã nghỉ hưu thì việc kỷ luật công chức, viên chức sẽ không được đặt ra.
Luật sư Cường cho biết, người bị kỷ luật Đảng không mặc nhiên bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật. Về nguyên tắc chung, kỷ luật Đảng không thay thế chế tài của pháp luật. Bởi vậy, trong trường hợp ngoài hành vi vi phạm kỷ luật Đảng mà cơ quan chức năng xác định đảng viên còn có hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải áp dụng các chế tài thì sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý.
Do vậy, trong quá trình điều tra các vụ án trong lĩnh vực y tế có liên quan đến các cán bộ cao cấp của lĩnh vực này, cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét có trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế hay không, nếu có thì vai trò, tính chất mức độ đến đâu để xem xét xử lý. Trường hợp kết luận của cơ quan chức năng là bà Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ vi phạm kỷ luật đảng mà không có hành vi vi phạm pháp luật hoặc hành vi chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự (không phải mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm) thì sẽ không xem xét xử lý hình sự đối với cựu Bộ trưởng này.
Một vụ án gây xôn xao dư luận dưới thời bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm Bộ trưởng Bộ Y tế, chính là vụ buôn lậu thuốc ung thư giả, xảy ra tại Công ty VN Pharma. Liên quan vụ án này, mới đây nhất, ngày 3/11, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng vụ án này, bị can Nguyễn Việt Hùng, nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế; Phạm Hồng Châu, nguyên trưởng phòng đăng ký thuốc Cục Quản lý dược bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Riêng bị can Nguyễn Thị Thu Thủy, phó trưởng phòng quản lý giá thuốc - Cục Quản lý dược, bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo kết luận điều tra bổ sung, bị can Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VN Pharma đã có hành vi trực tiếp thỏa thuận với Võ Mạnh Cường, nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C để mua 838.000 hộp, 4 loại thuốc mang nhãn mác Health 2000 Canada giả về nguồn gốc, xuất xứ trị giá hơn 54 tỷ đồng để nhập khẩu vào Việt Nam tiêu thụ. Để xảy ra việc trên nguyên nhân một phần là do sự thiếu trách nhiệm, vi phạm quy chế của một số người là lãnh đạo, cán bộ tại Cục Quản lý dược.
>>> Mời độc giả xem thêm video Lý do Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: